18/05/2009 15:47 GMT+7

Cách làm tan máu bầm do chấn thương

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Em bị té xe, tính đến thời điểm hiện nay đã hai tuần. Đầu gối em bị trầy và đã lành nhưng máu bầm chỗ bị trầy vẫn còn. Chỗ máu bầm hơi u lên, không đau và hơi ngứa. Vùng da chỗ đó có cảm giác tê tê mỗi khi tác động mạnh vào. Em đã lăn trứng gà, xoa bóp dầu nóng nhưng vẫn không hết.

Xin phòng mạch online giúp em lời khuyên. Em nghe nói nếu không làm tan máu bầm mà để lâu có thể bị hoại tử khu vực đó. Xin chân thành cảm ơn..

Nguyen Tran Duy Khang

- Trả lời của phòng mạch online:

Trước hết xin trình bày với bạn máu bầm từ đâu ra. Khi bạn bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ và máu thoát ra ngoài, tụ lại mô lỏng lẻo dưới da và hình thành nên máu bầm.

Vùng bị chấn thương sẽ có hiện tượng viêm làm mạch máu giãn nở làm máu chảy nhiều hơn. Khi máu đã thoát ra ngoài thì sẽ biến đổi theo xu hướng tự lành. Máu tụ này sẽ bị phân giải, các bạch cầu trong cơ thể sẽ ăn một phần các thành phần máu, các mô xơ sẽ hình thành tại chỗ bầm máu.

Quá trình này là không đảo ngược và không thể thúc đẩy làm nhanh hay chậm. Chúng ta chỉ có thể hạn chế sự chảy máu để làm chỗ bầm máu không chảy máu thêm mà thôi.

Trở lại hiện tượng bạn thấy. Khi bạn bị chấn thương, máu chảy ra và tụ lại dưới da, bạn không thể làm cho số máu này mất đi nhanh chóng. Bạn chỉ có thể hạn chế sự chảy máu thêm. Việc hạn chế hiện tượng viêm làm xuất huyết thêm bằng cách chườm lạnh và băng thun ép, nghỉ ngơi, kê cao chi bị chấn thương.

Động tác lăn trứng gà, xoa dầu nóng sẽ làm chỗ chấn thương bị chảy máu nhiều hơn vì làm hiện tượng viêm nặng hơn do vậy máu sẽ tiếp tục chảy. Bạn sẽ thấy máu bầm ngày càng nhiều, vùng chấn thương sưng to. Nếu máu bầm nhiều trên một vùng da bị chấn thương thiếu máu nuôi sẽ có hiện tượng chết (hoại tử) da vùng đó.

Cách tốt nhất bạn làm bây giờ là nghỉ ngơi, băng thun ép vùng chấn thương, kê cao chi bị chấn thương, chườm lạnh ngày ba lần, mỗi lần 20 phút, đến bác sĩ khám và cấp thuốc uống. Bạn sẽ thấy vùng bầm máu có màu xanh sau đó sẽ chuyển sang màu vàng và từ từ biến mất. Chúc bạn mau tan hết vùng bầm máu.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên