![]() |
Tình nguyện viên câu lạc bộ Ngàn Hạc Giấy Hà Nội tặng quà học sinh miền Trung - Ảnh: CLB Ngàn Hạc Giấy Hà Nội cung cấp |
Đó là cách nhiều bạn trẻ bày tỏ sự quan tâm, yêu thương cuộc sống. Cộng đồng gọi họ bằng ba từ giản dị: tình nguyện viên.
Những mất mát, đau thương của bà con vùng lũ miền Trung vào tháng 10-2010 thôi thúc các bạn trẻ trong câu lạc bộ Ngàn Hạc Giấy nhanh chóng lên kế hoạch chương trình “Thương về miền Trung”.
Lần đầu tiên trong đời tận mắt chứng kiến những con đường, ngôi nhà của đồng bào miền Trung bị nước lũ nhấn chìm, tôi mới thật sự thấu hiểu những nỗi vất vả của bà con. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết cảm giác mặc áo phao, đi thuyền, ngồi trên nóc xe tải, đi qua những bờ vực chênh vênh” - Đặng Thị Hoàng Ngân, hiện làm việc tại một công ty phần mềm, chủ nhiệm câu lạc bộ Ngàn Hạc Giấy Hà Nội, bồi hồi khi nhớ về chuyến mang hàng cứu trợ từ Hà Nội đến bà con vùng lũ Quảng Bình giữa tháng 10-2010.
Trải nghiệm nơi rốn lũ
Quyên góp, phân loại lượng hàng cứu trợ lên đến hàng tấn đã khó, chuyển được hàng đến với bà con Quảng Bình, Hà Tĩnh càng gian nan bội phần bởi diễn biến thời tiết còn phức tạp, đường sá bị hư hại. Còn số tình nguyện viên tham gia mỗi đợt cứu trợ không quá một bàn tay, nhưng phần việc các bạn làm thật đáng nể khi bốc dỡ 3-4 tấn hàng.
Vất vả và có phần hiểm nguy nhất là chuyến đi lần 2 đến với đồng bào xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) khi lũ đang lên. Năm tình nguyện viên gồm một nam bốn nữ đã chuyển 4 tấn hàng vào xã bằng xuồng, sau đó đi xe tải qua một đường đồi rất xấu. Các bạn trẻ vào xã khi 8/9 thôn đang ngập nước. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hàng đã đến được đây thì phải ráng chút nữa để đến với bà con đang cần lắm sự san sẻ. Hôm sau, các tình nguyện viên xắn cao quần, người tay xách nách mang, người vừa đeo balô vừa công kênh thùng hàng... nhẫn nại lội qua dòng nước đục ngầu để đến với từng mái nhà.
Những bàn tay tình nguyện ân cần trao đến bà con từng thùng mì, gói đường, chai dầu ăn, bì thư có ít tiền… Cũng bàn tay ấy nhẹ nhàng đặt lên vai hay nắm lấy bàn tay các bà, các mẹ, các em… thay cho sự an ủi, động viên không cần nói thành lời. Cũng chính bàn tay ấy vội lau dòng nước mắt khi những ánh mắt xúc động đang giao hòa. Hoàng Ngân chia sẻ: “Đó là những cảm xúc đặc biệt đối với tôi. Tôi ao ước có thêm thật nhiều hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ và chắc chắn những đôi chân tình nguyện không bao giờ mỏi khi đến những nơi cần chúng tôi”.
![]() |
Tình nguyện viên câu lạc bộ Ngàn Hạc Giấy Hà Nội lội nước vào xóm tặng quà cứu trợ cho bà con miền Trung đợt lũ tháng 10-2010 - Ảnh: CTV |
Bay xa nhé, yêu thương
Cộng đồng Ngàn Hạc Giấy (www.nganhacgiay.net) hiện có mặt tại Hà Nội, Huế, TP.HCM với khoảng 300 tình nguyện viên, phần lớn là sinh viên. Các bạn thường xuyên đến với bệnh nhi khó khăn, trẻ có HIV, bà con vùng cao, vùng sâu vùng xa… với các chương trình thăm hỏi, vui chơi, tặng quà… Bùi Nghĩa Thuật - chủ nhiệm câu lạc bộ Ngàn Hạc Giấy TP.HCM, cũng là người “khai sinh” cộng đồng Ngàn Hạc Giấy vào tháng 7-2007 - đã có ba năm “ăn ngủ” cùng hoạt động tình nguyện.
Anh bạn trẻ có nụ cười rất hiền này là người “rất lì” trong các hoạt động tình nguyện: sẵn sàng cưỡi xe máy từ TP.HCM đi Gia Lai, Cà Mau…, ngủ giữa trời lạnh giá, lăn lộn trong chốn thâm sơn cùng cốc muỗi kêu như sáo thổi, ăn uống kham khổ… để làm tròn nhiệm vụ tiền trạm cho hoạt động nào đó. Quý giá nhất trong ngăn ký ức của Thuật là nụ cười, ánh mắt vui của những cuộc đời vất vả khi nhận yêu thương. Tinh thần ấy lan tỏa, tiếp lửa cho rất nhiều tình nguyện viên khác.
Xác định rõ hoạt động tình nguyện thiếu sáng tạo thì dễ đi vào lối mòn, Bùi Nghĩa Thuật chia sẻ về những kế hoạch sắp đến: “Chúng tôi đang dần chuyển hướng vào những hoạt động mang tính lâu dài. Những chương trình quan trọng của năm 2011 như học bổng Quỹ mầm xanh Việt hỗ trợ học sinh vượt khó, hỗ trợ bà con bị bệnh phong ở Gia Lai làm kinh tế bằng cách cung cấp cho bà con giống cây bời lời và dê trưởng thành, xây dựng lại trang web www.nganhacgiay.net”. Đến hẹn lại lên, Tết Tân Mão này “những cánh hạc” sẽ chở mùa xuân đến với bà con nghèo ở xã Cao Quảng với những chiếc bánh chưng, mứt, thịt, gạo…
“Cho những yêu thương bay xa” - câu khẩu hiệu của Ngàn Hạc Giấy - cũng chính là điều mỗi bạn trẻ trong cộng đồng ấy đang miệt mài thực hiện từ những phần việc giản dị, âm thầm nhất.
![]() |
Bức tranh Rồng Việt ghép từ nắp chai nước giải khát - Ảnh: CTV |
Cùng với Cẩm Nhung, các thành viên của nhóm Môi Trường Xanh miệt mài cùng thực hiện bức tranh ấy trong mười ngày, với các công đoạn: thu gom, rửa, phân loại, phơi nắp, vẽ tranh, dán nắp lên tranh. Những ngày cùng phơi mình trong mưa nắng, cùng vẽ tranh trong ánh sáng từ điện thoại di động, cùng thức “xuyên màn đêm”… trở thành kỷ niệm khó quên với các tình nguyện viên.
Bức tranh Rồng Việt (hình ảnh rồng thời Lý và vua Lý Thái Tổ đọc Chiếu dời đô) làm từ 101.010 nắp chai, kích thước 4,7x30m, ra mắt lúc 10g10 ngày 10-10-2010 tại Đại học Sài Gòn. Không chỉ là công trình rất “sinh viên” chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bức tranh còn mang ý nghĩa khác như cách Nguyễn Thị Kim Phượng - chủ nhiệm nhóm Môi Trường Xanh - giải thích: “Khi ngắm bức tranh, thật mong bạn cảm nhận rằng nhiều thứ bỏ đi có thể tận dụng để tạo ra những sản phẩm hữu ích. Đó cũng là cách chúng tôi kêu gọi mọi người chung tay vì màu xanh cuộc sống”.
Cuối tháng 12-2010, bức tranh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam về bức tranh được làm từ nhiều nắp chai nhất. “Sứ mạng” tiếp theo của bức tranh là bán gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Ở tuổi lên ba, nhóm Môi Trường Xanh đang thu hút nhiều bạn trẻ với các sân chơi học thuật về môi trường, gom giấy gây quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên vượt khó, dọn vệ sinh khuôn viên trường và ký túc xá…
![]() |
Các em nhỏ vùng sâu vùng xa vui chơi trong một chương trình tình nguyện do nhóm sinh viên tình nguyện Đom Đóm tổ chức - Ảnh: CTV |
Nguyễn Thị Thanh Xuân - phó nhóm sinh viên tình nguyện Fire Fly (Đom Đóm, TP.HCM) - vừa cười vừa chia sẻ về những kỷ niệm làm tình nguyện của mình như thế.
“Đom Đóm” chăm chỉ
Đúng như tên gọi của nhóm, suốt ba năm qua các bạn trẻ như những chú đom đóm miệt mài bay đến những xã ấp nghèo của Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Khánh Hòa… với những phần quà quyên góp được, những suất học bổng chắt chiu, những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn”, những trò chơi giản dị giòn tan tiếng cười… Nhóm còn rủ rê các bác sĩ, bạn trẻ làm công việc cắt tóc… để trong mỗi chương trình tình nguyện thêm nhiều bà con được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, thêm nhiều em nhỏ được cắt tóc gọn gàng.
Nếu tham gia những hành trình ấy, bạn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh tình nguyện viên lội suối mang thuốc đến bà con, áo ướt đẫm mồ hôi khi làm quản trò vui chơi cho các em nhỏ, những bàn tay không quen công việc nặng nhọc nhiệt tình sửa nhà cho người già neo đơn, ngủ vùi trên bàn ghế ở một ủy ban xã nhỏ xíu, không mùng mền và muỗi lượn như máy bay…
Thanh Xuân nói: “Làm tình nguyện lời lắm, lời những ánh mắt ánh lên niềm vui của những em nhỏ mà manh áo chưa đủ ấm, bữa cơm hằng ngày chưa đủ no. Lời những nụ cười hồn hậu ẩn chứa lời cảm ơn của bà con nghèo khi được khám chữa bệnh và phát thuốc. Lời như thế thì phải mê rồi!”. Còn với Châu Sơn Tuyển - sinh viên Đại học Công nghệ thông tin, lý do còn giản dị hơn: “Năm ngoái, tôi được rủ tham gia hoạt động của nhóm rồi gắn luôn đến bây giờ vì thấy hay quá. Cái háo hức, nhiệt tình, lăn xả của các tình nguyện viên khác đã thôi thúc tôi cố gắng thêm để đóng góp những khả năng của mình”.
Hành trình tình nguyện của “Đom Đóm” bắt nhịp với những mốc thời gian đặc biệt như mùa hè, trung thu, Noel, tết… Nhiều hoạt động có dấu ấn của sự sáng tạo trí tuệ và nồng ấm yêu thương nơi những trái tim trẻ như nồi cháo nghĩa tình dành cho bệnh nhân nghèo, đưa người khuyết tật đi tắm biển…
Thắp sáng những ước mơ
Năm 2011 gõ cửa cũng là lúc những “đom đóm tình nguyện” đến với bà con ấp 4, xã Tà Lài, huyện Nam Cát Tiên, Đồng Nai với chương trình “Xuân với người nghèo 2011”. Trước giờ xuất phát, nhiều thành viên thức “xuyên màn đêm” gói quà. Chuyến xe rời TP.HCM nặng trĩu dụng cụ học tập, dụng cụ chơi thể thao, thuốc men, các phần quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam…
Ấp 4 của xã Tà Lài nằm sâu trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên rộn ràng hơn rất nhiều khi có thêm niềm vui các tình nguyện viên mang đến. Những vất vả mưu sinh như tạm lắng lại khi những món quà ân tình được trao, khi những nụ cười nở trên môi người lớn lúc ngắm con trẻ nô đùa cùng “các anh chị Sài Gòn”… Về đến Sài Gòn, ban điều hành lại lao ngay vào thúc đẩy chương trình đưa hơn 100 học viên tại một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở TP.HCM đi tắm biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào đầu năm 2011.
“Thắp sáng những ước mơ” - câu khẩu hiệu của nhóm cũng là điều mỗi bạn trẻ đang chung sức thực hiện bằng chính thời gian, công sức và cả những khoản tiền cá nhân. Phùng Tuấn Dũng - trưởng nhóm đầu tiên và hiện là người tư vấn cho nhóm tình nguyện Đom Đóm - rất tự hào về tên gọi của nhóm: “Đom đóm rất quen thuộc với thiếu nhi vùng sâu vùng xa. Hình ảnh đom đóm lấp lánh cũng giống như ước mơ của mỗi tuổi thơ còn nhiều thiếu thốn. Chúng tôi mong sẽ đến những vùng đất khó khăn nhiều hơn nữa để tiếp sức thêm cho những ước mơ ấy. Và chúng tôi cũng luôn tin rằng yêu thương cho đi, yêu thương lại nhận về”.
“Hình ảnh đom đóm lấp lánh cũng giống như ước mơ của mỗi tuổi thơ còn nhiều thiếu thốn. Chúng tôi mong sẽ đến những vùng đất khó khăn nhiều hơn nữa để tiếp sức thêm cho những ước mơ ấy. Và chúng tôi cũng luôn tin rằng yêu thương cho đi, yêu thương lại nhận về”. PHÙNG TUẤN DŨNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận