Một người về hưu tới chi nhánh của Ngân hàng quốc gia Hi Lạp nhận tiền ở thành phố Thessaloniki - Ảnh: Reuters |
AFP dẫn nguồn tin từ chính phủ Hi Lạp cho biết: “Các điều kiện đặt ra rất tệ và chúng tôi đang cố gắng tìm giải pháp”. Nguồn tin cũng nói việc thương thuyết buộc phải bắt đầu khẩn trương vì Hi Lạp đã cạn tiền mặt.
Ngày thứ bảy (11-7), các bộ trưởng tài chính Hi Lạp tuyên bố nước này phải thông qua những điều luật mới (liên quan tới chính sách thắt lưng buộc bụng) trước thứ tư tuần này (15-7) nếu họ muốn bàn thảo về một chương trình vay nợ mới ước tính 86 tỉ euro.
Các điều luật mới sẽ bao gồm cải cách về luật lao động và chế độ lương hưu, thuế VAT và các loại thuế khác,….
Các bộ trưởng thậm chí còn đề xuất khả năng Hi Lạp tạm thời rời khối eurozone. Khả năng này do Đức đưa ra đầu tiên.
AFP dẫn nguồn tài liệu: “Trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận nào, cần yêu cầu Hi Lạp tiến hành những thảo luận nhanh chóng về việc tạm thời rời khỏi khối cùng với chương trình tái cấu trúc nợ khả thi”.
Cuối ngày hôm nay (13-7), các lãnh đạo eurozone sẽ họp bàn lần cuối để có thể đi đến quyết định cuối cùng dựa trên đề xuất của các bộ trưởng.
Nguồn tin của Hi Lạp cho biết lo ngại lớn của Hi Lạp hiện nay là vấn đề tham gia của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) trong gói cứu trợ thứ 3.
Đức một mực cho rằng Hi Lạp phải đáp ứng các yêu cầu khắc khổ trước khi được xem xét gói vay mới, đồng thời cũng muốn IMF ủng hộ việc gia tăng áp lực này.
Nguồn tin riêng của AFP cũng nói thủ tướng Angela Merkel và thủ tướng Hi Lạp Tsipras đã có cuộc trao đổi rất gay gắt về việc ông Tsipras đề nghị các chủ nợ giảm bớt nợ cho Hi Lạp để tạo điều kiện dễ thở cho nền kinh tế nước này tìm đường hồi phục.
Tuy nhiên bà Merkel lặp lại rất rõ ràng quan điểm bà hoàn toàn phản đối mọi đề xuất giảm bớt nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận