06/10/2016 09:14 GMT+7

Các dự án hỏi dân kiểu… cho có

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Theo quy định, các dự án xây dựng, dự án phát triển dân sinh chỉ được khởi công sau khi tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, chủ trương này triển khai trong thực tế có quá nhiều chuyện không ổn.

Dự án nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam ở Hậu Giang chỉ lấy ý kiến của 20 hộ dân. Trong ảnh: ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam, giới thiệu hệ thống xả thải của nhà máy - Ảnh: T.Trình
Dự án nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam ở Hậu Giang chỉ lấy ý kiến của 20 hộ dân. Trong ảnh: ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam, giới thiệu hệ thống xả thải của nhà máy - Ảnh: T.Trình

Người dân có thể là một nhân tố quyết định của việc ra đời và duy trì một dự án mang lại lợi ích cho ba bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nhưng với cách làm hình thức như trước nay, vô hình trung đã biến việc tham khảo ý kiến người dân thành bức bình phong che đậy các dự án đen

Nguyễn Minh Hòa

Trong hồ sơ của bất kỳ dự án nào cũng có biên bản ý kiến của dân cư với các con số thống kê ủng hộ dự án rất cao, có khi trên 90%, nhưng nhiều dự án sau khi triển khai hoặc hoàn thành, người dân lại là người bị thiệt thòi và phản đối nhiều nhất. Không phải người dân “tiền hậu bất nhất” mà vì họ không được tham khảo ý kiến một cách đàng hoàng.

Chủ đầu tư dẫn dắt “cuộc chơi”

Ở các nước phát triển, việc lấy ý kiến của người dân (kể cả các cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc) bao giờ cũng được ủy quyền cho các tổ chức nghiên cứu trung lập để đảm bảo khách quan.

Còn ở nước ta, từ trước đến nay việc tham vấn ý kiến cộng đồng được phó thác hoàn toàn cho chủ đầu tư, và như thế chủ đầu tư các công trình công hoặc tư đóng vai trò là người dẫn dắt “cuộc chơi” theo ý của mình. Họ thường mời các cá nhân, cơ quan phản biện là thân hữu với mình và chi trả toàn bộ chi phí điều tra, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá; còn những nhà khoa học được coi là “khó chơi” thì họ tìm cách đẩy ra càng xa càng tốt.

Đối với người dân, các chủ đầu tư thường có các cách ứng xử như sau: thứ nhất, họ chọn những chủ hộ được hưởng lợi đứng cùng phía với họ, kể cả việc họ “đi đêm” với từng chủ hộ để nhận được phiếu tán đồng; thứ hai, trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với người dân ở nơi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án thì họ tiếp xúc rất ít, thường chỉ độ 15-20 hộ, chẳng hạn như dự án nhà máy giấy Lee & Man chỉ lấy ý kiến của 20 hộ dân.

Khi tiếp xúc với người dân, thay vì phải giới thiệu thông tin về toàn bộ dự án với tất cả các chiều kích tích cực, tiêu cực khác nhau thì chủ đầu tư chỉ tập trung thổi phồng dự án với những mỹ từ như hiện đại nhất, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất...

Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn hứa hẹn về những lợi ích to lớn người dân sẽ được hưởng (chẳng hạn như với các khu công nghiệp thì con cái họ sẽ có việc làm ổn định với mức lương cao, với các thủy điện thì người dân sẽ được tái định cư ở những làng mới với đầy đủ tiện nghi, thuận lợi cho sản xuất) và cố tình làm nhẹ hoặc bỏ qua những thiệt hại mà người dân phải đối mặt ngay sau khi dự án khởi công, và nhất là sau khi hoàn thành.

Người dân “hoa mắt” với các loại giấy tờ, hợp đồng, tiền đền bù, quà tặng, lời hứa... đã hạ bút ký chấp nhận, đồng thuận. Và “hậu dự án” mới tỉnh ra thì đã muộn: hàng chục nhà máy ximăng, đường, luyện cán thép, nhiệt điện than tỏa khói nghi ngút hằng ngày, trút hàng tấn bụi xuống làng xóm; hàng nghìn nhà máy lớn nhỏ xả thải mỗi ngày hàng triệu tấn nước bẩn công nghiệp vào biển, sông hồ; hàng chục bãi rác chôn lấp thủ công tỏa ra mùi hôi thối khủng khiếp...

Người dân không chỉ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, mà các giá trị truyền thống ngàn đời như cộng đồng làng xã bị phá vỡ.

Ví dụ rõ nhất là câu chuyện hàng trăm bản làng của bà con người dân tộc ở các tỉnh miền Trung, ở Tây nguyên bị xóa sạch bởi các dự án thủy điện, thay vào đó là những khu định cư tập trung nằm sát ngay trục lộ với những dãy nhà vô hồn xếp hàng như nhà binh với ba không: “không nước, không đất sản xuất, không dân” vì họ đã bỏ đi lang thang đâu đó.

Bỏ qua tham vấn chuyên gia

Một điều quan trọng nữa là việc xác định ai là người dân, ai là thành viên cộng đồng đã được định nghĩa cứng nhắc, thậm chí là không đúng. Không biết từ hướng dẫn nào mà các chủ dự án mặc định việc lấy ý kiến người dân tức là người đang sống trong khu vực có dự án và bị ảnh hưởng trực tiếp.

Hiểu như thế không đúng, cộng đồng không chỉ là người dân trong khu vực dự án mà là tất cả những ai có quan tâm đến dự án, trong đó phải tính đến cộng đồng nghề nghiệp như cộng đồng các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, các trí thức, các hiệp hội chuyên môn.

Ở những quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia..., muốn thực hiện dự án thì chủ dự án và các cơ quan công quyền có liên quan phải công bố công khai dự án thông qua nhiều hình thức khác nhau như triển lãm, hội thảo, đối thoại, chất vấn trên truyền hình, đưa tin trên báo chí... nhằm đảm bảo minh bạch tất cả thông tin tới tận người dân và các chuyên gia, từ đó họ bỏ phiếu một cách tự nguyện vì đã biết những điều lợi cũng như các rủi ro từ dự án.

Việc bỏ qua tham vấn các chuyên gia là điều nguy hiểm không chỉ cho người dân, nhà nước mà cho chính chủ đầu tư, bởi các chuyên gia sẽ chỉ cho họ thấy những trục trặc có thể tránh được sau này cho cả nhà đầu tư và nhà nước.

Ở TP.HCM từng có hai dự án gần như đã được phê duyệt, là tòa cao ốc GS 54 tầng của Hàn Quốc và Nhà hát giao hưởng ở công viên 23-9, nhưng đến phút chót với sự tham gia phản biện rộng rãi của giới chuyên môn có trình độ cao đã giúp lãnh đạo thành phố thay đổi quyết định.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên