Tư liệu
![]() |
X33 |
Các nghiên cứu này được mang ký hiệu X và một số hiệu không có nghĩa là đời càng sau, tốc độ cũng như tầm bay càng cao hơn, nhanh hơn. Có khi cùng lúc có nhiều đời máy bay X cùng được triển khai nghiên cứu. Các kết quả thử nghiệm đều ứng dụng cho ngành không gian và không quân Mỹ.
X-1: chiếc máy bay nhỏ của Hãng Bell là chiếc đầu tiên trên thế giới vượt qua bức tường âm thanh, do đại úy (sau này lên tướng) Charles “Chuck” Elwood Yeager điều khiển, đạt tốc độ 1,015 mach ở cao độ 42.000 feet (12.800m) vào ngày 14-10-1947. Phi cơ có hình hỏa tiễn với mũi nhọn như một viên đạn. X-1 được cải tiến khá nhiều từ 1947 – 1958 với các kiểu như X-1A, X-1B và X-1D. Kiểu X-1A đạt tốc độ 2,44 mach và độ cao 90.440 feet (khoảng 27.000m). Kiểu X-1E là chiếc cuối của đời này với cặp cánh máy bay mỏng dẹp đầu tiên.
X-2: có hình cánh cụp, cũng của Hãng Bell thiết kế, có thể vượt qua tốc độ 3 mach và bay cao khoảng 30.000m; được thử nghiệm nhằm nghiên cứu chế tạo vỏ máy bay bằng các hợp kim thép và các vật liệu có sức bền và chịu nhiệt cao, chống ma sát khi bay với tốc độ cao. X-2 đạt tốc độ 3,2 mach vào ngày 27-9-1956, sau đó bị mất kiểm soát do rơi vào vòng xoáy, làm thiệt mạng viên phi công thử nghiệm là đại úy Milburn Apt.
X-3: được thiết kế chỉ để nghiên cứu các cách bay khác nhau ở vận tốc 2 mach. Nhưng chiếc này đã gây thất vọng vì buồng nhiên liệu nhỏ nên không bao giờ đạt được tốc độ cũng như cao độ thiết kế. Ngoài ra thân phi cơ quá dài trong khi đôi cánh lại quá nhỏ khiến phi cơ rơi vào tình trạng hoạt động kém linh hoạt và nguy hiểm. Thất bại này đã rút ra được một số kinh nghiệm cho những nhà chế tạo phi cơ siêu thanh.
X-5: được trình làng ngày 20-6-1951, là chiếc phi cơ có tính linh hoạt cao, trong khi bay có thể cụp đôi cánh lại từ 200 - 600 làm giảm sức cản của không khí. Chính nhờ dựa vào các nghiên cứu này mà sau đó các đời máy bay “cánh cụp cánh xòe” như F-111 của Hãng General Dynamic, F-14 của Hãng Grumman và B-1B được chế tạo. Chuyến bay cuối cùng của X-5 ngày 25-10-1955 do Neil Armstrong (sau này là phi hành gia vũ trụ) cầm lái.
X-7: cất cánh lần đầu tiên ngày 26-4-1951, thử nghiệm động cơ ramjet dùng nhiên liệu rắn với ba kiểu X-7A-1, X-7A-3 và X-7B, tốc độ tối đa khoảng hơn 2 mach.
X-13: được chế tạo để thử nghiệm phi cơ cất cánh thẳng đứng không cần đường băng, sử dụng động cơ Rolls Royce Avon. Máy bay dễ dàng chuyển từ dạng cất cánh thẳng đứng sang chế độ bay như những phi cơ có cánh cố định.

X-15 A-2: sau lần chiếc X-15 thứ hai bị tai nạn khi hạ cánh ngày 9-11-1962, các nhà thiết kế chỉnh sửa lại thân máy bay, thôi không sử dụng động cơ tên lửa mà trở lại dùng động cơ ramjet, song nhiên liệu gồm oxy lỏng và anhydrous ammonia giúp lực đẩy tăng 70% và cải biến thành X15A2.
X-24B: có động cơ tên lửa, do Hãng Martin Marieta sản xuất trong loạt phi cơ không có cánh (lifting bodies). Trong suốt những năm 1963 – 1975, X-24B trải qua nhiều thử nghiệm khác nhau như thử khả năng đáp chính xác ở tốc độ cao hoặc giảm cao độ đột ngột khi không có sức đẩy của động cơ, từ đó áp dụng cho các tàu con thoi sau này.
X-29A: do Hãng Grumman chế tạo, cánh có thể cụp về phía trước giúp phi cơ có thể điều khiển dễ dàng ở tốc độ thấp, ngay từ năm 1984 đã được chế tạo với một số chi tiết bằng vật liệu composite và trang bị hệ thống điều khiển bay bằng máy tính.
X-33: do Hãng Lockheed Martin chế tạo, thuộc dạng tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần (reusable launch vehicle - RLV) VentureStar. Những thử nghiệm X-33 ở quĩ đạo thấp và trên sa mạc đều thành công.
X-41 và X42: được xem là những mẫu tàu không gian. Không có tài liệu hay hình ảnh gì về hai đời máy bay vì thuộc dạng bảo mật tối đa (top secret). Từ đó ngờ rằng có lẽ đây là tàu không gian chiến đấu.
X-43A: ngày 15-11-2004 NASA đã thử nghiệm thành công phi cơ X-43 ở tốc độ gấp 10 lần âm thanh (10 mach trên 10.000km/giờ). Một chiếc B-52 bay ở cao độ 40.000 feet (khoảng 12.000m) cách duyên hải California khoảng một giờ bay. B-52 phóng đi một tên lửa Pegasus, ở đầu tên lửa Pegasus mang chiếc X-43. Khi tên lửa Pegasus đạt đến độ cao 95.000 feet, gần 30.000m, chiếc X-43 tách ra. Ngay sau đó động cơ scramjet của X-43 hoạt động trong hơn 10 giây đạt vận tốc 10 mach. Động cơ scramjets (supersonic-combustion ramjets) sử dụng hydrogen làm nhiên liệu, dùng cho những máy bay thử nghiệm có tốc độ tối thiểu từ 5 - 15 mach.
X-44: của Hãng Lockheed Martin là loại phi cơ không có đuôi cải biến từ phi cơ Raptor F22. X-44 sử dụng hệ thống khí thoát (exshaust hot gas) để lái máy bay lên xuống hay qua trái phải.
X-45A: của Hãng Boeing, thử nghiệm lần đầu ngày 22-5-2002, khởi đầu cho thế hệ máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) sau này sẽ được dùng để tấn công hệ thống điện, triệt phá các ổ đề kháng của đối phương, thám thính, trinh sát và các nhiệm vụ bí mật mà không ngại mất phi công. Phi cơ có tầm bay cao khoảng 12.000m với bán kính hoạt động 1.300 dặm.
X-47: của Northrop Grum thử nghiệm vào ngày 23-2-2003, cũng thuộc dạng phi cơ không người lái chuyên thám thính.
X-50: cũng thuộc dạng phi cơ chiến đấu không người lái, song có thể cất và hạ cánh không cần đường băng. Ngoài ra phi cơ có thể chuyển đổi giữa hai tính năng vận tải và chiến đấu nên vận tốc khá thấp 375 dặm/giờ: một kiểu trực thăng đời mới!
Từ các đời máy bay X mới nhất, có thể hình dung máy bay quân sự của Mỹ (chiến đấu, thám thính, trực thăng) trong hai thập niên tới hoặc sớm hơn không cần phi công, sử dụng nhiều dạng nhiên liệu vốn thường dùng trong các tên lửa vũ trụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận