26/01/2018 09:24 GMT+7

Các đại lý 'không thích' bán xăng E5?

N.AN - L.THANH - N.HẢI - S.LÂM - C.QUỐC
N.AN - L.THANH - N.HẢI - S.LÂM - C.QUỐC

TTO - Sau gần một tháng "khai tử" xăng A92, lượng tiêu thụ xăng E5 chỉ đạt tỉ lệ 60-65%, nhiều cây xăng chỉ có 1-2 trụ xăng E5 so với 5-7 trụ xăng A95, thậm chí không có trụ nào. Liệu có chuyện các đại lý "không thích" bán xăng E5? Tại sao?

Các đại lý không thích bán xăng E5? - Ảnh 1.

Một góc cây xăng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), trong khi có đến 3 trụ bán xăng A95 thì xăng E5 chỉ có 1 trụ - Ảnh: HỮU THUẬN

Theo Bộ Công thương, lượng tiêu thụ xăng E5 sau gần một tháng "khai tử" xăng A92 chỉ đạt tỉ lệ 60-65%. Liệu các đại lý có đang ngại bán xăng E5 khi mức chiết khấu hoa hồng thấp hơn xăng A95 và tỉ lệ hao hụt nhiều hơn?

Tại TP.HCM, từ nội ô đến ngoại thành, nhiều cây xăng bán xăng E5 với tỉ lệ rất ít so với xăng A95.

4 trụ A95, 1 trụ E5

Tại cửa hàng xăng dầu số 1 trên đường An Dương Vương, Q.5 của Saigon Petro có 4 trụ bán xăng A95, song chỉ có 1 trụ bán xăng E5. 

Ông Lê Ngọc Tuấn, cửa hàng trưởng, cho biết trước ngày 1-1, cửa hàng này có ba hầm chứa cho ba loại xăng là E5, A92 và A95 nhưng sau đó thì rút hầm chứa xăng A92 qua A95, nâng tổng lượng xăng A95 lên gấp đôi. 

Ông Tuấn cho biết do khách mua xăng E5 ít nên trước mắt chỉ bán 1 trụ 2 vòi bơm, nếu khách mua nhiều sẽ nâng dần lên.

Tại cây xăng này, với câu hỏi "Vì sao bạn đổ xăng A95 mà không đổ xăng E5?", tất cả khách hàng đều cho biết không phân biệt giữa xăng E5 và xăng A95. 

Anh Quang Lợi, ở Q.4, cho biết: "Tôi cứ thấy chỗ nào có trụ trống thì vô đổ, không quan tâm loại xăng gì". 

Anh Huy ở Q.6 và nhiều khách hàng khác cũng có câu trả lời tương tự. 

Tại cây xăng trên đường Tôn Thất Thuyết, P.4, Q.4 (thuộc Comeco) treo bảng "Xăng sinh học an toàn động cơ. Xăng sinh học bảo vệ môi trường" nhưng không hề có trụ bơm nào bán xăng E5. 

Trong 3 trụ bơm của cây xăng này thì 2 trụ là xăng A95, trụ còn lại bán dầu DO.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - cho rằng người tiêu dùng vẫn chưa chú ý nhiều đến xăng E5. Qua khảo sát, đa số những dòng ôtô đời mới, xe máy tay ga... vẫn có thói quen đổ xăng A95. 

Tại Cần Thơ, hầu hết các cây xăng đều có treo bảng bán xăng E5 như những trụ xăng A95, nhưng khách hàng hiếm khi chọn mua. Nhiều khách khi được hỏi vì sao không dùng xăng E5 thì có cùng câu trả lời là e ngại chất lượng của xăng này. 

Ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc Sở Công thương Cần Thơ, cho biết thực tế có ý kiến cho rằng xăng E5 dễ bị tách thành cồn và xăng khiến máy nổ lịch xịch, động cơ dễ bị tắt.

Các đại lý không thích bán xăng E5? - Ảnh 2.

Đồ họa: N.Khanh

Trụ xăng E5 đặt phía trong

Tại Hà Nội, ở một cây xăng trên đường Thụy Khuê, mặc dù bố trí 3 trụ bơm xăng E5 nhưng 2 trụ được đặt... ở phía trong. Đại lý này lý giải rằng việc đặt trụ bơm như vậy để "cho khách thuận tiện trong việc đổ xăng".

Anh Sơn Lâm (ở Tây Hồ) cho biết khi đi mua xăng anh không quan tâm nhiều đến việc đổ loại xăng nào, thông thường khi vào cây xăng, anh thường lựa chọn những vị trí thuận lợi như phía ngoài để đổ cho nhanh. 

Nhiều khách hàng cũng có tâm lý như anh Lâm, mặc dù tại mỗi trụ bơm đều ghi rõ loại xăng nhưng khách thường có tâm lý... tiện cột nào đổ cột đó. 

Trong khi đó, ở hầu hết cây xăng tại Hà Nội, các cột bơm xăng hiện nay thường được bố trí song song xăng A95 và E5, thậm chí nhiều nơi chỉ bán xăng A95 mà không có E5.

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng việc bố trí số lượng, vị trí trụ bơm xăng E5 tại mỗi cửa hàng, đại lý là do đại lý chủ động quyết định chứ không liên quan đến mức chiết khấu.

Các đại lý không thích bán xăng E5? - Ảnh 3.

Một cửa hàng bán xăng dầu ghi biển thông báo hết xăng E5 ở H.Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Đầu tư lớn, hao hụt nhiều

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Hùng - cửa hàng trưởng một công ty kinh doanh xăng dầu quy mô nhỏ ở Hà Nội - cho biết hiện nhiều cửa hàng ưu tiên bán xăng A95 nhiều hơn, bố trí cột bơm xăng E5 ít hơn, thậm chí có cửa hàng tại Hà Nội chỉ toàn bán xăng A95. 

Sau một thời gian chuyển đổi sang bán xăng E5, các đại lý, cửa hàng xăng dầu cũng nhận thấy tỉ lệ hao hụt xăng E5 nhiều hơn, càng bán nhiều càng hao hụt nên việc kinh doanh xăng A95 hiện nay đang có phần lợi thế hơn.

Ông Ngô Thành Nhân, chủ cây xăng của Công ty cổ phần XNK Nguyên Cường (xã Bình Chánh, TP.HCM), cho hay nhiều doanh nghiệp không muốn bán xăng E5 vì phải đầu tư rất lớn. 

Một trụ 4 vòi bơm doanh nghiệp xăng dầu phải chi 400 triệu đồng để mua trụ mới, cải tạo hầm và các chi phí khác thêm khoảng 100 triệu đồng nữa. 

Trong khi đó, nếu bán được càng ít thì hầm chứa càng lâu hết xăng, càng lâu hết thì càng bay hơi nhiều khiến lượng hao hụt ngày càng lớn, doanh nghiệp lãi không bù kịp lỗ nên không thể bán.

Ông Nhân kể từ ngày 1-1-2017 cửa hàng của ông đã bán xăng E5, nhưng vì mỗi ngày chỉ bán được chưa tới 300 lít, lượng hao hụt, bốc hơi quá nhiều nên tới tháng 8-2017 doanh nghiệp của ông phải làm đơn gửi Sở Công thương xin ngưng bán loại xăng này. 

Đến tháng 1 năm nay thì phải bán lại theo chủ trương của Chính phủ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Quang Dũng - phó tổng giám đốc Petrolimex - cũng thừa nhận khi chuyển đổi sang kinh doanh xăng E5, doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống phối trộn, các điểm bán ở cửa hàng... khiến chi phí tăng lên nên đã có báo cáo với liên bộ Tài chính - Công thương để tính toán vào giá thành.

Các đại lý không thích bán xăng E5? - Ảnh 4.

Khách hàng mua xăng sinh học E5 tại cửa hàng xăng dầu số 19 Thụy Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội)​ - Ảnh: CHÍ TUỆ

Bán A95 lợi hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội) - thừa nhận nhiều cửa hàng xăng dầu không mặn mà bán xăng E5 do lợi nhuận thấp hơn, thậm chí chỉ bằng một nửa so với xăng A95, bởi thực tế có một lượng không nhỏ xăng A95 trôi nổi - xăng nhập lậu trà trộn vào thị trường. 

Cũng theo ông Tiu, hiện nay mức chiết khấu xăng E5 tương đương A95, khoảng 1.000 đồng/lít. Mặc dù hiện nay giá xăng E5 thấp hơn xăng A95 tới 2.000 đồng/lít, người dân cũng thấy lợi ích rất rõ, nhưng có thực tế là hiện nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn không bán xăng E5 nên người tiêu dùng không thể mua được.

"Đây là điều bất cập khi chúng ta khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhưng lại không quản lý chặt chẽ, ngăn chặn lượng xăng dầu nhập lậu. Vô hình trung, chính sách tốt là đẩy mạnh sử dụng xăng sinh học để bảo vệ môi trường cũng bị ảnh hưởng. Do đó, nếu bịt được hoàn toàn xăng A95 nhập lậu thì chắc chắn thị trường sẽ bán xăng E5" - ông Tiu khuyến nghị.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi trao đổi với Tuổi Trẻ cho biết mức chiết khấu hoa hồng hiện nay cho xăng E5 thấp hơn xăng A95, dẫn tới kinh doanh xăng A95 nhiều thuận lợi hơn khi doanh nghiệp được tự định giá, tỉ lệ hao hụt ít hơn và lượng tiêu thụ cũng tương đương xăng E5, nên nhiều đại lý, cửa hàng chỉ thích bán xăng A95.

Thủ tướng: phải báo cáo về biến động giá xăng dầu

Ngày 23-1, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo hai cơ quan chịu trách nhiệm chính trong điều hành kinh doanh xăng dầu là Bộ Tài chính - Bộ Công thương phải có báo cáo về tình hình giá xăng dầu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ này phải báo cáo về tình hình biến động giá xăng dầu thời gian gần đây, sự chênh lệch giá giữa các mặt hàng xăng dầu và nguyên nhân. Liên bộ cũng phải báo cáo về chính sách thuế, phí liên quan đến xăng dầu, hoạt động của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu hai bộ báo cáo về những tác động, ảnh hưởng của giá xăng dầu đến sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Cần sửa nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng vấn đề cần tập trung trong quản lý kinh doanh xăng dầu là phải sửa nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, cần tập trung về vấn đề điều hành giá theo thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, bởi hiện nay quy định của nghị định 83 không phù hợp với Luật giá, mặc dù điều hành giá theo thị trường nhưng lại có sự quản lý nhà nước.

Có nghĩa là sự khác nhau giữa quản lý và điều tiết khiến cho việc điều hành chưa thực sự theo đúng nghĩa thị trường.

Thái Lan không còn xăng khoáng

Hiện có hơn 50 quốc gia đang sử dụng xăng sinh học. Luật nhiên liệu sinh học vào năm 2006 của Philippines quy định bắt buộc dùng xăng E5 từ năm 2009.

Để khuyến khích sản xuất, Philippines miễn thuế cho phần nhiên liệu sinh học pha vào xăng, cũng như miễn thuế VAT cho nguyên liệu thô (mía, sắn...) khi dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Quốc gia này là một trong những nhà nhập khẩu ethanol lớn nhất ở châu Á.

Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, xăng sinh học hoặc xăng pha cồn đã được sử dụng trong nhiều năm qua và hiện nay tỉ lệ cồn pha vào xăng bắt buộc tối thiểu là 10%.

Thái Lan là một trong những nhà sản xuất ethanol lớn ở khu vực Đông Nam Á, bắt đầu cung cấp xăng pha cồn cho xe vào năm 2005. Ban đầu chính phủ nước này hỗ trợ xăng sinh học thông qua giá bán và lưu hành song song hai loại xăng sinh học và xăng khoáng.

Tuy nhiên, kết quả thu được không cao, chính quyền Bangkok quyết định khai tử hoàn toàn xăng khoáng. Năm 2012, xăng 91 chính thức bị cấm bán ở Thái Lan.

Hiện nay ở Thái Lan chỉ tồn tại xăng sinh học có pha ethanol. Người tiêu dùng bắt buộc phải lựa chọn giữa các loại xăng pha ethanol với các tỉ lệ khác nhau. Điều này giúp lượng tiêu thụ xăng sinh học tăng lên 93%. Đến nay người Thái Lan chủ yếu tiêu thụ xăng E10, một phần E20 và E85.

BẢO DUY

Không nên tạo khoảng cách bằng quỹ bình ổn giá

Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Điều đáng chú ý trong hai kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2018, để tạo sự chênh lệch giá nhằm khuyến khích người tiêu dùng, Bộ Công thương đã sử dụng công cụ bình ổn giá để giá xăng E5 rẻ hơn xăng A95 khoảng 2.000 đồng/lít.

Theo đó, nếu như mức trích lập quỹ bình ổn với xăng A95 vẫn giữ nguyên 300 đồng/lít thì xăng E5 là 0 đồng. Trong khi đó, mức chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5 liên tục được giữ ở mức cao với 857 đồng/lít.

Mặc dù việc điều hành giá như vậy có lợi cho người tiêu dùng nhưng theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu giảm chi sử dụng quỹ cũng như trích lập vào quỹ, giá xăng E5 khó có thể rẻ hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, nói ông không đồng tình việc sử dụng quỹ bình ổn như hiện nay đối với hai loại xăng E5 và A95, vì việc sử dụng quỹ hay trích quỹ đều phải đúng với công thức đã được quy định, tức là tất cả các loại xăng đều phải nộp vào 300 đồng.

Trong trường hợp giá xăng dầu biến động quá cao, việc chi sử dụng quỹ cũng không thể "ưu tiên cái nọ, cái kia" như hiện nay là để cho xăng E5 thấp hơn, tạo sự chênh lệch giá, mà ngay cả xăng A95 nếu có biến động giá tăng mạnh thì cũng cần phải được chi sử dụng quỹ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và hiệu quả bền vững trong sử dụng quỹ.

Ngày 12-1, Saigon Petro đã có công văn đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính không nên dùng quỹ bình ổn giá để tạo khoảng cách giữa xăng E5 và xăng khoáng A95.

Nên dùng chênh lệch về thuế bảo vệ môi trường để tạo khoảng cách, vì xăng E5 có tác động tốt đến môi trường, chứ không chỉ miễn thuế bảo vệ môi trường bằng 5% ethanol pha vào.

Do vậy nên tăng thuế bảo vệ môi trường xăng A95 từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít và giảm thuế xăng E5 xuống còn 2.500 đồng/lít.

Phải minh bạch giá xăng A95

Theo Bộ Công thương, hiện số cột bơm chuyển đổi từ A92 sang E5 khoảng 55-60%.

Các yếu tố đầu vào tính giá cơ sở do Bộ Công thương và Bộ Tài chính công bố xăng E5 bao gồm giá thế giới của xăng A92 bình quân 15 ngày, giá ethanol, tỉ giá, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức, các loại thuế xuất nhập khẩu xăng khoáng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, VAT...

Trong khi đó, một đại diện của Bộ Công thương cho biết quy định hiện nay chỉ yêu cầu doanh nghiệp không được kinh doanh xăng A92, chứ không "bắt ép" các doanh nghiệp phải chọn kinh doanh xăng E5 hay A95.

Việc lựa chọn kinh doanh mặt hàng nào là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, xăng A95 hiện cũng chưa phải công bố giá cơ sở, do đây "không phải là mặt hàng tiêu dùng phổ biến" nên theo chỉ đạo mới đây, cơ quan điều hành sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá và tiêu dùng các mặt hàng trong quý 1-2018, sau đó mới tính đến việc công bố giá cơ sở.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, cho rằng nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu yêu cầu phải minh bạch thông tin và khẳng định giá xăng dầu áp dụng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nên tất cả các loại xăng cơ quan quản lý đều phải công bố giá cơ sở theo công thức tính toán đã được quy định.

Với lý do xăng A95 là "mặt hàng không phổ biến" để tiếp tục không công bố giá cơ sở là không phù hợp, bởi hiện lượng tiêu thụ xăng A95 và E5 đang tương đương nhau. Do đó, nếu cứ tiếp tục kéo dài, ngày nào giá xăng A95 không được minh bạch thì người tiêu dùng có nguy cơ bị thiệt ngày đó.

N.AN - L.THANH - N.HẢI - S.LÂM - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên