Phóng to |
Các trạm bán xăng lẻ vẫn hoạt động bình thường |
Nhưng mức giá tăng lần này vẫn là bảo vệ người tiêu dùng và các ngành sản xuất trong nước, vì nếu so sánh giá bán lẻ với các nước trong khu vực thì giá ở VN vẫn còn thấp hơn nhiều (chỉ bằng 50-75%). Vì vậy việc tăng giá vẫn theo tiêu chí: nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng chia sẻ.
Ông Lê Văn Hòa - tổng giám đốc Saigon Petro - nói: “Mặc dù có giảm bớt lỗ nhưng tăng giá xăng dầu lần này vẫn chưa giải quyết được việc bảo toàn vốn cho các doanh nghiệp đầu mối. Xét về khía cạnh kinh doanh, chúng tôi vẫn mong muốn được áp dụng giá theo biên độ.
Nhưng hiện tại phải chấp nhận. Vì nếu như cho áp dụng biên độ 10%, giá 1 lít xăng có thể lên đến 6.600đ, người tiêu dùng và xã hội sẽ không chịu đựng nổi. Nếu thời gian tới Nhà nước “mở” cho áp dụng biên độ, tôi nghĩ cũng phải mở ra từ từ chứ không thể được 10% một lần ngay. Tuy nhiên việc cho mở biên độ chắc cũng phải tính khi tình hình giá thế giới ổn định”.
Tuy nhiên theo phân tích của ông Lê Văn Hòa, điều quan trọng là thị trường không thiếu xăng dầu. Qui chế mới qui định trách nhiệm các đầu mối phải nhập hàng đầy đủ theo hạn ngạch và tiến độ, phải dự trữ lưu thông, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng cho hệ thống phân phối... đã làm nguồn hàng trên thị trường luôn ổn định. Các đầu mối xăng dầu đều cho biết hiện các kho đều đầy ắp xăng dầu.
Thêm nhiều khó khăn...
Ông Phan Văn Thanh - giám đốc Công ty nhựa Sài Gòn:
“Việc giá xăng tăng ở thời điểm này thật sự gây bất lợi cho doanh nghiệp chúng tôi. Chúng tôi còn đang “đau đầu” với cơn sốt giá nguyên liệu thì lại phải đương đầu với cái khó mới. Thú thật là tôi chưa nghĩ phải tăng giá sản phẩm lên bao nhiêu để bù cho chi phí. Không tăng giá thì lỗ, nhưng tăng thì khách hàng... lại bỏ mình! Thế mới khổ!”.
Ông Phạm Chí Cường - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN:
“Về ảnh hưởng trực tiếp, lượng dầu sử dụng để sản xuất một tấn thép bình quân khoảng 50 lít. Với mức tăng như hiện nay, chi phí cho nhiên liệu dầu sử dụng trong sản xuất thép sẽ tăng thêm khoảng 1-2% tổng chi phí sản xuất. Tuy nhiên về gián tiếp, tôi cho rằng ngành thép sẽ bị ảnh hưởng nặng do chi phí vận chuyển tăng mạnh. Hoạt động sản xuất thép tại VN hiện đang tập trung tại hai khu vực là phía Bắc và phía Nam, do đó chi phí cho hoạt động vận chuyển thép từ các nhà máy đến nơi tiêu thụ rất lớn. Khi giá xăng dầu tăng mạnh, giá cước vận chuyển cũng sẽ leo thang, giá thép càng tăng”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - giám đốc Công ty Vật tư nông sản, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn:
“Công ty chúng tôi mỗi năm phải nhập một lượng lớn các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu..., từ nước ngoài về phục vụ ngành nông nghiệp trong nước. Thời gian gần đây phí vận chuyển hàng hóa từ các nước về VN đã tăng cao do giá xăng dầu thế giới tăng. Nay đến lượt giá xăng dầu trong nước tăng, chắc chắn sẽ kéo theo giá vận chuyển tăng nữa. Vì vậy, theo tôi, giá vật tư nông nghiệp sắp tới chắc chắn sẽ chịu tác động lớn và nông dân sẽ thêm khó khăn...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận