Nhân viên dán thẻ thu phí không dừng lên xe cho chủ phương tiện trong trạm đăng kiểm tại TP.HCM - Ảnh: T.L.
Thứ nhất, lúc này người dân không được Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC - đơn vị được cho là có lợi thế độc quyền) tạo điều kiện để dán thẻ TPKD (ETC) trên xe.
Thuận lợi nhất là dán ở các trạm đăng kiểm nhưng từ lâu những nơi này không còn nhận dán thẻ cho VETC. Tổng đài của VETC cho biết tại TP.HCM có... hai điểm dán thẻ tại trạm thu phí An Sương - An Lạc và trạm thu phí cầu Phú Mỹ. Nhân viên dán thẻ ETC nói rằng có nhận dán tại nhà nhưng phải nhiều xe.
Như vậy phần lớn người dân có ôtô cá nhân muốn dán thẻ ETC phải đưa xe ra 2 điểm thu phí này. Thật phiền phức!
Thứ hai, dán được thẻ rồi chưa hẳn dùng được trên mọi hành trình. Như lộ trình TP.HCM - Vũng Tàu, trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Long Thành không dùng thẻ của VETC.
Trên quốc lộ 51, có hai trạm thu phí cũng thu tiền mặt vì đang triển khai đầu tư ETC. Người dân mong muốn khắc phục tình trạng trạm thu phí "khác hệ" càng sớm càng tốt.
Thứ ba, việc TPKD nếu không hoàn thành đúng 31-12-2019, trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT. Mới đây, bộ này lại cho biết triển khai ETC trên các đường cao tốc do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc VN (VEC) quá chậm, nhưng VEC lại do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý.
Thủ tướng giao ủy ban này đốc thúc và chịu trách nhiệm về hoàn thành tiến độ TPKD trên cao tốc. Như vậy một việc TPKD nhưng có ít nhất hai nơi chịu trách nhiệm.
Thứ tư, việc TPKD là yêu cầu bắt buộc để rút ngắn thời gian qua trạm, đồng thời tăng tính minh bạch, nhất là ở các dự án BOT vốn có hình ảnh chưa thân thiện dưới mắt người dân nhưng tiến độ thực hiện liên tục bị phá vỡ. Tại sao có chuyện Bộ GTVT lo ngại triển khai ETC trên các tuyến cao tốc vỡ tiến độ?
Thứ năm, cứ cho là tới đây những rắc rối như trạm thu phí "khác hệ" được khắc phục và tất cả trạm có đủ các làn ETC. Nhưng với thực trạng cả triệu ôtô chưa dán ETC, khi đó nhiều xe dừng lại trả phí, dẫn đến ùn ứ, xe có ETC cũng như xe không có.
Thứ sáu, với tỉ lệ sử dụng TPKD rất thấp, hiện có nơi chỉ 5% tổng số lượt xe qua trạm, sau này dù có tăng lên nhưng tỉ lệ thu phí bằng tiền mặt vẫn rất lớn, khó đảm bảo được tính minh bạch như yêu cầu.
Thứ bảy, Bộ GTVT loay hoay đốc thúc các chủ dự án phải đầu tư ETC mà quên đi việc thiết lập các cơ chế chính sách để mọi người có ôtô đều trang bị ETC.
Hiện chỉ chủ xe thường qua trạm mới trang bị ETC. Còn hàng triệu ôtô cá nhân chưa gắn ETC. Thống kê gần đây, cả nước có 3,7 triệu ôtô nhưng mới có khoảng 800.000 dán thẻ ETC. Vì thế, đầu tư nhiều làn TPKD nhưng ôtô không có thẻ ETC cũng vô nghĩa.
Thứ tám, nếu theo cơ chế chủ xe được quyền lựa chọn hình thức trả phí, không bắt buộc, nhưng trạm thu phí sẽ áp dụng quy định cứng "đi đúng làn", chỉ xe có ETC mới được đi vào làn TPKD, rất dễ gây ra bức xúc.
Tài xế sốt ruột vì làn ETC vắng xe, trong khi làn thu thủ công xếp hàng dài. Không khéo có lúc trạm thu phí lại trưng dụng làn ETC để thu phí có dừng... Những tình huống này nếu xảy ra, các trạm thu phí lại thêm xấu xí trong mắt người dân.
Nhìn chung, các trạm thu phí trang bị đủ làn ETC đạt tiến độ cuối năm 2019 cũng chỉ mới là phân nửa của vấn đề TPKD. Nửa còn lại chính là có chính sách để người dân cùng tham gia. Đây là bài toán cực khó cho Bộ GTVT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận