17/06/2021 14:27 GMT+7

Ca sĩ ảo – 'cơn gió lạ' của ngành giải trí tỷ đô ở Trung Quốc

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Dù không có thật nhưng siêu sao mới nổi ở Trung Quốc Luo Tianyi vẫn thu hút gần 150 triệu người khán giả theo dõi qua TV và điện thoại di động mỗi lần cô biểu diễn.

Ca sĩ ảo – cơn gió lạ của ngành giải trí tỷ đô ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Luo Tianyi biểu diễn cùng nghệ sĩ dương cầm Lang Lãng. Ảnh: scmp.com

Trung Quốc là chính thị trường mới nhất tiếp nhận vocaloid (những người máy giống hệt con người và có thể phát ra âm thanh) là sự kết hợp giữa âm nhạc và công nghệ đỉnh cao nhất. Mặc dù chúng được phát triển ở Nhật Bản và gây ảnh hưởng đến dòng nhạc K-pop của Hàn Quốc, nhưng Trung Quốc là quốc gia có lượng khán giả tiềm năng lớn nhất, với ước tính khoảng 390 triệu người đang theo dõi các thần tượng ảo. Theo công ty truyền thông iQiyi, ngành công nghiệp hoạt hình đi kèm với nó, bao gồm phim truyền hình và truyện tranh, đạt 35 tỉ USD vào năm 2020.

Từ một chú mèo hoạt hình khiêu vũ cùng Paula Abdul vào thập niên 1990 đến những bức ảnh ba chiều hồi sinh các ca sĩ quá cố vào những năm 2000, ngành công nghiệp âm nhạc đã thăng hoa nhờ hàng loạt màn trình diễn không phải của con người, miễn là chừng nào công nghệ còn cho phép.

Với khoản phí cố định là 225 USD, người sáng tạo nhận được một phần mềm chỉnh sửa âm thanh có thể tạo ra các bài hát hoàn chỉnh bằng giọng nói nhân tạo. Hãng Yamaha đang phát triển công nghệ nhằm giúp giọng hát nhân tạo được sống động hơn cùng những biểu cảm âm nhạc chỉ có ở các vocaloid.

Với những giai điệu pop tươi sáng, Luo là một ví dụ điển hình cho thể loại nhạc này. Cô gái này 15 tuổi, tóc ánh bạc, mắt xanh lục và có 5 triệu người theo dõi trên Weibo. Các buổi diễn của cô ấy bán cháy vé trong vài phút. Cô ấy hát và nhảy trên nền nhạc dương cầm của nghệ sĩ Lang Lãng. Thậm chí, đài CCTV đã đưa Luo vào đội hình biểu diễn đêm Gala Lễ hội mùa Xuân cùng với Lưu Đức Hoa và Andrea Bocelli.

Hơn một phần ba người hâm mộ của Luo Tianyi sinh sau năm 2000, cũng như chủ yếu sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Dựa vào yếu tố này, Nescafe, KFC và các công ty khác đã sử dụng bài hát của cô trong chiến dịch quảng cáo. Harper’s Bazaar đã đưa hình ảnh của cô lên trang bìa ấn bản Trung Quốc.

Tất cả những điều này là thành quả của Công ty Công nghệ Shanghai Henian Thượng Hải. Shanghai Henian đang nổi lên như một công ty vocaloid hàng đầu của Trung Quốc với sáu nghệ sĩ ảo. Công ty này đã mở văn phòng tại Trung Quốc và Nhật Bản, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh vocaloid trong khoảng một thập kỷ nay. Shanghai Henian từng hợp tác với Yamaha về ca sĩ ảo trước khi mua bản quyền cho Luo vào năm 2015.

Ca sĩ ảo Hatsune Miku của Nhật Bản là vocaloid nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Trong 14 năm kể từ khi ra mắt, Miku đã tích lũy được hơn 100.000 bài hát và hàng loạt hợp đồng chứng thực. Cô mang đến một cánh cửa tiềm năng và cả những giới hạn cho các ngôi sao đầy tham vọng của Trung Quốc. Ngành công nghiệp của đất nước này ước tính đạt 100 triệu đô la Mỹ, mặc dù tác động trực tiếp là lớn hơn. Trang web phát trực tuyến video Bilibili đã huy động được 2,6 tỉ đô la Mỹ trong một thị trường thứ cấp (secondary listing) trong năm nay bắt đầu với diễn đàn người hâm mộ Mikufans.cn.

Ông Hiroyuki Ito, Giám đốc điều hành Crypton Future Media - công ty sở hữu Miku - cho biết: 'Một điều đặc biệt của văn hóa vocaloid so với các nền văn hóa sáng tạo nghiệp dư khác, đó là âm nhạc không chỉ là thành quả duy nhất. Một người nào đó sẽ tạo ra một bài hát và một người khác sẽ đính kèm một câu chuyện hoặc vẽ hình minh họa hay làm một video âm nhạc'. Ông nói thêm rằng văn hóa vocaloid đã thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất âm nhạc nghiệp dư và chuyên nghiệp.

Lấy ví dụ Kenshi Yonezu, nam ca sĩ ảo này đã thu hút được nhiều người hâm mô các sản phẩm âm nhạc vocaloid của mình từ năm 2009 trước khi ra mắt trực tiếp. Cuối cùng, Yonezu đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên đạt giải 'Bài hát của năm' của bảng xếp hạng Billboard tại Nhật Bản trong hai năm hoạt động.

Ở Trung Quốc, vocaloid như Luo Tianyi được quảng bá cùng những người nổi tiếng bằng xương bằng thịt, xuất hiện trên các chương trình tạp kỹ, chương trình ca hát, lễ hội mua sắm và nội dung phát trực tiếp.

Quản lý vocaloid chưa chắc đã dễ hơn làm việc với con người. Đối với buổi biểu diễn mừng năm mới của Luo, Shanghai Henian đã bỏ ra hàng tháng trời để vẽ trang phục, chỉnh sửa hiệu ứng hình ảnh và chuyển động của cô trên sân khấu.

Candy Huang, Giám đốc điều hành công ty quản lý Luo cho biết: 'Về một nghệ sĩ biểu diễn là người thật, kích thước của ca sĩ không thay đổi bất kể góc chuyển động của máy quay. Tuy nhiên, Luo là một nhân vật ảo nên để đạt được kích thước chính xác cơ thể của cô ấy so với chuyển động của máy quay, đồng thời làm cô ấy giống người thật, đòi hỏi rất nhiều tính toán và kỹ năng công nghệ cao'.

Trong tương lai, Shanghai Henian sẽ kết hợp Luo với trí tuệ nhân tạo để cho phép cô ấy suy nghĩ độc lập và giao tiếp với người hâm mộ, cũng như bắt đầu theo đuổi những dòng nhạc mới. Bà Huang nói: 'Cô ấy có thể mãi mãi 15 tuổi, nhưng chúng tôi phải nâng cấp cô ấy để phù hợp với thị hiếu của người xem liên tục thay đổi'.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên