06/06/2011 06:32 GMT+7

Cá nhân và nghệ thuật

VŨ LÂM
VŨ LÂM

LTS: Nhân triển lãm mới của họa sĩ Nguyễn Quân tại Hà Nội, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có bài viết về “câu chuyện nghệ thuật" nhìn từ Nguyễn Quân - một nghệ sĩ luôn tích cực thúc đẩy khuynh hướng sáng tác đậm cá tính trong hơn hai thập kỷ qua.

n5E8jMsm.jpgPhóng to
Họa sĩ Nguyễn Quân bên bức sơn dầu trừu tượng kết hợp xé dán tranh làng Sình - Ảnh: Hà Hương

1 Sinh ra ai cũng là cá nhân, nhưng rồi một ngày người ta chẳng thấy cá nhân mình đâu và đi tìm. Các nhà văn gọi đó là tôi đi tìm tôi. Tại sao như vậy?

Cái cá nhân trời và cha mẹ cho ta rất nhỏ bé, nó nhanh chóng bị những quy tắc, tập tục gia đình và cộng đồng nuốt chửng. Ở những xã hội chưa từng biết hoặc chưa có chủ nghĩa cá nhân thì cái cá nhân còn mong manh hơn nữa. Văn hóa Phục hưng gắn với việc phát triển cá nhân. Cá nhân nghệ sĩ từ đó, thế kỷ 15, cho đến nay quyết định sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật.

Trắng ba chiều

Chiều 5-6, tại Art Talk Café, 12 Quán Sứ, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh - tượng mang tên Trắng ba chiều (3D White) của họa sĩ, nhà lý luận mỹ thuật Nguyễn Quân.

Triển lãm kéo dài một tháng, bao gồm 26 tác phẩm tranh sơn dầu được sáng tác trong vòng ba năm, từ 2008-2011, và ba bức tượng đá vừa mới hoàn thành. Lý do triển lãm có cái tên "trắng" như vậy bởi cả 26 bức tranh đều được họa sĩ vẽ đơn sắc (đen - trắng). Chỉ có đôi chút điểm xuyết màu lại là những mảnh tranh dân gian làng Sình (Huế) được họa sĩ xé, dán thẳng lên trên toan. Tượng cũng làm bằng đá trắng.

Sinh năm 1948, Nguyễn Quân đóng góp cho mỹ thuật từ cả hai phía: ông vừa là một nhà lý luận nghệ thuật tạo hình hàng đầu, với nhiều tác phẩm viết; vừa là một nghệ sĩ sáng tác đều đặn, chuyên nghiệp cả hai mảng điêu khắc và hội họa.

Chủ nghĩa cá nhân biết đến rất muộn ở ta. Nhưng không phải không có những đòi hỏi, những mong muốn ngay trong thời phong kiến. Thơ Hồ Xuân Hương và sau này là thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương là những phong cách nghệ thuật đầy cá tính, không giống ai, không ai làm được như thế, giống thế.

Văn thơ tiền chiến cũng đã có phong vị của chủ nghĩa cá nhân nhất định, rồi cái phong vị ấy nhạt nhòa ngay trong thời chiến tranh và bao cấp, thay thế bằng chủ nghĩa tập thể.

Cả một triển lãm mỹ thuật toàn quốc hàng nghìn bức tranh mà như một người vẽ, nhiều thế hệ kế tiếp nhau không sinh ra một gương mặt được coi là tự của mình. Cuộc đổi mới không chỉ có ý nghĩa về chính trị và kinh tế, mà còn có ý nghĩa về sự phát triển cá nhân trong quá trình phát triển dân chủ.

Tuy nhiên phần lớn các nghệ sĩ không biết dùng tự do của mình vào việc gì, kết quả là tiếng nói cá nhân rất yếu ớt, chủ nghĩa tập thể được thay thế bằng một nhóm bút pháp, nhóm trà lá, nghệ thuật tự hạ mình trong một thị trường yếu ớt đầy cám dỗ đè bẹp cá tính theo một kiểu khác.

2 Nguyễn Quân là người ý thức sớm về việc này, ý thức về sự phát triển của nghệ thuật phụ thuộc hoàn toàn vào một cá nhân. Những người như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái là tấm gương về sự giữ mình và biểu hiện được mình trong thời buổi tập thể, dù tất cả các mặt khác họ không có gì khác người, cũng 4m2 nhà ở, 13 cân gạo.

Khi họa sĩ đã có xưởng vẽ riêng, có đủ tiền sinh sống và làm nghệ thuật thì những ước vọng cá nhân dường như cũng tan biến, thay thế bởi một sinh hoạt làng xã ở phố.

Cái cá nhân có sẵn trong mình, nhưng cũng nhanh chóng từ bỏ mình nếu ước vọng đã hết và sự khước từ không được quan tâm. Chúng ta đã làm nhiều quá sự vô ích đối với nghệ thuật, thay vì chỉ nên can thiệp vào nó vừa phải cho nó tự nảy sinh bên tâm hồn ta.

Đó là điều mà Osho nói: Khi làm việc gì đó quá nhiều tức là ta đang phá hủy nó. Từ cá nhân đến sáng tạo còn là một khoảng cách, từ sáng tạo đến tác giả lại là một khoảng cách nữa, nhưng cái ban đầu dẫn dắt người nghệ sĩ đi lại trên mặt đất bởi chính anh ta là một giá trị luôn phủ nhận cái đi trước, hình thức và bút pháp có trước, thấy mình là duy nhất đúng, cái mình làm ra là lần đầu tiên.

3. Cuộc triển lãm này của Nguyễn Quân nằm trong chuỗi sáng tác của ông hơn 40 năm qua, nó biến đổi cùng với sự cọ xát vui buồn của ông với cuộc sống cá nhân đầy phong phú, đầy trầm luân, như là số phận không thể khác được và ngược lại chỉ muốn mình như thế, không chịu theo số phận.

Có thể chúng ta chỉ khác nhau ở thị hiếu ăn mặc ở, nhưng không tài nào khác nhau được về bản chất suy nghĩ. Ý thức cá nhân nó bao hàm cả chiều ngược lại là chấp nhận người khác, nó là sự thúc đẩy tăng tiến tương quan giữa cá nhân và cộng đồng. Cá nhân càng lớn mạnh thì sự quan tâm đến cộng đồng càng lớn hơn, tính nhân văn của nghệ thuật rộng lớn hơn bởi một cá nhân. Đó chính là cái nghệ thuật ta còn rất thiếu trong bước đi của nó.

VŨ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên