24/07/2007 04:51 GMT+7

Cà Mau: 27.000 dân khổ bởi công trình "rùa"

NHƯ Ý
NHƯ Ý

TT - Con đường từ thị trấn Trần Văn Thời (Cà Mau) về thị trấn Sông Đốc của huyện này đã xây dựng ba năm nhưng vẫn còn nham nhở, chưa nên hình hài.

ZDfQvywH.jpgPhóng to
Thi công cống Rạch Lùm, xã Khánh Hưng (Trần Văn Thời) nhưng không làm đường tạm cho dân đi - Ảnh: N.Ý

Thi công... rùa

Trên tuyến đường đang làm dang dở từ thị trấn Trần Văn Thời về thị trấn Sông Đốc dài khoảng 14km, chúng tôi ghi nhận: từ cống Sáu Mên đến cống Kinh Tư (2km) thuộc địa bàn xã Khánh Lộc chưa được đổ đá. Nhiều đoạn khác chỉ mới đổ đá tảng nham nhở, gây trở ngại cho xe cộ. Ở đoạn đường giữa hai cống Kinh Tư và Sáu Thước (Khánh Lộc), hai mẹ con bà Sáu Hùm hì hục đẩy chiếc xe máy xẹp bánh do bị đá chém qua những vũng bùn đất, lầy lội. Bà Sáu quệt mồ hôi, bảo: “Nhà nước làm đường như rùa bò. Làm hai, ba năm trời mà không ra gì cả. Làm khổ cho dân!”.

Những cái cống đang thi công cũng làm khổ dân vì trơn trượt, nhất là khi trời mưa. Tại cống Rạch Lùm (xã Khánh Hưng) thậm chí còn không có cả đường tạm, mặc cho dân đi thế nào tùy ý. Trời nắng thì còn qua được, trời mưa đành phải đi phà, tốn hết 3.000 đồng/xe.

Chứng kiến cảnh thi công tuyến lộ càng khiến người đi đường nổi giận. 10g30 ngày 19-7, chúng tôi đi qua 8km từ thị trấn Trần Văn Thời về đến cống Kinh Hản chỉ gặp có sáu công nhân (hai người lái xe lu, một người lái xe mini chở đá và ba công nhân đang dùng xẻng vét đất cặn bên mép đường). Nhiều xe cơ giới sử dụng để thi công đường lại... nằm bẹp trên đường, gỉ sét.

vBoONoIz.jpgPhóng to
Sau ba năm khởi công xây dựng, nhiều đoạn đường hiện vẫn còn lầy lội, trơn trượt
Có xe cũng đành trùm mền

Sông Đốc là thị trấn lớn nhất tỉnh Cà Mau với 27.000 dân, hàng ngàn con tàu đánh bắt với sản lượng hải sản bình quân 68.400 tấn/năm. Tuy nhiên ngư dân gặp nhiều khó khăn do không có đường bộ vận chuyển. Bác Bảy Kim, một ngư dân có trên 40 năm nghề cá ở Sông Đốc, bảo: “Do không có đường bộ vận chuyển, vận chuyển bằng đường sông chi phí cao nên giá hải sản của ngư dân thấp vì bị ép giá”. Ông Nguyễn Tuấn, chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, buồn bã nói: “Chưa có con lộ nối với trung tâm thương mại TP Cà Mau nên thị trấn chúng tôi như “đại bàng gãy cánh”. Lĩnh vực hậu cần nghề cá phát triển chậm”.

Gần một tháng nay, rất nhiều người dân thị trấn Sông Đốc đành rửa xe máy, đem trùm mền. Lý do gần đây có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến đường từ thị trấn Sông Đốc về Cà Mau. Ngày 7-7-2007, anh Hồ Văn Hiệp, người dân ở thị trấn Trần Văn Thời, cùng ba người bạn đi từ Cà Mau về nhà đã sụp hố của con lộ. Hậu quả là anh bị chấn thương cột sống, phải điều trị cả tháng trời ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ông Tô Minh Vương ở ấp Công Điền, xã Phong Điền, cho biết thêm: “Khoảng hai tháng nay, tôi thường xuyên giật mình vì tiếng té xe của người đi đường. Có khi chạy ra thì thấy dưới kênh hì hụp người và xe. Tôi la lên, kêu bà con đến kéo họ lên bờ”.

Trên toàn con lộ 8km từ phà ngang Rạch Ráng về UBND xã Phong Điền, chúng tôi đếm được tám cái bẫy người nguy hiểm. “Mấy hôm trước sợ tốn tiền, tôi lấy xe máy đi TP Cà Mau. Đường quá tệ, cực như trâu, suýt chút té. Sợ quá tôi đem xe về trùm mền, đi cao tốc chắc ăn” - anh Lành ở khu vực 2, thị trấn Sông Đốc, nói.

Nói về công trình rùa bò này, phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Huỳnh Văn Minh, cho biết: “Đây là công trình của tỉnh đầu tư nên huyện không nắm rõ”. Ông Minh chỉ khẳng định rằng sự chậm trễ của công trình không phải do khâu giải phóng mặt bằng, huyện đã làm tốt khâu này. UBND tỉnh thì cho biết Sở Giao thông vận tải Cà Mau là chủ đầu tư tuyến đường này.

NHƯ Ý
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên