11/06/2013 11:15 GMT+7

Cả làng làm kè chắn biển

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Chờ mỏi mòn Nhà nước đầu tư làm kè chắn sóng, ngư dân làng cá Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã tự cứu mình bằng việc xây kè để giữ đất.

uPwZEnfP.jpgPhóng to
Bờ kè chắn sóng do dân làng bỏ tiền ra xây dựng - Ảnh: VÕ MINH

Đầu tháng 1 vừa qua, gia đình ông Võ Văn Pháp, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu quyết định bỏ tiền ra xây kè cản sóng. Một bờ kè dài gần 60m đã được gia đình ông Pháp xây dựng với số tiền hơn 200 triệu đồng. “Bà con ở đây phải lo xây kè mới sống yên với sóng biển. Dù không có nhiều tiền nhưng mình vẫn phải đi vay mượn để làm bờ kè” - ông Pháp nói.

Xây kè giữ đất

Ông Nguyễn Văn Miên, trưởng thôn Châu Thuận Biển, cho biết dọc ven biển của thôn, nhiều gia đình đã chủ động xây kè cản sóng. “Sau cơn bão số 9 năm 2009, người dân bắt đầu đầu tư xây kè quanh đất nhà mình để giữ đất. Hộ nào có tiền thì xây trước” - ông Miên nói.

Đi đầu trong phong trào xây kè này là ông Nguyễn Văn Kiểng. Ông kể những năm trước, năm nào vào mùa mưa lũ, đất nhà ông cũng như nhiều nhà dân ở đây bị triều cường bổ vào xâm lấn, biển cướp đất đến nóng cả ruột gan. Người dân loay hoay chất đá cản sóng nhưng không ăn thua. Mỗi khi sóng bổ vào thì kè bị phá, rồi lại bỏ công, nhọc sức chất lại kè đá mới nhưng cũng chẳng thắng nổi sóng biển dữ tợn.

Năm 2009, cơn bão số 9 cực lớn ập vào làng biển thôn Châu Thuận Biển. Nhà cửa, đất đai bị sóng biển “ngoạm” tan nát. Ông Kiểng nghĩ sống ở đây có ít đất mà để sóng biển cứ lấy đi hoài, nếu không xây kè thì có cơn bão nào nữa ập vào là không còn chỗ ở. Rồi ông bàn với gia đình quyết định mang giấy tờ nhà đất lên ngân hàng vay tiền, mượn thêm người thân được tổng cộng 300 triệu đồng để xây kè cản sóng. Tuyến kè dọc theo đất của ông Kiểng có chiều dài trên 50m, cao hơn 4m, móng kè âm sâu đến 4m rất kiên cố, nhiều lần sóng biển ập vào nhưng đất vẫn giữ được.

Dân ở làng cá Vũng Tàu thấy ông Kiểng xây kè giữ được đất, được nhà nên họ cũng làm theo. Nhà nào bỏ tiền ra làm đoạn kè nhà nấy và nối nhau với bờ kè nhà kế cận. Trong thời gian ngắn, một bờ kè trên 500m của hơn 30 hộ gia đình bỏ tiền xây dựng đã cản được sóng biển mỗi khi biển động tràn về, giữ được đất làng.

Nỗi lo nợ nần

Để có bờ kè, mỗi hộ dân ở thôn Châu Thuận Biển phải bỏ ra ít nhất 50 triệu đồng, nhiều nhất khoảng 300 triệu đồng, phần lớn là từ tiền vay mượn. Ông Nguyễn Dững nói: “Giờ có kè nhưng nợ nần lại chất chồng vì bà con ở đây phải đi vay, đi mượn. Kè cản được sóng nhưng nỗi lo nợ nần của dân vẫn thường trực. Giá như Nhà nước hỗ trợ dân cùng làm thì cũng đỡ phần nào”.

Ông Nguyễn Quốc Vương - chủ tịch UBND xã Bình Châu - cho hay địa phương đã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh có phương án xây dựng kè kiên cố ở đây nhưng chưa được duyệt. Ông Nguyễn Duy Lâm - trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Bình Sơn - nhìn nhận tình trạng sạt lở ở vùng biển dọc thôn Châu Thuận Biển rất phức tạp, nhất là trong mùa mưa bão. Huyện đã thấy việc xây kè ở đây rất cấp thiết, có dự án nhưng không có kinh phí để xây dựng, vẫn phải chờ kinh phí từ tỉnh, trung ương nhiều năm nay.

“Việc người dân chủ động bỏ tiền ra xây kè chống sạt lở rất đáng hoan nghênh. Từ khi có kè do dân xây đã giúp hạn chế được tình trạng sạt lở dọc bờ biển, cuộc sống dân làng đỡ khổ hơn” - ông Nguyễn Quốc Vương nhìn nhận và cho biết sẽ báo cáo lên huyện đề nghị có phương án hỗ trợ những hộ dân đã bỏ tiền ra xây dựng kè.

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên