02/01/2006 07:32 GMT+7

Bướu cổ: không phải loại nào cũng mổ!

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - “Bệnh bướu cổ của bà phải uống thuốc suốt đời”. “Bướu cổ là phải mổ thôi!”. Những lời nói vu vơ có khi của... người hàng xóm, có khi của chính thầy thuốc đã khiến bệnh nhân (BN) lo lắng tự tìm đến phương pháp điều trị không đúng.

tgQ1Shjo.jpgPhóng to
Một bệnh nhân bị bướu cổ vừa được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.
TT - “Bệnh bướu cổ của bà phải uống thuốc suốt đời”. “Bướu cổ là phải mổ thôi!”. Những lời nói vu vơ có khi của... người hàng xóm, có khi của chính thầy thuốc đã khiến bệnh nhân (BN) lo lắng tự tìm đến phương pháp điều trị không đúng.

TS.BS Lê Nữ Hòa Hiệp - giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, trưởng khoa lồng ngực mạch máu - bướu cổ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định - cho biết:

- Bướu cổ là bệnh lý của tuyến giáp trạng. Tuyến giáp trạng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ thể vì nó là tuyến nội tiết điều hòa các hoạt động về trí tuệ, tim mạch, nội tiết, thần kinh, biến dưỡng (chuyển hóa thức ăn) của con người.

* Thưa BS, bệnh lý ở tuyến giáp trạng có bao nhiêu loại? Biểu hiện bệnh thế nào?

- Tuyến giáp trạng có các bệnh chính sau đây:

Bệnh bướu giáp đơn thuần (dân gian gọi là bướu lành): Đây là bệnh lý thường gặp nhất (80%). Nguyên nhân bệnh chủ yếu do thiếu iôt. Bướu giáp đơn thuần biểu hiện dưới hai hình thức: bướu giáp lan tỏa (tuyến giáp lớn đều ra) và bướu giáp nhân (có một hoặc nhiều nhân).

Bướu cường giáp: Thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 20-45. Nguyên nhân thường thấy là bệnh basedow với bướu giáp mạch lan tỏa kèm lồi mắt hoặc không, số còn lại là cường giáp với bướu giáp đa nhân hóa độc.

Dù do nguyên nhân nào thì biểu hiện chung của bướu cường giáp là hội chứng cường giáp: run tay, tim đập nhanh, hồi hộp, ăn nhiều mà gầy (có BN giảm 10kg trong ba tháng), hay nóng tính bất thường.

Ung thư giáp: Biểu hiện bệnh ở giai đoạn sớm giống như bướu giáp đơn thuần. Bệnh thường gặp ở người trung niên và lớn tuổi, ở nhóm BN có bướu giáp đơn nhân. Tuy nhiên ở BN cường giáp, bướu giáp đa nhân và bướu giáp lan tỏa... cũng có tỉ lệ nhỏ bị ung thư giáp. Ở giai đoạn muộn, BN có khàn tiếng không hồi phục.

Suy giáp: Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa dẫn đến suy chức năng giáp. Suy giáp bẩm sinh do thiếu men tổng hợp kích tố giáp. Suy giáp còn gặp do tai biến điều trị thuốc kháng giáp, sau phẫu thuật bướu giáp, hoặc sau điều trị iôt đồng vị phóng xạ.

* Có phải các loại bướu này đều phải mổ, thưa BS?

- Với bướu giáp đơn thuần thể phình giáp lan tỏa, BN chỉ cần điều trị bằng thuốc sẽ cho kết quả rất tốt. Riêng bướu giáp đơn thuần đơn nhân hoặc đa nhân nếu điều trị thuốc sáu tháng không hiệu quả mới phải mổ.

Thông thường BN phát hiện bướu sớm, đi khám bệnh ngay sẽ có kết quả tốt hơn vì để lâu quanh nhân sẽ có vùng xơ hóa không đáp ứng thuốc. Ngoài ra, một số BN bị bướu giáp nhân sẽ phải mổ sớm - dù chưa điều trị nội khoa hoàn tất - khi bướu có biến chứng gây chèn ép, khó thở, bướu lớn nhanh, bướu xuất huyết trong lòng bướu, BN lớn tuổi có khàn tiếng chưa loại trừ ung thư.

Cần đặc biệt lưu ý ở các em gái trong tuổi dậy thì (12-18 tuổi) hoặc phụ nữ có thai, tuyến giáp hơi lớn ra dạng phình giáp lan tỏa là hiện tượng sinh lý, hoàn toàn không có chỉ định mổ.

Với bướu cường giáp, điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc tim mạch, BN sẽ phục hồi nhanh chóng và trở về trạng thái bình thường. Thời gian điều trị khoảng 12-18 tháng, thường cho kết quả rất tốt đối với bệnh cường giáp mà bướu giáp lan tỏa độ 1 hoặc tuyến giáp còn trong kích thước bình thường.

Tuy nhiên, đối với bệnh cường giáp mà bướu giáp nhân hoặc tuyến giáp lớn độ 2, độ 3, sau khi điều trị nội khoa ổn định (lên cân, hết run tay, hết hồi hộp; tim đập bình thường, mạch hết nhanh) nên phối hợp với phẫu thuật sẽ cho kết quả điều trị tốt hơn.

Với ung thư giáp, hướng xử trí là cắt hết thùy giáp bị ung thư, cắt eo giáp, nạo hạch. Nếu đã có di căn hạch thì cắt hết hai thùy, nạo hạch, chấp nhận suy giáp trạng và điều trị hỗ trợ bằng kích tố giáp suốt đời.

* Để phòng ngừa và tránh tái phát bệnh phải làm sao? Những sai lầm nào cần nên tránh, thưa BS?

- Biện pháp phòng ngừa tốt nhất đối với bướu giáp đơn thuần là ăn muối iôt, ăn đồ biển. Với bệnh basedow là bệnh tự miễn, có tính di truyền, nên tránh cuộc sống quá căng thẳng (yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển) trong gia đình cũng như ngoài xã hội; làm việc phải có thư giãn; không ăn thức ăn có nhiều iôt (cá biển, rau câu...), khi đã bị bệnh basedow thì không được ăn muối iôt.

Người bệnh cần lưu ý không nên đi chữa bệnh bướu cổ ở những “thầy lang” theo kiểu dán thuốc lên vùng cổ có bướu; lấy kim châm vào bướu; dùng dao lam lể, rạch bướu; đắp lá vào bướu để “hút cùi” bướu. Tất cả các phương pháp này đều không điều trị được bệnh mà còn gây hậu quả tai hại là nhiễm trùng vùng cổ, thậm chí gây apxe (có mủ) cổ.

Biến chứng khác là gây dính tất cả những cấu trúc vùng cổ với nhau thành một lớp, đến khi BN có chỉ định mổ sẽ gây chảy máu nhiều và ca mổ khó khăn hơn, nguy cơ bị tai biến khi mổ nhiều hơn như BN bị khàn tiếng, câm sau mổ.

* Xin cảm ơn BS.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên