06/03/2015 09:36 GMT+7

​Buồn vì ước mơ của trò bị “biến tướng”...

HẢI LINH (Hà Nội)
HẢI LINH (Hà Nội)

TT - Tôi là cô giáo dạy lớp 5. Thi thoảng trong giờ ngoại khóa, tôi vẫn khơi gợi ước mơ của học trò. Có em khoe sau này muốn trở thành kỹ sư.

Có em mong ước làm cô giáo dạy văn. Có em thì muốn sau này trở thành bộ đội. Tôi rất vui khi nghe học trò kể về ước mơ của mình.

Nhưng ước mơ của các em cứ thay đổi liên tục, biến tướng vì những suy nghĩ rất “sát với thực tế”. Nếu lý do xuất phát từ các em thì tôi chẳng có gì để nói, nhưng đằng này sự thay đổi ấy lại do phụ huynh các em định hướng. Có em chia sẻ rằng khi về nhà hỏi bố mẹ sau này làm cô giáo được không thì mẹ “không cho phép” vì muốn con làm kinh tế mới mong giàu được.

Một em không còn thích kỹ sư nữa bởi vì như bố em nói là “làm kỹ sư sau này phải đi xa, vất vả lắm”. Một em khác nói: “Mẹ con bảo rằng muốn giàu là phải làm kinh tế, cô ạ”. Cô bé còn kể rằng ở nhà được mẹ dạy cho cách tính toán khi bán hàng, thi thoảng được trả công sau khi giúp mẹ làm việc nhà. Khi được ngồi xem mẹ kiểm tiền vào buổi tối, cô bé khá thích thú.

Tôi có gọi điện cho phụ huynh của cô bé ấy để nói về việc ở lớp cô bé rất biết tính toán, cho cả bạn bè thuê truyện, thuê sách. Với một cô học trò lớp 5 mà tính toán như vậy thì lớn lên, đầu óc của em chỉ toàn “quy ra tiền” nên tôi khá băn khoăn, lo lắng. Tôi cho rằng không biết chia sẻ với bạn bè, tâm hồn các em dễ thành vô cảm, xơ cứng. Nhưng phụ huynh ấy không nghĩ vậy.

Chị nói rằng phải cho con làm quen với đồng tiền, với ước mơ thực tế. Chị nhất mực bảo vệ quan điểm của mình rằng “phải dạy con nhìn nhận thực tế và đồng tiền, dù rằng thực tế ấy có phũ phàng đi chăng nữa”. 

Tôi không dám nói rằng quan điểm ấy sai nhưng là một cô giáo, nhìn học trò của mình biết đong đếm, cân đo, biết cho thuê truyện, thuê sách, giảng bài cho bạn hiểu thì bạn cũng phải trả tiền, dù rằng số tiền ấy rất nhỏ chừng 2.000 đồng thôi. Phụ huynh ấy còn cho rằng họ có quyền dạy con theo cách của mình và cho rằng cô giáo quá vô lý khi can thiệp vào cách dạy con của họ.

Người lớn dạy con có cái nhìn thực tế về đồng tiền, về cuộc sống, về ước mơ là đúng. Nhưng vô lý khi áp đặt suy nghĩ của mình vào suy nghĩ ngây thơ, trong sáng của con là điều không nên.

Tôi cứ trăn trở mãi lý do của cô học trò “em không thích làm cô giáo nữa vì sợ nghèo”. Buồn làm sao khi nghe ước mơ của học trò bị “biến tướng” từng ngày...

HẢI LINH (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên