12/01/2011 08:01 GMT+7

Buồn cho bóng đá Đông Nam Á

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Việt Nam, Thái Lan từng chơi tưng bừng khi đồng đăng cai Asian Cup 2007 cùng Indonesia và Malaysia, khiến nhiều chuyên gia dự đoán “rồng nhỏ” Đông Nam Á đang chuyển mình. Nhưng chỉ bốn năm sau, cả Đông Nam Á phải đứng ngoài cuộc chơi lớn của châu lục.

TT - Việt Nam, Thái Lan từng chơi tưng bừng khi đồng đăng cai Asian Cup 2007 cùng Indonesia và Malaysia, khiến nhiều chuyên gia dự đoán “rồng nhỏ” Đông Nam Á đang chuyển mình. Nhưng chỉ bốn năm sau, cả Đông Nam Á phải đứng ngoài cuộc chơi lớn của châu lục.

Có đến năm đại diện của Đông Nam Á vào đến vòng bảng đấu loại Asian Cup 2011 gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam. Tuy nhiên không đội nào giành được vé đến Qatar và chỉ thắng 2/20 trận. Tại sao các đội bóng Đông Nam Á vẫn chưa thể thoát khỏi vùng trũng khu vực?

Peter Butler - cựu cầu thủ West Ham từng huấn luyện tại Singapore, Malaysia, Indonesia... hiện đang dẫn dắt CLB BEC Tero Sasana (Thái Lan) - nói với Hãng tin AP: “Các quốc gia Đông Nam Á cần những HLV giỏi hơn và trang thiết bị hiện đại. Họ đã bị các nền bóng đá phát triển của Nhật, Hàn Quốc... bỏ lại khá xa. Khoảng cách này khó thu hẹp một sớm một chiều vì Nhật và Hàn Quốc vẫn đang gặt hái thành công từ những đề án phát triển và cơ sở hạ tầng xây dựng nhiều năm trước. Bóng đá khu vực Đông Nam Á còn rất nhiều điều phải làm”.

Đêm nay (12-1), bảng A Asian Cup 2011 bắt đầu lượt trận thứ hai với hai trận đấu hứa hẹn rất hấp dẫn Uzbekistan - Kuwait (THTT lúc 20g15 trên Star Sports) và Qatar - Trung Quốc (THTT lúc 23g15 trên Star Sports). Vì cùng thất bại 0-2 ở lượt đầu nên chủ nhà Qatar và Kuwait buộc phải thắng lượt này nếu không muốn bị loại sớm.

HLV tuyển Indonesia Alfred Riedl, từng đưa Việt Nam đến tứ kết Asian Cup 2007, cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở việc phát triển tài năng trẻ. HLV Riedl đánh giá: “Nhiều quốc gia không xem trọng việc phát triển tài năng trẻ. Họ không đủ kiên nhẫn để chờ thu hoạch từ dự án này, thường mất ít nhất mười năm. Nhiều thành viên của liên đoàn bóng đá đương nhiệm sẽ không còn tại vị cho những dự án lâu dài và họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt cho bản thân”.

Không hẳn bóng đá Đông Nam Á nghèo vì tiền lương cầu thủ tại các giải vô địch quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... đều tăng đột biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, mức lương cao vô tình trở thành mồi nhử hấp dẫn đối với các cầu thủ ngoại. HLV Riedl nói với AP: “Có rất nhiều cầu thủ ngoại tại các giải vô địch quốc gia, thậm chí họ tìm cách chen vào tuyển quốc gia ở Đông Nam Á. Thế nên cầu thủ bản địa rất khó tìm được chỗ đứng”.

HLV người Úc của tuyển Campuchia Scott O’Donnel cho rằng: “Singapore, Thái Lan đã đến rất gần một vé dự vòng chung kết Asian Cup 2011 nhưng họ thất bại trước các đối thủ Trung Đông vì thiếu kinh nghiệm quốc tế. Tôi cho rằng các đội bóng Đông Nam Á chỉ tập trung đối chọi với nhau. Muốn phát triển, họ cần phải làm quen với nhiều phong cách khác nhau, chịu đựng áp lực sân khách cũng như thời tiết khác nhau..”..

Bản thân cầu thủ Đông Nam Á cũng không có sự cầu tiến cao. Hiện có rất nhiều cầu thủ châu Á khoác áo các CLB danh tiếng châu Âu như Manchester United hay Borussia Dortmund... nhưng hiếm có cầu thủ nào đến từ Đông Nam Á. Chênh lệch đẳng cấp là một lẽ, lẽ khác vì các cầu thủ này thiếu sự cầu tiến nên thường chọn phương án trở về nước sớm khi gặp khó khăn.

Trợ lý HLV tuyển Thái Lan Steve Darby kết luận: “Bóng đá Đông Nam Á cần đầu tư đúng mức hơn vào cầu thủ và cơ sở hạ tầng. Thất bại này thật đáng buồn vì Đông Nam Á luôn có rất nhiều tài năng”.

TẤN PHÚC

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên