29/04/2011 04:03 GMT+7

Buổi phim xao động

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TT - “Người đấu tranh không bao giờ thua. Kể cả khi chúng ta chết đi thì chúng ta cũng thắng, bởi chúng ta đã giành được nhân phẩm...”.

AOApOw73.jpgPhóng to

Bà Madeleine Riffaud - Ảnh: André Menras

Thông qua nhiều tư liệu tôi biết khá rõ về con người huyền thoại Madeleine Riffaud, nhưng tôi vẫn quyết định đến xem buổi chiếu phim ngày 5-4-2011 ở Paris vì chương trình cho biết có bà góp mặt. Đến để trực tiếp nghe bà tâm sự, để xao xuyến mãi một câu kết mà tôi trích ra mở đầu cho bài viết...

So với 14 năm trước, khi tôi có dịp đến căn hộ nhỏ của bà ở quận 3 để quay vài phỏng vấn theo nhờ cậy của đài truyền hình TP.HCM, thì nay có vẻ như bà khỏe hơn dù mắt mờ hơn. Được dìu lên sân khấu, giọng bà vẫn sang sảng và khoan thai - cái khoan thai của người tự tin vào nhân phẩm.

Năm 1940, khi quân đội Đức quốc xã chiếm đóng nước Pháp, có cô bé 15 tuổi bị một sĩ quan Đức đá đít té nhào. Năm sau cô bé tham gia kháng chiến chống Đức, không phải vì bị đá đau mà vì nhân phẩm bị tổn thương. Bộ phim tài liệu Ba cuộc chiến của Madeleine Riffaud của đạo diễn Pháp gốc Việt Philippe Rostan - đã được chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp tháng 7-2010 - là bộ phim đầu tiên kể lại đầy đủ về cô bé đó, về một cuộc đời giống như tiểu thuyết, như cuốn sách lịch sử.

Mười chín tuổi, xinh đẹp, Madeleine Riffaud tham gia lực lượng du kích cộng sản, làm giao liên với bí danh Rainer. Hè 1944, Rainer hạ sát một sĩ quan Đức trên cầu Solférino ngay giữa Paris bằng súng lục. Bị bắt và tra tấn ba tuần tại trụ sở công an chính trị Đức, Rainer may mắn thoát cuộc hành quyết nhờ trao đổi con tin giữa quân đội Đức và kháng chiến Pháp.

Trong những ngày giải phóng Paris, Rainer đã chỉ huy đội du kích tấn công đoàn tàu hỏa, bắt sống 80 lính Đức. Tuy được phong trung úy nhưng Rainer bị từ chối gia nhập quân đội Pháp vì là phụ nữ và chưa thành niên (!) theo quy định lúc bấy giờ. Không được cầm súng, Madeleine chuyển qua cầm bút, làm phóng viên báo cộng sản Ce Soir, xuất bản tập thơ đầu tiên Le poing fermé (Bàn tay nắm lại) với lời tựa của thi sĩ Eluard và tranh đầu sách của Picasso.

Trong quan hệ với Việt Nam, Madeleine luôn tự hào được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris năm 1946, được ông mời sang Việt Nam, được ông gọi yêu là “cô bé, con gái tôi” (ma petite fille). Như thứ duyên tiền định và mặc khải, liên hoan thanh niên - sinh viên Berlin năm 1951 Madeleine gặp Nguyễn Đình Thi và “bị thần tình yêu bắn vào tim”.

Không như những thông tin dè dặt trước nay khi nói về tình yêu của cặp đôi này, trong phim và trong cuộc tâm tình sau phim, Madeleine nói hai người đã thật sự chung sống với nhau, trong suốt thời gian bà đến Hà Nội với tư cách phái viên báo L’Humanité. Trong phim, Madeleine kể sau cải cách ruộng đất, bà đã phải rời Việt Nam vì sự có mặt của bà lúc đó không có lợi cho việc nước và cho cả Nguyễn Đình Thi. Vì nghĩa lớn, cuộc tình riêng vỡ tan, nhưng mối tình lớn với Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt trong người phụ nữ này.

Khi cuộc chiến chống Mỹ bùng lên ở miền Nam, năm 1965 Madeleine lặn lội ba tháng vào Chiến khu Việt cộng - tựa quyển sách chứng từ của bà - với biệt danh Chị Tám. Đối với dư luận phương Tây khi đó Việt cộng là “những con người không có bộ mặt”; nhờ những bài báo, bài thơ, hình chụp, hình quay của Chị Tám, du kích Việt cộng có gương mặt, nụ cười - gương mặt, nụ cười của một dân tộc quyết bảo vệ tự do, độc lập.

Phát biểu sau buổi chiếu, cô dâu hụt của Việt Nam kể lúc ở bưng biền, bà được thư Hồ Chủ tịch mời ra Bắc giới thiệu chứng từ chiến tranh miền Nam nhưng bà đã từ chối, cho rằng dư luận phương Tây mới cần ưu tiên; thế nhưng khi miền Bắc bị đánh bom, Madeleine lại lập tức có mặt để làm phóng sự chiến trường. Cũng trong phát biểu ngày 5-4-2011, Madeleine cho biết bà có trở lại Việt Nam những năm 1985, 1986, 1987 để thăm bạn chiến đấu và một số người thân.

Tám mươi bảy tuổi, độc thân, gần như mù, người đàn bà mang tên Madeleine Riffaud vẫn tiếp tục chung sức với Việt Nam trong cuộc chiến vì nạn nhân chất độc da cam - người đàn bà mà cuộc đời tóm gọn trong hai từ “kháng chiến” đã khiến khán phòng vỗ tay rầm rập khi nói: “Người đấu tranh không bao giờ thua. Chúng ta chỉ thua khi chúng ta đầu hàng. Kể cả khi chúng ta chết đi thì chúng ta cũng thắng bởi chúng ta đã giành được nhân phẩm”.

Không phải lời hay nào cũng đáng tin, nhưng nhiều người ở đây, trong đó có tôi, rất tin câu nói đó - câu nói phảng phất uy lực của một nhân phẩm đẹp...

RRqKta5i.jpgPhóng to
Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Paris năm 1968

Trong phim của Rostan còn có đoạn khá dài về hoạt động chống thực dân của Madeleine ở Algérie với biệt danh Chuột Nhắt (La Souris) và bằng những hành động bênh vực người bị trị, bà đã bị tổ chức khủng bố OAS bảo vệ Algérie thuộc Pháp ám sát hụt, phải điều trị nhiều tháng.

Nhưng người xem vương vấn nhiều hơn bởi cuộc chiến tranh thứ tư - cuộc chiến cá nhân với nỗi đau và cái chết - mà Madeleine gọi là “chiến tranh bỏ túi” (guerre de poche): mặc cảm và đau đớn sau khi mẹ mất vì ung thư não, năm 1973 Madeleine Riffaud vào làm hộ lý ở nhà thương Lariboisière với tên giả Marthe.

Một thời gian dài hộ lý Marthe tận tình săn sóc bệnh nhân, vuốt mắt họ lúc lâm chung... để sau đó viết ra tác phẩm Khăn áo ban đêm (Les linges de nuit) từ những trải nghiệm này. Giống như mối tuyệt tình thanh tân mà nghiệt ngã, cuộc “chiến tranh bỏ túi” cho thấy góc nhân bản đằm sâu của con người chiến sĩ này.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên