30/12/2016 08:20 GMT+7

Bước vào thị trường khoa học công nghệ bằng tư duy mới

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Dù có nhiều thành tựu, đóng góp của khoa học công nghệ (KHCN) cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM chưa đúng với tiềm năng của nó.

Ông Stephen Groff (bìa phải), phó chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á - trò chuyện với các HS lớp đào tạo đổi mới sáng tạo tại Saigon Innovation Hub vào tháng 11-2016 - Ảnh: SiHub
Ông Stephen Groff (bìa phải), phó chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á - trò chuyện với các HS lớp đào tạo đổi mới sáng tạo tại Saigon Innovation Hub vào tháng 11-2016 - Ảnh: SiHub

Tháo gỡ vướng mắc để khơi thông thị trường KHCN đang là vấn đề cấp bách. TP.HCM xác định mức độ sôi động, thu hút của thị trường này vừa là động lực để phát triển KHCN, vừa thể hiện kết quả hoạt động đầu tư cho KHCN của xã hội...

Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở KH&CN TP.HCM - đánh giá đóng góp của thị trường KHCN TP được xếp thứ hai trong nhóm 9 ngành dịch vụ trọng điểm, với tốc độ tăng trưởng trung bình 17%/năm.

Đề án thử nghiệm sàn giao dịch công nghệ TP được triển khai, tăng mức độ kết nối chuyển giao công nghệ, và kết quả mang lại là tỉ lệ gia tăng giá trị giao dịch thành công trên thị trường KHCN trung bình khoảng 20%... Song, một thực tế được nhìn nhận là đóng góp của KHCN cho phát triển kinh tế - xã hội của TP chưa đúng với tiềm năng của nó.

Nghẽn... do chưa theo cơ chế thị trường

Cùng với thực tế chung được nhìn nhận như trên, ngành KHCN TP.HCM đã nhận thấy rõ nhiều vướng mắc gặp phải, trong đó có những điểm nghẽn do cơ chế, chính sách chưa theo tư duy cơ chế thị trường. Sơ bộ, Sở KH&CN TP chỉ ra cụ thể 10 khó khăn gặp phải với một số điểm nổi lên, ví dụ như đầu tư cho đổi mới của các doanh nghiệp còn thấp.

Theo sở này, có khoảng 30% doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Cùng với đó là việc doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển, hoặc chưa định hướng được phương thức, hướng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị...

Còn phân tích mối quan hệ cung - cầu trong thị trường KHCN, cũng có thể nhận thấy rõ vấn đề gặp phải của mỗi phía. Theo đó, những nhà cung cấp hàng hóa, công nghệ (bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, cá nhân...) có ít kinh nghiệm trong việc chào bán các hàng hóa KHCN, có ít thông tin về nhu cầu của xã hội.

Trong khi đó, bên cầu lại có ít thông tin về nguồn cung cấp hàng hóa công nghệ. Tình trạng này cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến các đề tài và kết quả nghiên cứu KHCN chưa có đầu ra triệt để. Sở KH&CN TP cho biết đã thấy rõ đòi hỏi phải tháo gỡ những vướng mắc, để khơi thông thị trường KHCN đang là vấn đề cấp bách của TP.

Gỡ từ đâu?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng một trong những vấn đề cần tháo gỡ là các chính sách phát triển đơn vị sự nghiệp KHCN, bởi theo ông, việc này trên thực tế “càng sửa càng bó”. Vẫn theo ông Dũng, đây còn là lý do dẫn đến hiện nay chưa có những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm KHCN thực thụ, có quy mô, đủ sức cạnh tranh.

Một thực tế khác cũng được lãnh đạo Sở KH&CN TP nhận diện, xếp vào loại còn gặp trở ngại, đó là hiện nay Nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu do Nhà nước đầu tư; trong khi ở nhiều nước, quyền này được giao cho các đơn vị nghiên cứu để họ chủ động khai thác.

Hướng tháo gỡ được Sở KH&CN TP ủng hộ là nên thực hiện theo thông lệ, mạnh dạn giao quyền khai thác kết quả nghiên cứu cho các đơn vị nghiên cứu. Cùng với việc giao quyền, nên tạo điều kiện để các trường, viện lập các công ty chuyên khai thác, kinh doanh tài sản trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm, công nghệ...

Sở KH&CN TP còn đặt trọng tâm vào giải pháp để cả hai phía cung và cầu của thị trường KHCN kết nối với nhau dễ dàng hơn, bằng cách hỗ trợ hình thành các tổ chức trung gian của thị trường này. Đó là những trung tâm giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo...

Số lượng các tổ chức trung gian được hình thành mới là 100, đã xác định rõ trong chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KHCN TP giai đoạn 2016 - 2020 mà UBND TP đã phê duyệt.

Một số khó khăn thường gặp của phía cầu trong thị trường KHCN là các thủ tục pháp lý, cơ chế tài chính trong chuyển giao công nghệ...

Những trắc trở này đòi hỏi sự đồng hành của Sở KH&CN TP, và cách giải quyết của sở này là xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với các đơn vị sự nghiệp để gỡ khó, hỗ trợ kịp thời thủ tục pháp lý, cơ chế tài chính cho các đề án chuyển giao công nghệ. Cụ thể là thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp KHCN, hỗ trợ tài chính hoàn thiện công nghệ, hoặc vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ...

Một điểm mới, đáng lưu ý trong nhóm các giải pháp thúc đẩy thị trường KHCN mà UBND TP đã duyệt, là xác định rõ vai trò và nhu cầu truyền thông, để phổ biến thông tin trực tiếp và đa dạng về thị trường này. Yêu cầu cụ thể đặt ra là xây dựng kế hoạch truyền thông, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ những cơ chế, chính sách và hiệu quả đạt được của TP trong việc thúc đẩy thị trường KHCN.

“Tôi cho rằng việc thiết kế chính sách phát triển thị trường KHCN cần theo tư duy kinh tế thị trường, thu hút sự tham gia của khu vực tư, tham vấn nghiêm túc ý kiến của các đối tượng, chủ thể tham gia thị trường này. Chỉ có như thế mới giúp tháo gỡ những điểm mấu chốt nhất, để nuôi dưỡng, khơi thông thị trường KHCN, một loại thị trường còn non trẻ"

Ông Nguyễn Việt Dũng (giám đốc Sở KH&CN TP.HCM)

 
QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên