Thống tướng Min Aung Hlaing sẽ tiếp tục nắm quyền ở Myanmar với tư cách người đứng đầu chính phủ tạm quyền đến năm 2023 - Ảnh: REUTERS, AFP
Theo thông báo ngày 1-8 của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar (SAC), SAC sẽ không còn tồn tại và chuyển thành "chính phủ tạm quyền Myanmar" do tướng Min Aung Hlaing đứng đầu, người trước đó cũng dẫn dắt SAC sau khi lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Giải tán đảng của bà Suu Kyi?
Thông báo của SAC được đưa ra ngay sau một bài phát biểu của tướng Min Aung Hlaing, trong đó ông cam kết sẽ "tổ chức bầu cử đa đảng" sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc vào tháng 8-2023.
"Để thực hiện các nhiệm vụ của đất nước nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả, SAC đã được thiết lập lại với tư cách là chính phủ tạm quyền của Myanmar" - người phát ngôn của Đài Truyền hình quốc gia Myanmar thông báo tối 1-8. Như vậy, các tướng lĩnh Myanmar sẽ cầm quyền tổng cộng 2 năm rưỡi thay vì 2 năm như đã cam kết sau đảo chính ngày 1-2.
Để chuẩn bị cho động thái lần này, chính quyền quân sự đã yêu cầu Ủy ban Bầu cử liên bang (UEC) tiến hành điều tra các lá phiếu trong tổng tuyển cử năm ngoái. Đó là cuộc bầu cử mà Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi chiến thắng vang dội khi giành được 920/1.117 ghế. Đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển do quân đội hậu thuẫn chỉ kiếm được 71 ghế.
Theo kết quả điều tra được UEC công bố ngày 26-7, đã có những "sai phạm nghiêm trọng" liên quan 11 triệu lá phiếu được phát hiện, chẳng hạn một căn cước công dân được sử dụng trên nhiều lá phiếu. "Đây không phải là một hành động sơ ý mà là có tính toán chủ đích" - UEC nêu cáo buộc. Người đứng đầu UEC, cựu thiếu tướng U Thein Soe, sau đó tuyên bố kết quả cuộc bầu cử 2020 chính thức bị hủy bỏ do cuộc bầu cử không tuân thủ hiến pháp, thiếu tự do và bất công.
Việc kết quả bầu cử bị hủy bỏ, ở một khía cạnh nhất định, đang tạo tính chính danh cho cuộc đảo chính của quân đội Myanmar. Các tướng lĩnh, bao gồm ông Min Aung Hlaing, khi đó tuyên bố quân đội phải hành động để bảo vệ nền dân chủ của đất nước trước các hành vi "gian lận bầu cử" của bà Aung San Suu Kyi và Đảng NLD. Các lãnh đạo chủ chốt của NLD và chính phủ dân sự bị lật đổ đều đã bị bắt, bị truy tố nhiều tội danh nhưng hiện chưa có tội nào liên quan trực tiếp gian lận bầu cử.
Dù cuộc điều tra của UEC bị ví giống như hành động "vừa đá bóng vừa thổi còi" (do lãnh đạo UEC là người của quân đội, được quân đội bổ nhiệm), kết quả điều tra sẽ được đưa ra làm bằng chứng chứng minh quân đội đã hành động hợp lý. Tờ Irrawaddy nhận định đây là "bước đi rõ ràng và mới nhất trong kế hoạch giải tán NLD".
Ai là đặc phái viên?
Nội bộ ASEAN vẫn đang chần chừ vì vấn đề Myanmar, một phần bởi nguyên tắc của khối là không can thiệp vào công việc nội bộ nước thành viên, theo tuần báo Nikkei Asia. Các ngoại trưởng ASEAN, bao gồm người được chính quyền quân sự chỉ định, đã nhóm họp trong ngày 2-8 để quyết định ai sẽ là đặc phái viên ASEAN đến Myanmar.
Theo Hãng thông tấn AP, danh sách các đề cử không được công bố nhưng được tiết lộ gồm 4 người, bao gồm người được Myanmar "chấm điểm" là cựu đại sứ Thái Lan tại Myanmar Virasakdi Futrakul. Trong phát biểu ngày 1-8, Thống tướng Min Aung Hlaing tuyên bố ông sẵn sàng làm việc với bất kỳ đặc phái viên nào được ASEAN lựa chọn.
Hãng tin Reuters dẫn 4 nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á cho biết ứng viên phải nhận được sự chấp thuận của tất cả các nước ASEAN, bao gồm cả Myanmar. Ngoại trưởng thứ hai Brunei Erywan Yusof từng là ứng viên dẫn đầu nhưng không được chọn trong một cuộc họp cấp SOM của ASEAN hồi cuối tuần trước. "Nếu không có đặc phái viên dẫn đường, mọi thứ sẽ vô cùng khó khăn" - nguồn tin của Reuters lo lắng.
Theo Hãng tin AP, các ngoại trưởng ASEAN đã tìm cách thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho Myanmar, trong bối cảnh nhiều người ở nước này lâm vào khốn cùng vì COVID-19 và bất ổn sau đảo chính.
Chuyên gia Gregory B. Poling, người chuyên phân tích về các vấn đề Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định việc ASEAN gửi viện trợ cho Myanmar có ý nghĩa rất quan trọng về mặt nhân đạo.
Tuy nhiên, theo ông Poling, các nhà lãnh đạo khu vực không nên kỳ vọng có thể xoay chuyển được ý chí của các tướng lĩnh Myanmar bằng hàng viện trợ. "ASEAN hiện không có đòn bẩy nào để đàm phán với chính quyền quân sự" - ông Poling nêu quan điểm.
ASEAN thúc đẩy tự cường vắc xin
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 2-8 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó và hồi phục sau đại dịch COVID-19, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt về vắc xin.
Tại Hội nghị AMM-54, khai mạc ngày 2-8 theo hình thức trực tuyến, các nước đề nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vắc xin, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Nội dung của ngày làm việc trên tập trung vào trao đổi về tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các nước cũng đã dành thời gian bàn về Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Myanmar…
Về Biển Đông, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. (NHẬT ĐĂNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận