23/02/2007 09:27 GMT+7

Bùi Quang Huy và nghĩa cử của kẻ hậu sinh

THU TRÂN thực hiện
THU TRÂN thực hiện

TT - Viết để bày tỏ, để trải lòng và cho gió cuốn đi... là phong cách rất lạ của nhà văn Lý Văn Sâm. Cả một đời làm chính trị và làm văn, nhà văn cứ mải miết đi, mải miết cống hiến, viết được bao nhiêu truyện ngắn, truyện dài, nhà văn cũng hiếm khi... nhớ được.

w79xOXFq.jpgPhóng to
Bùi Quang Huy người con xứ Quảng
TT - Viết để bày tỏ, để trải lòng và cho gió cuốn đi... là phong cách rất lạ của nhà văn Lý Văn Sâm. Cả một đời làm chính trị và làm văn, nhà văn cứ mải miết đi, mải miết cống hiến, viết được bao nhiêu truyện ngắn, truyện dài, nhà văn cũng hiếm khi... nhớ được.

Nhưng đời hoa cũng lắm ân tình, có một người trẻ mê “chú Hai Lý” đã tận tụy bỏ công sưu tầm, giới thiệu, gìn giữ, nâng niu gia tài văn chương đồ sộ của ông. Đó là anh Bùi Quang Huy - người con xứ Quảng đã chọn đất Đồng Nai làm quê hương thứ hai của mình.

* Thưa anh, cái sự “mê nhau” giữa anh và chú Hai Lý hẳn cũng phải là... duyên tiền định?

- Tôi “mê” chú từ năm 1991 khi cơ quan - NXB Đồng Nai - giao tôi tập hợp tác phẩm của chú để làm tuyển tập Lý Văn Sâm. Nhà văn cây đa cây đề đất Đồng Nai có bốn người (Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn), chúng tôi cố gắng “vẽ” chân dung mỗi người sao cho ngày càng đầy đặn hơn.

Cho đến khi tôi gặp chú Hai vào năm 1991, hầu như chưa có ai bỏ công sưu tầm, tổng hợp tác phẩm của chú một cách đầy đủ. Còn chú “mê” tôi ư? Ông già miền Đông Nam bộ sống chan hòa và ân tình với tất cả mọi người thì huống chi tôi - người “rắp tâm” vẽ bằng chữ cuộc đời cách mạng và văn chương của chú!

F8ihQEUK.jpgPhóng to
Nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000)
* Anh cảm gì nhất ở nhà văn Lý Văn Sâm?

- Nhân cách sống. Bên cạnh gia tài văn chương quí giá để lại cho lớp hậu sinh, chú còn có quá trình cống hiến cách mạng lâu dài và son sắt. Có thể nói những tác phẩm của nhà văn Lý Văn Sâm đã song hành suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.

Chú đã giữ những chức vụ không nhỏ trong kháng chiến như tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng, phó tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN... nhưng sống rất bình dị và nhẹ tênh với bao cám dỗ danh vọng, tiền tài. Chú viết nhiều lắm, lao động nghệ thuật cật lực, mê say nhưng “ông già” hưởng không nhiều với thành quả cống hiến và lao động của chính mình. Ông già viết rồi quên, cố tình quên. Với ông già, dường như viết xong thì tác phẩm đó là tác phẩm của đời.

F9IvD9b1.jpgPhóng to
Ảnh: Minh Đức
* Bên cạnh những tác phẩm văn học, nghe nói anh cũng sưu tầm được nhiều giai thoại về “chàng lãng tử” Hai Lý?

- Muốn hiểu văn, phải hiểu được người. Tôi gắn với ông già suốt những năm cuối đời của ông, càng nghe được nhiều chuyện càng quí trọng nhà văn, quí trọng một nhân cách lớn. Chú Hai là nhà văn miền Nam duy nhất viết truyện đường rừng bên cạnh hai cây bút đường rừng nổi tiếng là Thế Lữ, Lan Khai.

Chú Hai còn là nhà văn miền Nam duy nhất có chân trong bộ biên tập của Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Nhà văn Vũ Bằng là người “mai mối” chú với tạp chí này bằng hàng loạt truyện ngắn được đăng (Kòn Trô, Cây nhị sông Phố, Cái ống tiền...).

Sau năm 1954, “nhà văn di cư” Vũ Bằng vào Nam đã được “chiến sĩ cộng sản nằm vùng” Lý Văn Sâm tiếp đãi ân cần bên quán thịt chó giữa Sài Gòn thi vị tình văn nghiệp. Kể chuyện này với tôi, ông già đã ngẫu hứng thốt lên: “Ái ân thâu ngắn cho tình nhớ thương” (Bình Nguyên Lộc). Với đàn anh Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc... ông già tự nhận mình là “học trò nhỏ” rất chừng mực, rất đáng yêu!

* Sau hơn 15 năm nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn... về nhà văn Lý Văn Sâm, anh có hài lòng với những công trình của mình?

- Tôi đã sưu tầm, chú thích và giới thiệu Tuyển tập Lý Văn Sâm (gồm ba tập với hơn 2.000 trang), sau này có thêm Gió bãi trăng ngàn (gồm 23 truyện ngắn, truyện vừa và kịch) và Trang sách hồng mở giữa đời hoa (một ấn phẩm tổng quan về cuộc đời làm cách mạng và sự nghiệp văn chương của nhà văn Lý Văn Sâm - NXB Đồng Nai).

Tôi xem công việc mình làm như một nghĩa cử của kẻ hậu sinh với bậc tiền bối. Chỉ tiếc là hai tập sách sau chỉ được hoàn thành sau ngày chú mất (14-9-2000) nên ông già không được xem người khác “vẽ” mình như thế nào... Tôi sung sướng vì tập hợp được những tư liệu quí về một nhà văn lớn của đất Đồng Nai, điều này cũng đã giúp các thầy cô dạy văn ở địa phương rất nhiều.

Tôi hân hoan vì việc làm của mình được nhiều người hỗ trợ. Qua giới thiệu từ gia đình chú và những người quen biết, tôi đã lần ra nhiều người đọc hâm mộ nhà văn ở tận hải ngoại, họ đã “cắc củm” gửi về cho tôi những bản thảo có một không hai như truyện ngắn Con chó sủa hóng chiều 30 tết, kịch bản Người đi không về...

* Anh vừa làm một nghĩa cử...

- Vâng, tôi mừng là việc làm của mình có hiệu quả. Từ hồ sơ hoàn tất tôi làm cho chú, chú đã được xét trao Giải thưởng Nhà nước năm 2006.

THU TRÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên