14/10/2013 07:00 GMT+7

Bùi Giáng: hồn thơ khó giải mã

TRẦN VŨ EM (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
TRẦN VŨ EM (ĐH KHXH&NV TP.HCM)

AT - Kỷ niệm 15 năm ngày mất thi sĩ Bùi Giáng (7-10-1998 - 7-10-2013), Khoa văn học ngôn ngữ thuộc Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM phối hợp cùng gia tộc họ Bùi tại Quảng Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về “Trung niên thi sĩ”.

MOONDPbo.jpgPhóng to
Bùi Giáng thời trẻ (Ảnh: tư liệu)

Tiếng thơ đa thanh của người “điên rực rỡ”

GS.TS Huỳnh Như Phương đã mở đầu chương trình bằng những nét phác họa chân dung người và thơ của “Trung niên thi sĩ”. Theo ông: “Người và thơ Bùi Giáng là sự kết hợp giữa đất đai nguyên sơ, hoang dã và nhịp đời phố thị. Tuổi thơ ông trải qua một vùng thiên nhiên hào phóng ruộng đồng, non nước, cỏ cây dọc sông Thu Bồn, dưới chân núi Cà Tang.

Thơ Bùi Giáng hóa kiếp và cho đầu thai để tái sinh cả những cánh bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hoang cỏ dại qua ngôn ngữ hiện đại”.

Không chỉ có màu sắc và hồn quê dân dã, thơ Bùi Giáng còn là sự kết hợp của Đông và Tây, của cổ xưa và hiện đại. Theo GS Huỳnh Như Phương, thi sĩ đã chủ động hội nhập sớm nhất hơn ai hết:

“Từ một làng quê xứ Quảng, giã từ bầy dê từng được ông choàng hoa và đặt tên, Bùi Giáng và những trang từ điển của ông mở lối lên thành phố và đi ra nhân loại. Rồi ra “Trung niên thi sĩ” không chỉ thân thiết với Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Ðà... mà còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger, Saint-Exupéry, Gérard de Nerval, André Gide, Albert Camus... Ông chơi với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất”.

Còn với nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu, đó là tiếng thơ của thiên la địa võng ngôn từ: “Đọc Bùi Giáng như thể đi lạc vào một thế giới hỗn độn, chập chờn. Thiên la địa võng của ngôn từ tuôn ra từng trận từng cơn, trùng trùng điệp điệp… Bùi Giáng tung ngọc vào bùn, chẳng cần quan tâm thị phi, khinh trọng. Ông trộn nhã và tục trong nói lái, pha điên và tỉnh trong triết lý, lẫn giả và chân trong trò chơi văn bản, chen hay và dở những câu thơ. Thế giới đó, dẫu sao đi nữa, là có một không hai”.

Theo ông, khi tiếp cận với thơ Bùi Giáng đừng nên đọc mà hãy nên chơi. Bởi thơ ông Bùi là: “Chơi thiên nhiên, chơi giai nhân, chơi hỗn độn. Đừng đọc thơ Bùi Giáng mà hãy nhảy múa cùng ông. Đó là thơ của du mục. Mọi thứ trong thơ Bùi Giáng đều biến chuyển khác thường. Từ đó mà gót chân con người không chỉ có đi và chạy mà thơ cũng chạy và chảy. Thơ Bùi Gíang đầy chất nghịch. Nghịch là đùa nhưng nghịch cũng là ngược lại”.

Mỗi chi tiết một giai thoại

Buổi tọa đàm trở nên sôi nổi và đầy tiếng cười khi những vần thơ hóm hỉnh và câu chuyện cuộc sống đời thường của thi sĩ được kể qua lăng kính của những người từng tiếp xúc với ông.

Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Bùi Giáng làm cái chi, đụng đến cái gì, như chuyện ông làm thơ, yêu ai, đến nhà ai... thì cũng biến thành giai thoại”.

Ông Bùi Hồng Quế kể về khoảng thời gian được là học trò của thi sĩ Bùi Giáng, dù chỉ là “thầy một ngày”: “Thầy vô lớp không dạy gì mà nói đủ thứ chuyện lung tung như cánh chuồn chuồn, rồi gọi Thúy Kiều là em. Học thầy thì chắc là thi không đậu nổi. Sau năm 1975, tôi gặp thầy tại chùa Già Lam như bộ dạng của một cái bang. Một lần khác tôi gặp thầy ở đường Nguyễn Văn Trỗi. Thầy đứng giữa làn xe cộ đang vung tay chỉ tùm lum. Tôi tính dắt thầy vô thì thầy nói: Để cho tao ổn định trật tự. Lần cuối cùng, tôi gặp thầy đang chầu chực trước cổng nhà nghệ sĩ Kim Cương ở đường Hoàng Diệu”.

Đến đây cả hội trường dường như ai cũng phải bật cười vì sự “chầu chực” của thi sĩ Bùi Giáng. Sinh thời ông Bùi có viết về Kim Cương trong bài Cô Kim Cương ơi trong tập Sa mạc phát tiết: “Nếu ngày sau tôi chết đi mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt. Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được”.

Tại buổi tọa đàm, nghệ sĩ Kim Cương, người được mệnh danh là “Nàng thơ” của Bùi Giáng, đã tặng học bổng cho các học viên và nghiên cứu sinh đã có công trình nghiên cứu về thơ Bùi Giáng.

Bạn Nguyễn Thành, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chia sẻ: “Dù là người trẻ nhưng mình rất thích thơ Bùi Gíang. Đọc thơ ông mình thấy rất thoải mái vì dường như không có khuôn sáo nào cả. Hôm nay được dự buổi tọa đàm này, mình hiểu thêm về con người và thơ của ông”.

Qua buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu muốn tìm ra những nét tiêu biểu của thi sĩ tài năng dị biệt nhưng dường như lại không thể định nghĩa. “Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc về Bùi Giáng. Ðọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thật vui mà thật khó vậy. Ông thuộc vào loại thiên tài không định nghĩa được, là một bí ẩn toàn diện trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái nửa không nửa có, nửa hư nửa thực” - nhà nghiên cứu Bùi Văn Sơn Nam nói.

Cũng có chung quan điểm này, GS Huỳnh Như Phương đã dí dỏm: “Chúng ta nói nhiều, viết nhiều về Bùi Giáng, nhưng có lẽ vẫn là người xa lạ đối với ông. Sau 15 năm, chúng ta thêm một lần đón nhận Bùi Giáng, đón ông về lại với không gian văn hóa này, thậm chí có thể nói một cách nào đó là chuộc lỗi với ông, bởi có lần ta đã lạnh nhạt, nếu không nói là xua đuổi ông”.

3q0xtEex.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN VŨ EM (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên