27/07/2015 11:10 GMT+7

Bucheon tôn vinh phim ly kỳ, hồi hộp

TRỊNH ĐÌNH LÊ MINH
TRỊNH ĐÌNH LÊ MINH

TT - Là đạo diễn trẻ nhất của Việt Nam tham dự Liên hoan phim quốc tế Bucheon (Hàn Quốc) với bộ phim Mùi hương nước mắm, Trịnh Đình Lê Minh vừa gửi về Tuổi Trẻ bài viết dưới đây.

Khán giả luôn được lấp đầy tại các sự kiện của LHP quốc tế Bucheon - Ảnh: BiFan
Khán giả luôn được lấp đầy tại các sự kiện của LHP quốc tế Bucheon - Ảnh: BiFan

Khi nhắc đến các liên hoan phim (LHP) lớn ở châu Á, người ta thường nghĩ đến LHP Busan hay Tokyo. Ít ai biết có một LHP dành riêng cho thể loại ly kỳ và hồi hộp đã diễn ra đến lần 19, đó là LHP quốc tế Bucheon (BiFan).

Bucheon - thành phố vệ tinh cách Seoul 20km - nhỏ nhắn và kém nhộn nhịp hơn hẳn Seoul, nhưng từ lâu đã định hướng phát triển thành một đô thị nghệ thuật mới của truyện tranh, phim và âm nhạc.

Năm nay, LHP trình chiếu 235 phim đến từ 45 quốc gia, trong đó có hai phim của Việt Nam: Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần dự mục World Fantastic Cinema (không tranh giải) và phim ngắn Mùi hương nước mắm.

Tham gia BiFan trong hạng mục tranh giải phim ngắn, tôi được mời đến liên hoan và đối diện hết những bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đầu tiên là công tác tổ chức quá tuyệt vời. Mọi chi tiết nhỏ đều được chú ý, chẳng hạn như việc đón tiếp tại sân bay dù khách là một nhà làm phim tranh giải hạng mục phim dài hay một người làm công tác truyền thông cho phim ngắn.

Hàng trăm tình nguyện viên đều là những bạn trẻ tranh thủ kỳ nghỉ hè, hằng ngày bắt tàu điện từ Seoul hay các thành phố lân cận khác để đến làm việc cho LHP.

Thái độ làm việc của các bạn trẻ trên cả tuyệt vời. Cứ nhìn thấy màu áo tím đồng phục của họ là thấy những tiếng cười, những cái cúi đầu chào, sự thân thiện, nhiệt tình và chu đáo.

Việc phân phối vé cho các buổi chiếu cũng diễn ra một cách khoa học. Một lượng ghế hạn chế được đặt trước cho các nhà làm phim và khách mời. Nhưng nếu bạn chỉ đến trước giờ chiếu, khả năng vào xem phim của bạn không cao bởi phần lớn số lượng vé được công chúng đặt và mua trước trên mạng.

Với giá vé là 6.000 won - tương đương giá vé một suất chiếu phim thông thường ngoài rạp, các buổi chiếu vẫn được lấp đầy khán giả. Tận dụng ba cụm rạp có sẵn trong thành phố cùng các phòng chiếu trong tòa thị chính, bảo tàng và cả sân vận động, 12 phòng chiếu luôn hoạt động hết công suất từ sáng đến tối. Khán giả không chỉ là sinh viên hay những người trẻ.

Tôi thấy các khán giả U-50, U-60 hay các bà mẹ đi mua sắm trong các trung tâm thương mại cũng tranh thủ vào xem phim.

Ngoài việc khán giả xem phim rất đông, sự trân trọng của khán giả dành cho các bộ phim và nhà làm phim cũng là một điểm sáng. Khán giả luôn ngồi đến hết kết phim rồi hớt hải chạy sang cụm rạp khác xem bộ phim tiếp theo.

Bên cạnh chương trình LHP, BiFan còn là nơi các nhà làm phim mang đến đấu thầu các dự án phim trong khuôn khổ mạng lưới phim ly kỳ châu Á (NAFF). Trong bối cảnh phim ly kỳ và hồi hộp là thể loại ăn khách trong nhiều nền điện ảnh, BiFan tôn vinh những bộ phim độc lập thuộc thể loại này.

Đó cũng chính là lý do các bộ phim trong LHP đều có những tìm tòi, thử nghiệm mới nhưng vẫn rất gần gũi và hấp dẫn đối với khán giả.

Rõ ràng phim độc lập không chỉ gói gọn trong các bộ phim tâm lý, mà giờ đây những bộ phim có tính giải trí cao cũng có thể được làm độc lập. Không cố gắng định vị mình vào một thứ hạng nào đó ở châu Á, BiFan vẫn tạo được những vị rất riêng của mình trong lòng khán giả.

Hong Kong và Hàn Quốc thắng giải lớn

Hai giải thưởng lớn nhất của BiFan năm nay (diễn ra từ ngày 16 đến 26-7) là phim hay nhất và giải ban giám khảo lần lượt thuộc về Port of call (Hong Kong) và Coin locker girl (Hàn Quốc).

Được sản xuất bởi nhánh phim nghệ thuật của một hãng phim chuyên sản xuất phim bom tấn tại Hàn Quốc, Coin locker girl có cốt truyện giàu kịch tính về sự tiếp nối thế hệ trong một băng đảng kiểu gia đình ở một khu phố Hoa kiều Hàn Quốc.

Trong khi đó, Port of call là câu chuyện điều tra vụ án mạng liên quan cái chết mất xác của một cô gái làng chơi từ đại lục sang Hong Kong, với cốt truyện phức tạp hơn về tâm lý những thân phận bé nhỏ trong xã hội hiện đại.

Nếu Coin locker girl thuyết phục người xem với cách kể chuyện điềm tĩnh, những khuôn hình chặt chẽ và diễn xuất tuyệt vời thì Port of call lại thử nghiệm nhiều ở cách kể chuyện phi tuyến tính cùng lối diễn xuất tự nhiên.

Hai phong cách khác nhau đều được tôn vinh nhưng quan trọng hơn hết, đó là câu chuyện tuy phức tạp về tầng lớp ý nghĩa nhưng đã chạm được vào lòng người.

TRỊNH ĐÌNH LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên