Cầu Thủ Thiêm 2 nối hai bờ quận 1 và TP Thủ Đức (TP.HCM) chuẩn bị khánh thành ngày 28-4 - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều người hy vọng đây là tiền đề, động lực để "kích" những dự án giao thông trọng điểm khác sớm khởi động, hoàn thành. Vì khi đường sá thông thoáng không chỉ giải quyết bài toán kẹt xe nội ô mà còn tăng tính liên kết vùng thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội phát triển của TP.HCM đầu tàu nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.
TP.HCM bây giờ bị chật hẹp về không gian, về cửa ngõ. Nếu cửa ngõ vẫn còn nút thắt như hiện nay thì không thể phát triển được. Cho nên những tuyến đường huyết mạch, vành đai, kết nối liên vùng mà Chính phủ rất quan tâm triển khai thì TP.HCM sẽ tiếp tục làm, điều đó tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhiều hơn trong tương lai.
ông Võ Văn Hoan (phó chủ tịch UBND TP.HCM)
Cầu Thủ Thiêm 2 - biểu tượng mới của TP.HCM
Trải qua nhiều khó khăn trong đầu tư, thi công, cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ khánh thành vào ngày 28-4. Nằm ở vị trí "vàng", cây cầu này không chỉ giúp giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn và hầm Thủ Thiêm.
Hiện tại cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành, với hình dáng cong về phía sau của tháp cầu và hình uốn lượn nhìn từ mặt bên của cầu. Kiến trúc này đem lại cho cầu tính thẩm mỹ độc đáo và tạo điểm nhấn trên sông Sài Gòn. Tháp cầu nghiêng về phía Thủ Thiêm được xem như một biểu tượng cổng chào đón mừng du khách tới với khu đô thị mới.
Mặt cầu được trải thảm nhựa mới tinh tươm, các nhánh cầu kết nối vào hệ thống đường giao thông hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1), Trần Bạch Đằng (TP Thủ Đức) giúp giao thông khu vực mở ra nhiều hướng mới.
Từ cầu Thủ Thiêm 2 dễ dàng phóng tầm nhìn về khu vực công viên Mê Linh, công viên Bến Bạch Đằng là một chuỗi kiến trúc nổi bật và hiện đại giúp tô điểm thêm vẻ đẹp của đoạn sông Sài Gòn giữa lòng đô thị.
Để cầu Thủ Thiêm 2 được đưa vào sử dụng dịp này là sự nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị bởi quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, có lúc công trình phải dừng giữa chừng, tưởng như câu chuyện "nối nhịp bờ vui" còn xa xôi lắm.
Giờ đây cầu Thủ Thiêm 2 đã sẵn sàng ngoài việc giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, kết nối khu vực trung tâm với cửa ngõ phía đông, cầu còn trở thành một trong những biểu tượng của trung tâm TP.HCM.
Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và TP Thủ Đức, TP.HCM chuẩn bị được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 28-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thu hẹp khoảng cách nội ngoại thành
Sớm hơn cầu Thủ Thiêm 2, hôm 26-4 TP.HCM đã khánh thành đưa vào sử dụng 2 công trình quan trọng khác là đường song hành Võ Văn Kiệt, quận 1 và đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn.
Nhiều năm qua, tuyến đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Chính vì vậy khi công trình được thông xe sau 4 năm thi công, nhiều người dân cho hay rất phấn khởi và hạnh phúc vì con đường "đau khổ" ngày nào nay đã trở nên khang trang, sạch sẽ.
Vui mừng đứng trước nhà ngắm nhìn con đường mới, ông Bùi Công Tín (60 tuổi, ngụ tại 352 Đặng Thúc Vịnh) cho biết trước đây nhìn đường này ai cũng ngán ngẩm vì nó rất hẹp, chi chít "ổ voi, ổ gà", mà cứ mưa là ngập, còn ngày nắng thì bụi bặm cộng thêm việc thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Con đường được sửa chữa, nâng cấp mở rộng giúp người dân thuận tiện làm ăn, đi lại dễ dàng.
"Nhà tôi nằm trong diện phải giải tỏa một phần, lùi vào trong hơn 10m để làm đường. Việc xây dựng dự án này là lợi ích chung, đường sá được khang trang không những giúp việc đi lại dễ dàng cho người dân khu vực mà còn cho cả người dân tỉnh thành lân cận. Nên khi được phát động giải phóng đất xây đường, gia đình tôi đã sẵn sàng chấp thuận", ông Tín nói.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đây là công trình dạng tuyến dài, nên số nhà dân bị giải tỏa khá lớn (1.188 trường hợp), trên tuyến có nhiều công trình hạ tầng ngầm và nổi, do đó triển khai xây dựng đã gặp không ít khó khăn nhưng công trình cũng đã hoàn thành đúng dịp lễ 30-4, 1-5 như kế hoạch.
Có mặt tại buổi lễ thông xe đường Đặng Thúc Vịnh, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá cao sự phối hợp, quản lý của chính quyền địa phương và chủ đầu tư, nhà thầu.
"TP bây giờ bị chật hẹp về không gian, về cửa ngõ. Nếu cửa ngõ ra khỏi TP vẫn còn nút thắt như hiện nay thì TP không thể phát triển được. Cho nên những tuyến đường huyết mạch, vành đai, kết nối liên vùng mà Chính phủ rất quan tâm triển khai thì TP sẽ tiếp tục làm, điều đó tạo điều kiện cho TP phát triển nhiều hơn trong tương lai", ông Hoan nhận định.
Trong khi đó, tuyến đường song hành đường Võ Văn Kiệt (quận 1) đưa vào sử dụng, dù chỉ dài vài trăm mét nhưng đã giúp việc đi lại của người dân khu vực xung quanh thông thoáng hơn, giảm tình trạng kẹt xe tại một số con đường.
Nếu như trước đây người dân từ đường Võ Văn Kiệt muốn ra đường Tôn Đức Thắng thì phải rẽ vào đường Ký Con và theo các đường dẫn ra, hoặc phải lên cầu Calmette qua quận 4 rồi mới vòng xuống đường Tôn Đức Thắng theo nhánh cầu bên phải. Còn hiện tại khi có tuyến đường song hành, người dân có thể chạy thẳng ra đường Tôn Đức Thắng để ra cửa ngõ TP hoặc rẽ vào trung tâm TP theo đường Pasteur.
Đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) khang trang, sạch sẽ - Ảnh: CHÂU TUẤN
Cách điều hành mới, dự án về đích nhanh hơn
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho hay các công trình giao thông vừa kể trên đều nằm trong chương trình đột phá của TP về hạ tầng. Các dự án hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như công trình cầu Thủ Thiêm 2 sẽ tạo động lực, tăng giá trị khai thác đất đai cho khu đô thị Thủ Thiêm.
Chia sẻ thêm về quá trình triển khai, ông Lâm cho biết cả 3 công trình này đều trải qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp nên thiếu vật liệu, thiếu nhân công... Riêng cầu Thủ Thiêm 2 ngoài khó khăn về dịch bệnh còn vướng về mặt bằng. Tuy nhiên, thời gian qua TP đã nỗ lực chỉ đạo cũng như phối hợp với các địa phương, các bên liên quan để tháo gỡ, đôn đốc tiến độ.
Tiếp nối các dự án hoàn thành, ông Lâm cho hay vừa qua sở đã tham mưu cho UBND TP "gút" danh mục 29 dự án trọng điểm phải tập trung thực hiện trong năm 2022. Đây là các dự án được chọn lựa với tiêu chí có sức lan tỏa, có hiệu quả lớn về mặt kinh tế - xã hội cũng như mong đợi của người dân. Khi đã xác định ưu tiên, TP sẽ phải tập trung thời gian, nguồn lực để thực hiện với tiến độ nhanh nhất.
Theo ông Lâm, kinh nghiệm từ các dự án trước cho thấy giải phóng mặt bằng là một trong những yếu tố quyết định đến việc công trình nhanh hay chậm.
Thứ hai là công tác chỉ đạo điều hành phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Do đó kế hoạch thực hiện các dự án trong năm 2022 đã quán triệt trách nhiệm, cam kết cụ thể của từng đơn vị để làm sao thúc đẩy các dự án nhanh hơn. Ví dụ chuẩn bị đầu tư thì thời điểm nào hoàn thành thủ tục, nêu rõ thời điểm khởi công dự án. Phải xác định như vậy để có cái mốc, định kỳ kiểm điểm, kiểm tra và kịp thời tháo gỡ.
"Ngoài ra phải kể đến dự án đường vành đai 3 - công trình trọng điểm quốc gia, mang tính chất liên vùng. Hiện TP đang xây dựng kế hoạch để bắt tay ngay vào chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng, thiết kế ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5-2022.
Công trình này áp dụng các cơ chế đặc thù, cách điều hành mới, ưu tiên hơn nữa để hoàn thành cơ bản vào năm 2025 theo quyết tâm của Chính phủ cũng như các tỉnh thành", ông Lâm chia sẻ.
Đối với dự án vành đai 3 và vành đai 4, hiện tổ công tác liên ngành gồm lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các địa phương liên quan đã được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng để kịp thời tham mưu cho Chính phủ các chính sách cũng như tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh được quá trình triển khai dự án.
Nhiều tín hiệu vui cho giao thông TP.HCM
Theo ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đến cuối năm 2022 và những năm sắp tới, có thể nhìn thấy 5 tín hiệu vui của bức tranh giao thông TP.HCM.
Thứ nhất: Từ đây đến cuối năm sẽ khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như: mở rộng quốc lộ 50 để nối kết TP.HCM với Long An, dự án nút giao thông An Phú - cửa ngõ phía đông TP, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là con đường tiếp cận nhà ga T3.
Thứ hai: Tiếp tục hoàn thành một số công trình như nhánh cầu còn lại của cầu Bưng nối quận Bình Tân và quận Tân Phú, nhánh hầm của đường hầm Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Vàm Sát 2 ở Cần Giờ...
Thứ ba: Khởi động lại một số dự án bị chậm thời gian qua như dự án cầu Long Kiểng, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long...
Thứ tư: Được giao vốn để chủ đầu tư nghiên cứu, hình thành tiền khả thi để mời gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội theo hình thức PPP (đối tác công tư) các dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, đường trên cao số 1, đường trên cao số 5...
Thứ năm: Chuẩn bị đầu tư, thông qua chủ trương đầu tư cho các dự án giao thông sẽ hoàn thành trong 5 năm sắp tới như vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
LÊ PHAN
Kỳ vọng vào các đại dự án giao thông
Nhiều dự án giao thông được hoàn thành đưa vào sử dụng nhân dịp lễ 30-4 và 1-5 là sự nỗ lực lớn của ngành giao thông TP. Được cho là nơi năng động, sáng tạo, đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng việc phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM nhiều năm qua còn thấp. Đến nay tỉ lệ đất dành cho giao thông chỉ khoảng 8% trong khi yêu cầu cần thiết là 24-26%, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP chỉ khoảng 2km/1km2 (tiêu chuẩn là 10-13km/1km2). Trong các dự án chậm triển khai có quốc lộ 13 đoạn nút thắt phía TP.HCM thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, kẹt xe giờ cao điểm. Dự án lên kế hoạch khá lâu nhưng chưa thực hiện, trong khi phía tỉnh Bình Dương đã được mở rộng.
Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM vừa được đưa vào sử dụng sáng 26-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giao thông luôn giữ vai trò quan trọng không đơn thuần phục vụ nhu cầu đi lại mà còn cải tạo mỹ quan đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Người dân kỳ vọng nhiều dự án giao thông khác sớm báo tín hiệu vui như: hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), khép kín vành đai 2, sớm triển khai xây dựng vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các dự án quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất... Ngân sách hạn chế, không thể dàn trải, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn lớn. Ngoài khai thác hiệu quả quỹ đất, đòi hỏi chính sách hợp lý mang tính đột phá để tập hợp đủ nguồn lực và huy động thêm nhiều nguồn vốn.
Các dự án ngoài vướng giải phóng mặt bằng còn chậm trễ do vướng chính sách thủ tục. Vừa qua Thủ tướng cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Vấn đề còn lại là chính quyền địa phương phải thật sự tận tâm, bản lĩnh, mạnh dạn giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế để vừa được việc chung vừa không thiệt thòi cho người dân.
Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG
Cần phát triển cả đường bộ lẫn đường thủy
Hệ thống giao thông của các tỉnh phía Nam rất đa dạng, cả đường thủy lẫn đường bộ. Doanh nghiệp cũng tận dụng lợi thế này để phân phối sản phẩm tùy theo đặc thù từng địa phương. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh cũng như giữa các tỉnh với nhau chưa thực sự phát triển để khai thác hết tiềm năng, số dự án đường cao tốc vận hành còn quá ít.
Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy đường sá chật chội, đông đúc xe cộ sẽ khiến việc vận chuyển hàng hóa kém thuận lợi, nhất là đối với các doanh nghiệp hàng tươi sống, cần thời gian vận chuyển nhanh. Những thời điểm kẹt xe như dịp lễ, Tết sẽ khiến vận chuyển hàng hóa chậm hơn, chi phí cũng đội lên. Do đó, Chính phủ và các tỉnh cần ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông thông qua đầu tư công, kéo theo sự phát triển kinh tế vì "lộ thông tài mới thông".
Các tỉnh phía Nam có tiềm năng phát triển giao thông đường thủy, do đó bên cạnh đầu tư đường bộ cần có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đường thủy, nhất là hệ thống bến cảng tại các trung tâm kinh tế để chuyển hàng hóa thuận lợi. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng vận chuyển hàng từ TP.HCM đi miền Tây bằng đường sông, bao phủ hết tất cả các tỉnh thành.
Thực tế cho thấy nếu giao thông thuận tiện, cao tốc nhiều hơn sẽ thúc đẩy giao thương tăng lên, rút ngắn thời gian, chi phí để chuyên chở hàng hóa, nguyên vật liệu từ các tỉnh ĐBSCL lên TP.HCM và ngược lại. Đây cũng là động lực giúp các tỉnh khu vực này phát triển nhanh hơn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư rót vốn, mở nhà máy, xây dựng các cơ sở sản xuất.
Ông NGUYỄN ĐẶNG HIẾN
(phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM)
N.HIỂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận