28/04/2009 16:08 GMT+7

Bữa cơm Điện Biên Phủ về thủ đô

Theo BẢO PHƯỢNG - Pháp Luật TP.HCM
Theo BẢO PHƯỢNG - Pháp Luật TP.HCM

Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên, chuyện tưởng bình thường nhưng không bình thường khi nó gắn liền với cuộc sống của những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Triển lãm “Phục dựng – tái hiện bữa cơm chiến sĩ Điện Biên Phủ” sẽ khai mạc vào 15 giờ 30 chiều nay (28-4) tại Bảo tàng Phòng không-không quân (Hà Nội).

Xg16oXhy.jpgPhóng to
Bát, thìa bằng gáo dừa, máng đựng canh và chõng bằng tre được tái hiện - Ảnh: BP
Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên, chuyện tưởng bình thường nhưng không bình thường khi nó gắn liền với cuộc sống của những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Triển lãm “Phục dựng – tái hiện bữa cơm chiến sĩ Điện Biên Phủ” sẽ khai mạc vào 15 giờ 30 chiều nay (28-4) tại Bảo tàng Phòng không-không quân (Hà Nội).

Tái hiện những chuyện đời thường...

Thượng tá, Giám đốc Bảo tàng Phòng không-không quân Nguyễn Hữu Đạc chính là người có ý tưởng thực hiện cuộc trưng bày này từ hơn một năm trước. “Tôi cũng bất ngờ khi công chúng, báo chí quan tâm nhiều đến cuộc trưng bày chuyên đề về bữa cơm chiến sĩ Điện Biên Phủ. Tôi đã làm trong ngành bảo tàng nhiều năm, cũng tham gia một số triển lãm chuyên đề chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi muốn làm một điều gì đó khác đi. Chúng tôi không dừng lại ở những sự kiện lịch sử, những chiến thắng hào hùng mà muốn tái hiện những điều đời thường nhưng không bình thường chút nào” - thượng tá Đạc cho biết.

Do công việc, thượng tá Đạc thường xuyên tiếp xúc với các cựu chiến binh của Trung đoàn 367 (Trung đoàn Pháo cao xạ phòng không). Trong những cuộc trò chuyện với những người lính đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông giám đốc bảo tàng nhiều lần nghe nhắc đến những bữa cơm của chiến sĩ. Thượng tá Đạc kể lại, chính những cuộc trò chuyện cùng với câu thơ của nhà thơ Tố Hữu về chiến dịch Điện Biên là nguồn hình thành ý tưởng phục dựng: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm/ Mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn”.

Mười một mâm cơm với 30 món ăn của các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ được nấu để khách tham quan bảo tàng nếm thử. Đồ ăn, thức đựng được tái hiện theo các hiện vật mà bảo tàng lưu giữ, theo trí nhớ của các cựu chiến binh. Cán bộ bảo tàng đã tìm lại vùng chiến khu xưa để tìm những nguyên liệu mà nhiều người hôm nay không biết tên gọi là gì.

Chương trình phục dựng và tái hiện “Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên” sẽ bắt đầu từ ngày 28-4 đến ngày 20-5 tại Bảo tàng Phòng không-không quân Việt Nam (171 Trường Chinh, Hà Nội). Theo ban tổ chức chương trình, “Bữa cơm chiến sĩ Điện Biên Phủ” sẽ tiếp tục được trưng bày lưu động tại Học viện Phòng không-không quân và một số trường đại học khác.

Đi rừng không đụng củ mài, lội suối không bắt cá

Thượng tá Đạc kể lại kỷ niệm cảm động khi đi tìm nguyên liệu để dựng lại bữa cơm của chiến sĩ Điện Biên: “Có những món ăn như canh rau rớn, canh rau tầu bay, mắm kem, muối rang riềng... ngày nay không còn ai ăn nữa. Đi tìm nguyên liệu để nấu những món ăn này, chính những người dân địa phương ở Điện Biên, Tuyên Quang cũng không biết. Ăn uống thiếu thốn như vậy nhưng đại tá Lê Đức Khuê, một cựu chiến binh của Trung đoàn 367 đã kể lại với chúng tôi có hai thứ mà chiến sĩ Điện Biên không bao giờ đụng đến là củ mài và cá dưới suối. Cấp trên yêu cầu để lại những thức ăn đó cho đồng bào địa phương”.

Tham gia cuộc triển lãm có 12 cựu chiến binh nguyên là chiến sĩ Điện Biên, trong đó có những người là anh nuôi, chiến sĩ quân lương. Chính những cựu chiến binh này đã hướng dẫn cán bộ bảo tàng phục dựng những món ăn của một thời “mưa dầm cơm vắt”. Ông Nguyễn Đình Vượng, cán bộ quân lương của Tiểu đoàn 381 (Trung đoàn 367), cho biết ông đã phải cố gắng để hướng dẫn cán bộ bảo tàng nấu những món ăn như thịt trâu kho riềng với cách nấu để giữ được món ăn khô, lâu hỏng. “Có một điều đáng tiếc là lần này không phục dựng được mô hình chiếc bếp Hoàng Cầm” - ông Vượng nói.

Cách đan rổ, rá, cách làm những ống muối, dép rơm, mũ rơm, cách chế biến món ăn chứng tỏ các chiến sĩ Điện Biên không chỉ được rèn luyện về các kỹ năng chiến đấu mà còn rèn luyện được nhiều kỹ năng trong cuộc sống, rất khoa học, tỉ mỉ nhưng cũng đầy sáng tạo. “Tôi mong muốn những người đến thăm triển lãm sẽ chia sẻ không chỉ những chiến thắng hào hùng của chiến sĩ Điện Biên mà chia sẻ cả cuộc sống vất vả, tinh thần sáng tạo và tình yêu cuộc sống của họ” - Giám đốc bảo tàng Nguyễn Hữu Đạc cho biết.

Theo BẢO PHƯỢNG - Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên