![]() |
BTV Mỹ Linh Ảnh: Na Sơn |
Mỹ Linh nói: "Tôi vẫn theo dõi các tác phẩm được ra đều đặn của nhà văn Hồ Anh Thái, vừa với tư cách một người đọc "tiêu thụ", vừa với tư cách một người làm truyền hình quan sát những vận động, biến chuyển của các cây bút "tầm cỡ" của nền văn học nước nhà, dù anh Thái đã từ chối tất cả những lời mời xuất hiện trong chương trình của tôi với một sự lịch lãm hết mức. Và tôi thích Dấu về gió xóa, trong đó nổi bật một Hồ Anh Thái tài năng và lý tính".
Dấu về gió xóa lấy bối cảnh là Ðảo Xanh - một hòn đảo huyền bí ngoài khơi vùng biển có thể hiểu là Ấn Ðộ Dương. Những câu chuyện hư thực đan xen giữa những con người bị rơi vào hoàn cảnh phải xóa sạch quá khứ: một ông chủ tiệm ăn người Mỹ đi tìm tung tích cựu tổng thống Mỹ Kennedy mà ông tin là chưa chết, một giáo sĩ quả quyết mình đã gặp và cầu nguyện cho Saint Exupéry ngay cả khi thế giới tin chắc ông đã qua đời, một nhân viên ngoại giao kiêm giáo sư thỉnh giảng của một trường ÐH địa phương, một nữ điệp viên của phong trào dân tộc cực đoan, một hoàng tử của vương triều đã phế nhưng lại đồng thời là bộ trưởng cách tân đơn độc của một quốc gia bé nhỏ nhiều kẻ thù chỉ vì quá giàu có dầu mỏ... |
- Tôi không chủ tâm đi tìm cái mới nhất, tôi tìm kiếm một Hồ Anh Thái tôi từng biết nhưng với một cách thể hiện khác. Và tôi thấy quả thật Hồ Anh Thái vẫn trung thành với sự tự tin, tự chủ, với cốt cách ung dung dựa trên một nền tảng kiến thức văn hóa, xã hội, lịch sử, tôn giáo... của mình để hành xử với ngôn ngữ văn chương một cách thật lịch lãm và khoáng đạt.
Trong Dấu về gió xóa, kết cấu tiểu thuyết được dàn dựng chặt chẽ và "cao thủ" đến mức gần như tự nhiên. Ðể truyền tải một không khí tiểu thuyết đầy chất hoang hoải, tất cả các nhân vật đều biết là ngột ngạt, bế tắc mà chưa biết thoát ra bằng cách nào, anh Thái đã chọn cho mình một ngôn ngữ tự trào lộng, một kiểu cười khẩy rất ý nhị và sâu sắc, đắng, chát mà không hằn học, cay cú. Một thái độ trí thức mà không phải người viết nào cũng có được và ý thức được mình nên làm thế.
* Chị nhắc rất nhiều lần đến tính trí thức, kiến thức nền, phông văn hóa và sự lịch lãm của nhà văn Hồ Anh Thái, phải chăng đó chính là điều thu hút nhất trong văn chương của ông? Hay đó chính là đòi hỏi, là đặt hàng của một độc giả khó tính như chị?
- Cả hai. Tôi thuộc loại độc giả luôn tìm kiếm những tác phẩm viết về những vấn đề sâu hơn cái thường ngày. Tôi tôn trọng những cái thường ngày được viết với một tâm huyết nóng bỏng nhưng tôi không coi đó là đỉnh cao của văn chương. Ðộc giả luôn tìm những gì "cất cánh" bên trên hiện thực hằng ngày. Và đó là cái chúng ta có thể tìm thấy trong hầu hết các tác phẩm của anh Thái, đặc biệt trong Dấu về gió xóa này.
Ðừng nghĩ câu chuyện về mối tình tay ba và những âm mưu ở Ðảo Xanh - một vùng đất phiếm chỉ - là những câu chuyện phi hiện thực. Nó là một hiện thực khác được nhà văn cấu trúc lại theo thế giới quan và thẩm mỹ riêng của mình. Ðọc đi đọc lại, đào xuống những tầng lớp chữ nghĩa sẽ thấy một hiện thực thật gần với xã hội, với con người chúng ta. Sẽ hiểu được khát vọng và mơ ước của nhà trí thức - nhà văn - công dân Hồ Anh Thái.
* Còn có điều gì khiến chị "tiếc" nhất cho tác phẩm này?
- Tôi hơi tiếc vì cách tác giả xây dựng mối tình tay ba giữa cô chủ - Anh và Chàng. Ai cũng hiểu đây không hề đơn thuần là chuyện giới tính hay tình cảm mà là những ám dụ về những chủng tộc và những chính thể khác nhau. Nhưng vì đã được thể hiện thông qua chuyện tình tay ba nên nó cần hội đủ ba yếu tố: tinh tế, say đắm và tính dục. Hồ Anh Thái có thể thừa sự tinh tế, nhưng văn của anh vốn không mạnh về hai yếu tố sau nên giá như chuyện tình tay ba - xương sống của câu chuyện trên Ðảo Xanh - được kể bằng những hình ảnh khác thì Dấu về gió xóa sẽ trọn vẹn hơn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận