Nông sản bày bán tại chợ Đà Lạt - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ: LÂM THIÊN
Cạnh đó là hàng loạt chỉ dấu không dễ nhận biết như củ không đồng đều, vỏ mỏng...
Những dấu hiệu mong manh không bảo vệ được người tiêu dùng khi bước ra chợ nông sản, không giúp người nông dân và thương lái chân chính có được cuộc mua bán, cạnh tranh lành mạnh ngay ở thị trường trong nước vốn là sân nhà.
Những loại nông sản có mức giá nhập khẩu thấp gấp 4-5 lần so với nông sản cùng chủng loại trồng trong nước được "mông má", thay đổi xuất xứ bằng nhiều cách tinh vi trước khi đưa ra thị trường với mức giá đủ rẻ để đánh gục hàng đúng xuất xứ, chất lượng tốt.
Người làm nông sản không những bị hất đổ chén cơm ngay trên sân nhà, mà tiếng tăm xây dựng bao đời cũng dần phai nhạt bởi nông sản giả mạo xuất xứ.
Mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã hợp tác triển khai sử dụng ứng dụng Diagri cho điện thoại thông minh, máy tính. Ứng dụng có thể thu thập cung cấp dữ liệu canh tác nhằm quản lý sản xuất, dự báo thời gian thu hoạch, năng suất, sản lượng, ghi nhật ký sản xuất, tạo thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Phần mềm gom rất nhiều dữ liệu sản xuất quan trọng để tạo ra những con tem (QR code hoặc bar code) phù hợp với nguồn gốc, chất lượng nông sản. Những con tem này được dán lên nông sản đủ chủng loại trước khi bước ra thị trường, trước tiên là những siêu thị.
Người tiêu dùng khấp khởi, bởi từ nay chỉ với chiếc điện thoại thông minh họ có thể biết được nông sản mình mua có xuất xứ từ đâu, thu hái ngày nào, quy trình đóng gói ra sao và có đạt được tiêu chuẩn như nơi bán công bố hay không.
Nông dân và những nhà cung ứng có lối làm ăn đàng hoàng cũng mừng bởi họ có cơ hội minh bạch tất cả thông tin sản xuất, và từ đó được bảo vệ trước nạn giả mạo xuất xứ lâu nay.
Ngành nông nghiệp hi vọng giải pháp mới này sẽ tạo tiền đề để xây dựng những công cụ cân đối sản xuất, tránh nạn "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Mang đến một công cụ để minh bạch trong sản xuất nông sản là một nỗ lực đáng ghi nhận của cơ quan quản lý nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, trong bối cảnh nông sản trong nước đang bị cạnh tranh không sòng phẳng bởi nông sản Trung Quốc với sự tiếp tay của những tiểu thương thiếu trách nhiệm với nồi cơm chung.
Nhưng có lẽ nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp thông minh, minh bạch, bền vững mà một địa phương đang dốc sức sẽ thành công cốc nếu các giải pháp truy xuất nguồn gốc không được triển khai rộng ở quy mô quốc gia, không trở thành một quy định bắt buộc áp dụng cho cả nông sản trong nước và nhập ngoại.
Nếu cứ để những giải pháp truy xuất nguồn gốc dừng lại ở mức độ sáng kiến địa phương, ai dám chắc rằng những con tem chứa dữ liệu sản xuất của Đà Lạt hoặc một số địa phương khác sẽ không bị sao chép để dán lên những loại nông sản không rõ nguồn gốc nhập vào Việt Nam với giá rẻ mạt. Và từ đó người tiêu dùng một lần nữa bị đánh lừa, nông dân một lần nữa bị tấn công.
Câu chuyện bảo vệ thương hiệu nông sản không chỉ nhìn nhận ở thủ phủ nông sản Đà Lạt mà cần được nhìn rộng hơn ở phạm vi quốc gia là vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận