Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Ba kể lại hành trình đòi đất của mình - Ảnh: N.TRIỀU |
Hai câu chuyện có khác nhau về cớ sự, thời gian nhưng có chung kết cuộc là sau khi trải qua hai cấp tòa, họ bỗng nhiên bị mất những phần đất mà họ đã có sổ đỏ đàng hoàng.
Tòa không xử!
Bà Nguyễn Thị Ba (77 tuổi, ngụ xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) nợ ông Phạm Văn Lùng hơn 37 triệu đồng và bị ông Lùng khởi kiện năm 1997. Để thi hành án, bà Ba đã thỏa thuận giao cho ông Lùng miếng đất 12.949,5m2, mặt tiền giáp con lộ chạy dọc bờ kênh Lình Huỳnh, mặt hậu giáp hộ ông Ngô Văn Phòng. Tuy nhiên khi giao đất, tổ thi hành án không đo đạc và cắm mốc trên thực địa mà chỉ giao trên giấy nên phần đất ông Lùng nhận và sử dụng lên đến 13.456,8m2.
Năm 2003, ông Lùng cắt một phần đất ở mặt hậu chuyển nhượng cho ông Trần Văn Hai thì bà Ba mới phát hiện và kiện đòi ông Lùng phải giao lại 507m2 đất thừa ở phía mặt tiền cho bà. Tại tòa, ông Lùng thừa nhận đã sử dụng thừa diện tích so với thỏa thuận. Tuy nhiên, TAND huyện Hòn Đất xử sơ thẩm ngày 11-6-2004 đã bác yêu cầu của bà Ba, vì cho rằng bà chỉ đòi lại phần đất mặt tiền, phần hậu (ông Lùng đã bán cho ông Hai) “không có tranh chấp nên tòa miễn xét”.
Không chấp nhận cách phân xử nửa vời của TAND huyện Hòn Đất, bà Ba kháng án lên TAND tỉnh Kiên Giang. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 17-12-2004, thay vì bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp của bà Ba đối với phần đất thừa 507m2 thì TAND tỉnh Kiên Giang lại tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Kết cuộc, hai bản án của hai cấp tòa đã hợp thức hóa cho việc sử dụng thừa 507m2 đất của ông Lùng và tước mất của bà Ba quyền sử dụng phần đất ấy.
Tám năm qua, bà Ba đã khiếu nại đến nhiều nơi, nhiều cấp từ tỉnh đến trung ương nhưng đều được trả lời rằng vụ tranh chấp đã có bản án của hai cấp tòa nên việc đòi đất của bà không có căn cứ.
Đất “bốc hơi”!
Năm 2004, bà Nguyễn Thị Huệ (46 tuổi, ngụ xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) sang nhượng 15.000m2 của ông Đặng Thảo Thuận và được UBND huyện Kiên Lương cấp sổ đỏ với diện tích sử dụng 14.400m2, sau khi đã trừ diện tích bờ, kênh. Chủ mảnh đất liền kề với bà là ông Tạ Tỉ. Năm 2006, ông Lê Văn Truyền - người mới sang nhượng đất từ ông Tỉ - đưa xe cơ giới vào cày ủi đất của bà Huệ vì cho rằng đất này đã được UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông Tỉ. Bà Huệ khởi kiện ra TAND huyện Kiên Lương.
Theo trưng cầu của tòa, Phòng tài nguyên - môi trường huyện Kiên Lương đã đo đạc và xác định phần đất tranh chấp có tổng diện tích 15.000m2, trong đó có 10.300m2 thuộc thửa 45 đã cấp cho ông Tạ Tỉ và 4.700m2 thuộc thửa 46 cấp cho bà Huệ. Cơ quan chức năng địa phương cho hay khu vực này được phân thửa cấp sổ đỏ từ năm 2000 nhưng trong quá trình sử dụng, các hộ dân từ hai phía định vị ranh mốc không đúng. Thửa đất của bà Huệ nằm ở giữa nên nếu đo đủ diện tích cho ông Truyền thì thửa đất của bà mất đến 10.300m2. Trước khi được cấp sổ đỏ, cơ quan địa chính địa phương có đo đạc thực địa nên chuyện chồng lấn ranh giới không phải lỗi do bà Huệ. Do đó, cách giải quyết ổn thỏa và hợp lý hợp tình nhất là UBND huyện Kiên Lương phải ra quyết định điều chỉnh ranh mốc các thửa đất trên thực địa, đảm bảo nguyên tắc “ai về nhà nấy”.
Thế nhưng, tại phiên xử sơ thẩm ngày 17-4-2008, TAND huyện Kiên Lương chỉ công nhận quyền sử dụng đất của bà Huệ với diện tích 4.700m2 và buộc bà Huệ giao trả cho ông Truyền 10.300m2. Phán quyết của tòa kết thúc tại đây, hậu quả là 14.400m2 đất - được UBND huyện cấp sổ đỏ - của bà bỗng dưng “bốc hơi” hơn hai phần ba. Không chấp nhận phán xử vô lý, bà Huệ kháng án. Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang hai tháng sau đó cũng tuyên y án, buộc bà Huệ giao trả cho ông Truyền 10.300m2 và... hết. “Có ai trả lời giùm tui, hơn 1ha đất tui được UBND huyện cấp sổ đỏ bây giờ ở đâu?” - bà Huệ cảm thán.
Vẫn còn quyền kiện đòi đất Đối với vụ tranh chấp của bà Nguyễn Thị Ba, khi bà Ba đòi lại 507m2 đất ở phía mặt tiền thì cả thửa đất này đã trở thành đất có tranh chấp. Hai cấp tòa cho rằng phần hậu “không có tranh chấp nên miễn xét” là thiếu khách quan và thiếu cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Bà Ba vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu ông Lùng trả 507m2 đất mặt tiền bờ kênh. Việc đòi lại 507m2 đất này vẫn đáp ứng được điều kiện để tòa thụ lý vụ án vì không thuộc trường hợp “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” quy định tại điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Về vụ tranh chấp của bà Nguyễn Thị Huệ, quyết định của tòa án trong trường hợp này là chưa chính xác, thiếu cơ sở pháp lý, không khách quan, bởi nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do cơ quan quản lý đất đai địa phương làm không hết trách nhiệm, không giao đất cho người dân đúng ranh mốc trên thực địa và cũng không kiểm tra, quản lý quá trình sử dụng đất của người dân. Kết luận trong bản án là không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, chính vì vậy bản án này cần được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Vụ kiện của bà Huệ tuy đã hết thời hạn kháng nghị nhưng bà vẫn có quyền gửi đơn đề nghị xem xét vì bản án thuộc truờng hợp “xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm”. Trường hợp này thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm hai năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị. Chính vì vậy, bà Huệ cần có đơn đề nghị chánh án TAND tỉnh Kiên Giang, viện trưởng Viện KSND tỉnh Kiên Giang là những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xem xét, nghiên cứu kháng nghị bản án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận