Các bị cáo trong giờ tuyên án chiều 13-6 - Ảnh: B.D. |
Sau hơn 1 tuần làm việc, chiều 13-6 HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án vụ xét xử các bị cáo trong vụ MB24 Đắk Lắk, bị truy tố tội danh sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet và thiết bị số để chiếm đoạt tài sản.
Tòa tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Chiến 8 năm 3 tháng tù giam; Đặng Anh Tuấn 7 năm 6 tháng tù giam; Trần Văn Sự 7 năm 6 tháng tù giam; bị cáo Bùi Thị Chiên bị phạt 3 năm 5 tháng 6 ngày tù.
Bị cáo Bùi Thị Chiên được tự do sau phiên tòa do bản án bằng thời gian tạm giam.
HĐXX cũng tuyên buộc cả 4 bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt được từ hành vi lừa đảo thông qua hoạt động mua bán gian hàng ảo.
HĐXX cho rằng hành vi các bị cáo gây nguy hại cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình trị an trên địa bàn Đắk Lắk, các bị cáo phạm tội có tổ chức nên hình phạt cần tăng nặng để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, có tác dụng ngăn ngừa các hành vi lừa đảo tương tự.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra thì MB24 tại Đắk Lắk là một mắt xích trong hệ thống mua bán gian hàng ảo trực tuyến của MB24 tại Hà Nội, từng hoạt động và lôi kéo hàng trăm ngàn người ở nhiều tỉnh thành trên cả nước tham gia.
Năm 2014, MB24 trụ sở tại Hà Nội bị Công an TP Hà Nội đánh sập, nhiều lãnh đạo của công ty này bị khởi tố, truy nã đặc biệt. Ở Đắk Lắk, vụ án của MB24 chi nhánh tỉnh này được Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vào năm 2012.
TAND Đắk Lắk đã triệu tập hơn 700 người là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng các bị hại - đa số là dân nghèo bị dụ dỗ tham gia vào đường dây mua bán gian hàng ảo trực tuyến này.
Cáo trạng của Viện KSND Đắk Lắk nêu: thông qua giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số với tên miền www.muaban24.vn, Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB24 Hà Nội (trụ sở tại Hà Nội) đã xây dựng mô hình và phương thức hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử muaban24.vn theo sơ đồ “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”.
Năm 2011, MB24 thành lập chi nhánh tại tỉnh Đắk Lắk và TP Buôn Ma Thuột. Ngô Văn Chiến, Trần Văn Sự, Bùi Thị Chiên và Đặng Anh Tuấn lần lượt được giao chức vụ giám đốc chi nhánh.
Để lôi kéo được nhiều người tham gia mua gian hàng ảo, các bị cáo trực tiếp gặp gỡ hoặc gián tiếp thông qua các hội viên của hai chi nhánh để vận động mở các lớp giới thiệu về muaban24.vn, lôi kéo nhiều người tham gia mua gian hàng ảo.
Khi một người muốn tham gia làm hội viên MB24 thì phải đóng số tiền 5,2 triệu đồng và quy ra điểm. Cứ mỗi người tham gia và đóng 5,2 triệu đồng thành công thì hoa hồng được chia 1,5 triệu đồng cho hội viên giới thiệu trực tiếp, 320.000 đồng cho hội viên giới thiệu gián tiếp, số tiền còn lại sẽ được chia trên hệ thống lãnh đạo của MB24.
Giới thiệu được càng nhiều gian hàng ảo thì mức thu nhập tiền thưởng của hội viên bảo trợ trước đó càng tăng cao như: thưởng giới thiệu trực tiếp, giới thiệu gián tiếp, cân cặp, thưởng các loại VIP, thưởng 10% doanh thu hằng tháng do phát triển lượt hội viên tham gia mua gian hàng cho chi nhánh MB24 cấp tỉnh.
Quá trình hoạt động từ tháng 10-2011 đến tháng 7-2012, hai chi nhánh MB24 tại Đắk Lắk đã phát triển được hơn 2.000 gian hàng với tổng doanh thu hơn 10 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 2.300 gian hàng ở các nơi khác do MB24 Hà Nội chuyển về.
Toàn bộ số tiền hơn 10 tỉ đồng được chuyển về MB24 Hà Nội. MB24 Hà Nội sau đó trích hoa hồng cho các bị cáo Chiến, Sự, Tuấn, Chiên thụ hưởng số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Trong quá trình xét xử, cả 4 bị cáo đều khẳng định chưa từng được Công ty MB24 trả tiền mặt là “hoa hồng” từ các gian hàng ảo mà mới chỉ được nhận điểm. Nguyên do là tính đến thời điểm bị khởi tố, MB24 Đắk Lắk đang trong giai đoạn mở rộng mạng lưới liên kết kinh doanh, chưa quy đổi điểm thành tiền mặt.
Các bị cáo cũng nói rằng không đồng tình với nhiều nội dung nêu trong cáo trạng, bản thân các bị cáo không sử dụng mạng Internet, máy tính để đưa thông tin gian dối nhằm trục lợi. Trong khi đó, phía các bị hại khi được thẩm vấn đều bày tỏ sự bức xúc và nói rằng “bị dụ dỗ” và đưa nhiều tiền nạp cho MB24 Đắk Lắk.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận