07/04/2012 07:35 GMT+7

Bối rối... tìm kiếm tài năng

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Chương trình Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s got talent gần cán đích trong mùa phát sóng đầu tiên. Nhưng khi các ứng viên vòng chung kết gần lộ diện hoàn toàn thì cũng là lúc khán giả ít nhiều cảm thấy... bối rối.

Đăng Quân - Bảo Ngọc và Mộc vào chung kếtPhương Anh và Mạnh Hòa vào chung kết Vietnam’s Got TalentKhán giả bật khóc cùng thí sinh

4dqwsv8N.jpgPhóng to
Thí sinh Nguyễn Đặng Đăng Khoa bị loại tại vòng bán kết khiến không ít khán giả bật khóc - Ảnh: T.T.D.

“Tôi bị bỏ bùa mê mất rồi, phần thi quá tuyệt vời, bạn trình diễn rất tuyệt, tôi yêu bạn, cháu là một ca sĩ thật sự...” - những lời nhận xét như thế này không còn xa lạ với các thí sinh của sân chơi Tìm kiếm tài năng nữa! “Dĩ nhiên được khen là thích rồi, nhưng nếu ai cũng được khen như ai, mình là thí sinh mình lại lo đấy” - một khán giả xem chương trình chia sẻ. Có lẽ hiếm có một cuộc thi thực tế nào giám khảo lại... dễ chịu như vậy.

“Bão” lời khen!

Tham gia một cuộc thi, thí sinh hoàn toàn là những “viên ngọc thô” cần được mài giũa, cần được biết những điểm yếu và thế mạnh của mình thông qua những nhận xét mềm mỏng nhưng phải thực tế và chuẩn xác từ các vị giám khảo.

Ngay từ những vòng đầu, giám khảo của Vietnam’s got talent đã vấp phải nhiều ý kiến khi bị cho là mờ nhạt và thiếu cá tính. Tuy nhiên ở vòng ngoài, nói như cách của giám khảo Thành Lộc, là những vòng “đi chợ giùm khán giả”, họ chỉ “đãi cát tìm vàng” và động viên thí sinh nếu bị loại. Nhưng khi bước vào vòng trong, cụ thể là ở những vòng “tiền chung kết” như các đêm thi vừa qua - lúc các thí sinh cần phải có sự bứt phá để trội lên hẳn thì giám khảo lại “ru ngủ” họ bằng những lời có cánh khiến người xem cũng cảm thấy... nhột. Việc tham khảo nhận xét của hội đồng chuyên môn là yếu tố cần thiết tác động đến bình chọn của khán giả. Nhưng cũng thật khó cho khán giả khi bảy tiết mục dự thi thì có khi giám khảo khen hết sáu!

Giám khảo Thúy Hạnh - nữ giám khảo duy nhất và cũng là người hứng chịu nhiều chỉ trích nhất về độ hào phóng lời khen - cho biết: “Đôi khi tôi cũng muốn có những lời chê gay gắt như giám khảo trong những phiên bản quốc tế, nhưng rõ ràng văn hóa Á Đông nói chung khó chấp nhận những lời chê hơn là khen. Và bản thân tôi cũng cảm thấy các tiết mục của thí sinh không đến mức bị chê. Tôi cho rằng những gì thí sinh - nhất là những người không chuyên - làm được ở sân chơi này đã là quá tốt rồi!”.

Băn khoăn “bảng tử thần”

Một câu hỏi khác được nhiều khán giả đặt ra, nhất là từ vòng bán kết thứ tư: Có phải ban tổ chức cố tình đặt thí sinh vào sự may rủi khi thí sinh có thể nằm trong một tuần thi toàn đối thủ “nặng ký” (bảng tử thần) hoặc ngược lại? Sự công bằng ở đâu khi thí sinh bị loại ở tuần thi này lại có màn trình diễn ấn tượng hơn thí sinh của tuần thi khác có suất vào chung kết? Lỗi không ở thí sinh mà do ban tổ chức khi đẩy giám khảo và khán giả vào tuần thì không có gì để chọn, phải nhắm mắt chọn liều và tuần thì phải bật khóc khi phải loại thí sinh.

Cũng vì vậy, nhiều khán giả đã nuối tiếc khi Nguyễn Đặng Đăng Khoa - cậu bé 11 tuổi không chỉ tự học và nhảy nhuần nhuyễn theo từng động tác kỹ thuật hóc búa của Michael Jackson mà còn tự tìm tòi và sáng tạo cách nhảy riêng cho mình kết hợp từ những kiến thức đã có - lại bị loại.

Chương trình có thiếu hợp lý trong cách sắp xếp và phân bổ các tiết mục dự thi? Trả lời về điều này, ban tổ chức cho biết việc sắp xếp tiết mục từng tuần không theo hình thức bốc thăm mà dựa trên sự phân bổ đều các thể loại cho mỗi tuần và dựa trên thời gian - lịch học hoặc làm việc của thí sinh để đảm bảo thí sinh có thể có 10 ngày tập trung luyện tập và biểu diễn tại vòng bán kết. Và ngay sau khi các giám khảo tuyển chọn 49 tiết mục vào bán kết, ban giám khảo đã chia lịch cho bảy tuần bán kết và thông báo lịch cho thí sinh. Việc sắp lịch này được hoàn tất trước khi vòng bán kết bắt đầu vào ngày 4-3. Tuy vậy, cũng có khán giả hoài nghi đây có thể là một “chiêu” nhằm nâng cuộc thi lên cao trào nhưng vô hình trung lại không công bằng cho thí sinh.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường TNS, tính đến thời điểm ngày 25-3, Vietnam’s got talent có lượng người xem (rating) cao nhất so với các chương trình truyền hình thực tế khác của VTV3 trong ba năm 2010, 2011 và 2012. Chỉ còn bốn chiếc vé nữa cho đêm chung kết, chương trình có giữ được lượng người xem nhiều hay không sẽ còn phụ thuộc vào chất lượng của các tiết mục dự thi và sự sắc sảo của ban giám khảo.

Chọn “tinh thần” hay “tài năng”?

Nếu xem Vietnam’s got talent chỉ là một sân chơi của đam mê, nơi những con người bình thường, thậm chí không bình thường với những khiếm khuyết, có cơ hội được thể hiện khao khát và hiện thực hóa ước mơ được chia sẻ thế giới của mình với khán giả, thì chương trình đã tạo được một hiệu ứng nhất định... Tuy nhiên, ban giám khảo và khán giả có “phân tâm” khi phải đong đếm tài nghệ giữa những người lành lặn và những người kém may mắn? Giám khảo Thành Lộc chia sẻ: “Dù gì đây là một cuộc thi về tài năng, sự đòi hỏi về cái tài là điều tất yếu. Như nhóm Nghị Lực trong đêm bán kết 5, đúng như tên gọi của mình, các bạn đã làm được những điều phi thường. Nhưng cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là các bạn nhảy chưa đẹp, nếu có vào vòng trong có lẽ cũng chỉ dừng lại ở đó thôi. Nếu lấy tài năng ở một sân chơi tìm kiếm tài năng làm kim chỉ nam thì sẽ cảm thấy không quá khó khăn khi lựa chọn”.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên