![]() ![]() |
Quan tài cổ đã được bốc lên và đưa đi trong sự chứng kiến của đông đảo người dân thành phố sáng 25-11-2004 - Ảnh: Thanh Đạm |
Theo nhận định bước đầu thì hai quan tài này không chôn cùng thời điểm với nhau, vì phần huyệt mộ của quan tài thứ I (nằm phía trong, sát tường trường học) được phủ kín một lớp cát màu vàng rất mịn. Còn phần huyệt mộ phía ngoài không phủ lớp cát như thế.
Các nhà khảo sát cho rằng phần mộ phía ngoài được chôn trước và được phủ bằng lớp hợp chất tạm. Phần huyệt phía trong là kim tĩnh được đào trước, sau đó một thời gian người còn lại mất mới được chôn cất. Lúc này người ta mới phủ lớp hợp chất lên chung hai huyệt mộ để tạo thành một ngôi mộ chung - mộ song táng.
Trong khi bốc dỡ quan tài phía trong, các nhà khảo sát phát hiện quan tài này được bao bọc bằng một chiếc quách bằng gỗ và đã cho bốc phần quách lên trước. Sau đó bốc quan tài lên và đem cả hai về Bảo tàng TP.HCM để xử lý.
Theo đo đạc của họa sĩ Trần Sung, cán bộ Bảo tàng Lịch sử VN - TP.HCM, chiếc quách được đóng bằng nhiều mảnh gỗ ghép theo hình bán nguyệt, cao 90cm, dưới đáy rộng 78cm, phần trên rộng 76 cm, chiều dài 2,2m. Còn quan tài cao 85cm, rộng 64cm, có phần đế gỗ ở đáy khá dày (gần 10cm, rộng đến 87cm, có sáu móc bằng sắt đóng ở hai bên mép đế), phần nắp quan tài là nguyên hình nửa thân cây. Cả quách và quan tài đều được sơn phủ bằng nhiều lớp màu chu, khá dày.
Nhiều người đoán già đoán non không biết bên trong quan tài là nam hay nữ, có đồ đạc gì hay không mà rất nặng, gần 20 người khiêng mới nổi. Tuy hình dáng vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng chiếc quan tài đã bị mục, nhất là hai đầu quan tài. Cho nên các nhà chuyên môn khẳng định xác người bên trong không thể còn nguyên vẹn. Sau khi mở nắp quan tài, đúng là bên trong chỉ còn bộ hài cốt.
Buổi chiều cùng ngày, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát bộ hài cốt này và phát hiện được 13 lọai di vật được chôn theo gồm: 1 chiếc lược cài tóc bằng sừng (phía trên búi tóc), 1 khánh kim loại (trước ngực) hình song phụng, 3 hạt chuỗi màu vàng ở ngực, một số nút áo bằng đồng trước ngực, 3 mẫu vải, 3 bộ hạt mạ màu vàng (5 hạt), 1 dây kim lọai có 4 khoen tròn, 1 dây kim loại quấn dạng lò xo, 9 đồng tiền cổ dính lại với nhau, 40 hạt chuỗi màu vàng ở cánh tay trái, một số rẻ quạt nằm dọc xương cánh tay trái, một số hạt ngũ cốc…
Riêng bộ xương, chỉ phần hộp sọ là còn khá tốt, các phần khác đã mục và đổi thành màu đen. Qua khảo sát cấu trúc của hộp sọ và các di vật tìm thấy, bác sĩ Phan Bảo Khánh (phó bộ môn giải phẫu, phó khoa Y ĐH Y dược TP.HCM) đã khẳng định đây là xác một phụ nữ, khoảng 50 tuổi.
Còn tiến sĩ khảo cổ Vũ Quốc Hiền (phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN) cho biết có khả năng chiếc quan tài này có niên đại vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn (tức cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19).
Như vậy, chiếc quan tài còn lại (sẽ được khai quật sáng nay 26-11) chắc chắn là của một người đàn ông. Có thể có nhiều bất ngờ từ trong quan tài này vì trước đây người đàn ông có ảnh hưởng trong xã hội, có thể là một người rất giàu và có địa vị xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận