Vi trên giường bệnh sau khi bị cưa một chân - Ảnh: Thùy Dương |
Đông đảo phóng viên có mặt tại buổi họp báo về trường hợp bệnh nhân Lê Thị Hà Vi (xã Ea Bhoh, huyện Cư Kuin) tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Tiến Thành |
Trình độ chuyên môn có vấn đề?
Ông Doãn Hữu Long khẳng định trình độ chuyên môn ngành y tế Đắk Lắk chắc chắn không bằng TP.HCM, trình độ chuyên môn của Bệnh viện Cư Kuin thì càng không bằng BV Chợ Rẫy.
"Từ sự việc cháu Vi bị gãy chân dẫn đến phải cưa chân, tôi khẳng định có sai sót, có sự lơ là và có yếu kém trong chuyên môn" - ông Long nói.
Ông Nguyễn Văn Tâm nói thêm, một bệnh viện hạng ba như Bệnh viện Cư Kuin với 14 người một kíp trực, phải lo nhiều khoa, nhiều bệnh nhân cùng lúc nên cũng gặp khó khăn khi trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất còn kém.
Ông Doãn Hữu Long một lần nữa gửi lời xin lỗi đến bệnh nhân Hà Vi và gia đình và hứa sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến triển sức khỏe của Vi.
Ông Long nói sau sự kiện này, sở sẽ chấn chỉnh chuyên môn, rà soát năng lực, xây dựng phác đồ điều trị chuẩn. Ngoài ra sẽ kiến nghị tăng thêm nguồn lực y tế, hiện nay còn thiếu khoảng 20-30%.
16g46: Phóng viên báo Lao động đặt câu hỏi: Có dư luận cho rằng bác sĩ Y Tâm - người trực tiếp điều trị cho Vi học tại chức nên trình độ chuyên môn không đạt. Mong lãnh đạo sở thông tin về trình độ chuyên môn của bốn lãnh đạo, cán bộ liên quan vừa bị đình chỉ công tác.
Ông Doãn Hữu Long cho biết bác sĩ Y Tâm là bác sĩ chính quy, công tác tại Bệnh viện huyện Krông Nô từ năm 2003, sau đó mới chuyển về bệnh viện Cư Kuin.
Các bác sĩ khác như bác sĩ Trịnh Đức Lam - phó giám đốc là bác sĩ chuyên khoa 1, đang học chuyên khoa 2 theo quyết định của UBND tỉnh.
16g42. Phóng viên báo Thanh tra Chính phủ đặt câu hỏi: Đối với những trường hợp như em Vi thì nguy cơ bị hoại tử có cao không? Đây là do bệnh tình hay là do sự tắc trách, non kém về chuyên môn của kíp trực?
Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viện Cư Kuin cho biết, vị trí mâm chày có nhiều mạch máu nằm sâu nên tỉ lệ biến chứng rất cao. Nếu tại các cơ sở y tế tốt hơn thì nguyên tắc là phải hội chẩn và chụp cắt lớp. Còn nếu gãy xương chày không tổn thương mạch máu thì phải theo dõi các yếu tố khác như di chuyển, thời gian gãy…
"Đối với trường hợp em Vi, tôi đã giao cho Khoa Ngoại và lãnh đạo thì tôi phải tin tưởng. Về tỉ lệ tổn thương tôi không dám chắc vì phải do người có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, các cơ quan chuyên môn cấp trên kiểm tra, kết luận. Tuy nhiên trường hợp Vi, tôi nghĩ nhiều khả năng có tổn thương mạch máu" - ông Tâm nói.
Trả lời thêm về những câu hỏi này, ông Doãn Hữu Long nói: tỉ lệ nguy cơ của mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng bác sĩ. Tôi cũng tìm hiểu qua các chuyên gia về chấn thương chỉnh hình thì trường hợp của cháu Vi cũng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, theo dõi diễn biến sự việc này tôi cho rằng trình độ chuyên môn, và thái độ phục vụ của kíp trực là có vấn đề.
Theo dõi trên báo chí, tôi thấy các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy kết luận khác với kết luận trong thông cáo báo chí của Sở y tế.
Miễn phí kinh phí điều trị, lo cho tương lai bé Vi
16g40. Sở Y tế cho biết đang chuẩn bị họp hội đồng chuyên môn của ngành với sự tư vấn của Bệnh viện Chợ Rẫy, phối hợp với Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM đo, lắp chân giả và phục hồi chức năng cho em Vi.
16g30. Trả lời câu hỏi phóng viên VTC New về việc gia đình em Vi phản ánh hai lần xin chuyển viện nhưng không được bệnh viện đồng ý, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin nói thông tin đó chưa chính xác.
“Theo quy chế, khi bệnh nhân và người nhà xin chuyển viện thì khoa, phòng và lãnh đạo bệnh viện phải hội chẩn, vào sổ… nhưng tôi không nhận được thông tin nào. Vì vậy tôi khẳng định không có việc như gia đình phản ánh” - ông Tâm nói.
Ông Tâm nói tiếp: “Ngày 8-3, tôi gặp cháu Vi ở hành lang và đang đi bộ. Tôi nhắc bệnh nhân nên ngồi xe lăn về phòng để nghỉ. Đến hôm sau mẹ cháu Vi hỏi tôi về bác sĩ Lam (phó giám đốc bệnh viện) thì tôi nói bác sĩ đang đi học. Tuy nhiên vẫn có thể thăm khám được, mẹ cháu rất mừng và sau đó tôi có nhắc bác sĩ Lam”.
Cũng theo ông Tâm, sáng 17-3, khi biết anh Long (bố cháu Vi) từ TP.HCM về, bệnh viện có đến thăm hỏi và có hỏi cháu Trang (chị Vi) sao đưa lên Facebook thông tin giám đốc bệnh viện không cho chuyển viện? Cháu Trang nói mình không đưa, không nói gì về việc này.
Ông Tâm khẳng định thêm: ”Quan điểm của tôi khi bệnh nhân không tín nhiệm, tôi đều giải quyết cho đi”.
16g20. Trả lời câu hỏi báo Tuổi Trẻ về kết quả việc lãnh đạo sở Y tế gặp cháu Vi và gia đình, ông Doãn Hữu Long nói cuộc gặp đã được gia đình rất thông cảm và ghi nhận cách ứng xử của sở Y tế Đắk Lắk.
Ông Long cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hứa sẽ miễn phí toàn bộ kinh phí điều trị cho cháu Vi. Bộ trưởng cũng chỉ đạo hỗ trợ toàn bộ kinh phí lắp chân giả và phục hồi chức năng cho cháu. Nếu cháu có nguyện vọng thì ngành y tế sẽ tạo điều kiện để cháu theo học tại một cơ sở y khoa phù hợp và tạo điều kiện về việc làm cho cháu Vi sau này.
Xin lỗi gia đình em Vi
16g15. Theo thông cáo báo chí của Sở Y tế, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên - trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ Sở Y tế Đắk Lắk thay mặt lãnh đạo sở báo cáo diễn biến liên quan đến sự việc của em Vi,
Lời mở đầu, ông Huyên thay mặt lãnh đạo Sở và Bệnh viện huyện Cư Kuin xin lỗi bệnh nhân Vi và gia đình vì sai sót nghiệp vụ này.
Theo ông Huyên, lúc 12g5 ngày 6-3, Vi được chuyển vào Bệnh viện huyện Cư Kuin do bị gãy chân sau tai nạn giao thông. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán gãy vỡ mâm chày xương cẳng chân, được bó bột và được chỉ định mổ kết hợp xương vào ngày 8-3.
“Tại phòng mổ, bác sĩ phát hiện xương cẳng chân của bệnh nhân bị chèn ép khoang nên không tiến hành mổ và tiếp tục điều trị. Đến ngày 11-3, tình hình bệnh nhân nặng lên nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk và được chẩn đoán gãy kín mâm chày xương cẳng chân phải, chèn ép khoang, rối loạn cảm giác vận động nên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây Vi đã bị cưa chân từ đầu gối do đã bị hoại tử” - ông Huyên thông tin thêm.
Cũng tại cuộc họp báo, Sở y tế cũng thông tin đã lập đoàn thanh tra về quá trình tiếp nhận, điều trị của Bệnh viện huyện Cư Kuin đối với Vi. Sở cũng đã tạm đình chỉ công tác bốn lãnh đạo, bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực dẫn đến sai sót đau lòng này.
“Hiện lãnh đạo sở, lãnh đạo bệnh viện đã xuống thăm, động viên và xin lỗi cháu Vi và gia đình tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là sai sót chuyên môn không mong muốn, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk bày tỏ lời xin lỗi đến bệnh nhân Vi và gia đình” - ông Huyên nói.
16g. Buổi họp báo bắt đầu, ông Doãn Hữu Long - giám đốc sở Y tế Đắk Lắk và ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin chủ trì.
Buổi họp báo cũng có mặt lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng nhiều cơ quan báo chí thường trú tại Tây nguyên.
Bác sĩ Doãn Hữu Long, giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trả lời tại buổi họp báo - Ảnh: Tiến Thành |
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin trình bày vụ việc tại buổi họp báo - Ảnh: Tiến Thành |
Lúc 15g, ông Doãn Hữu Long - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk thông báo Sở sẽ thông tin đầy đủ sự việc đau lòng này. Lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin sẽ trả lời chất vấn các cơ quan báo chí xung quanh việc tiếp nhận, bó bột dẫn đến chân cháu Vi bị hoại tử và những bước khắc phục ban đầu. Sáng 17-3, một phó giám đốc sở Y tế Đắk Lắk cũng xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để thăm hỏi, động viên Vi và gia đình. Trước đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 6-3, sau khi tan học, Vi bị tai nạn giao thông và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày nên cho bó bột. Sau đó, Vi liên tục kêu đau nhưng các bác sĩ không đồng ý tháo bột kiểm tra. Tình hình bệnh nhân không tiến triển tốt sau đó. Đến ngày 10-3, khi phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo tháo bột ra thì chân Vi đã sưng to, gia đình xin chuyển viện nhưng không được đồng ý. Ngày 11-3, gia đình chuyển Vi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk thì được chẩn đoán đã bị hoại tử và chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin thừa nhận kíp trực bó bột cho Vi có sai sót, tắc trách trong chuyên môn dẫn đến hậu quả nghiệm trọng. Vì sự cố này, Sở Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo Bệnh viện Cư Kuin tổ chức thăm hỏi, động viên, xin lỗi và hỗ trợ ban đầu cho gia đình Vi. Bệnh viện này cũng hứa sẽ lo cho tương lai sau nay của em. Hiện bệnh viện cũng đã quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn bốn lãnh đạo, cán bộ liên quan đến sự việc này để phục vụ điều tra. Bốn người bị đình chỉ công tác gồm: ông Trịnh Đức Lam - phó Giám đốc, kiêm trưởng khoa ngoại, bác sĩ điều trị Y Tâm và hai điều dưỡng Lê Thị Long và Vũ Thị Kim Len (đều thuộc khoa ngoại). Liên quan sự việc, một lãnh đạo công an huyện Cư Kuin xác nhận có biết thông tin qua báo chí, mạng xã hội nhưng đến nay chưa nhận được đơn yêu cầu giải quyết của gia đình nạn nhân. Việc tắc trách của bệnh viện chỉ mới phản ánh qua báo chí nên chưa thể kết luận có hay không dấu hiệu hình sự. Chỉ khi điều tra mới có kết luận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận