05/07/2015 10:17 GMT+7

Bộ tứ vàng của điền kinh Việt Nam

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - SEA Games 28 đã đi qua nhưng câu chuyện về bốn cô gái xinh xắn Oanh - Lan - Thúy - Huyền giành HCV và phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 24 năm ở nội dung 4 x 400m của điền kinh vẫn khiến nhiều người xúc động. Không chỉ vậy, bộ tứ này hi vọng sẽ có mặt tại Olympic 2016.

Xinh xắn là món quà mà cha mẹ đã ban tặng cho cả Oanh, Lan, Huyền, Thúy. Thế nhưng để có thể mang về thành tích ấn tượng nói trên, các cô đã phải hi sinh nhan sắc, khổ luyện khi mới là những cô bé 10 tuổi.

“Hoa hậu” chạy rất giỏi

Tổ tiếp sức 4x400m gồm bốn VĐV đến từ các địa phương khác nhau: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội), Quách Thị Lan (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Huyền (Nam Định). Trong bốn VĐV, Oanh trẻ nhất ở tuổi 19 và cũng ít nổi tiếng như các đàn chị. Nhìn Oanh, không ai nghĩ cô lại là VĐV bởi Oanh sở hữu khuôn mặt xinh như hoa hậu với má lúm đồng tiền và chiều cao 1,7m của một người mẫu.

Sinh ra và lớn lên tại quận Hà Đông (Hà Nội), ngoài làm nông, bố mẹ Oanh làm thêm nghề bán rau ở chợ Đồng Mai, quận Hà Đông nên từ nhỏ cô đã quen với việc đồng áng, rảnh rỗi lại ra chợ phụ mẹ. 10 tuổi, Oanh bắt đầu tập điền kinh ở Hà Đông, sau đó được HLV Nguyễn Trọng Hổ phát hiện và đào tạo từ đó đến nay. Tuy chỉ mới 19 tuổi nhưng Oanh từng ba lần tham dự SEA Games. Ngoài HCV đạt được tại SEA Games 28, Oanh còn đoạt 1 HCB ở SEA Games 27 và 1 HCĐ ở SEA Games 26.

Không chỉ được mệnh danh là hoa hậu của đội tuyển điền kinh VN, Nguyễn Thị Oanh được HLV Nguyễn Trọng Hổ đánh giá là có xuất phát tốt và tốc độ lý tưởng của một VĐV chạy ngắn. Vì vậy, tại SEA Games 28 cô đã được lựa chọn là người chạy đầu tiên trong nhóm tiếp sức 4x400m để tạo lợi thế so với các đối thủ.

Nói về cảm giác khi thi đấu tại SEA Games 28, Oanh kể: “Trước SEA Games, tôi bị chấn thương và chỉ đạt được phong độ tốt trước đại hội khoảng một tháng. Khi được ban huấn luyện giao sẽ là người chạy đầu tiên, tôi hồi hộp và lo lắng vô cùng vì biết mình phải gánh trọng trách quan trọng. Tôi đã xuất phát tốt và cầm gậy thật chắc để làm sao nhanh nhất đưa cho chị Thúy. Rất may tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và góp phần vào chiếc HCV của cả đội. Khi chị Huyền về đến đích, chúng tôi đã chạy ra ôm nhau khóc vì sung sướng. Mơ ước lớn nhất của tôi lúc này là được cùng đồng đội đến Olympic Brazil 2016”.

Với thời gian 3 phút 31 giây 46, tổ tiếp sức 4x400m đã phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 24 năm qua ở nội dung này. Kỷ lục trước đó là 3 phút 35 giây 53 do các VĐV Thái Lan lập tại SEA Games 1991 diễn ra ở Manila (Philippines).

Tặng tivi cho mẹ, xe máy cho bố

Đầu năm 2015, một số tờ báo đã đưa tin VĐV Nguyễn Thị Thúy của tổ tiếp sức 4x400m không được triệu tập lên đội tuyển điền kinh quốc gia dù năm 2014 cô từng sang Mỹ tập huấn cùng đội để chuẩn bị cho Asiad. Điều này khiến cô gái đến từ huyện Phúc Thọ (Hà Nội) rơi vào tâm trạng buồn chán. Rất may hai tháng trước khi SEA Games 28 diễn ra, HLV Nguyễn Trọng Hổ đã quyết định bổ sung Thúy vào đội tuyển để tham dự nội dung tiếp sức 4x400m vì VĐV được chọn trước đó không có phong độ tốt bằng cô.

Được gọi bổ sung, Thúy mừng rơi nước mắt và lao vào tập luyện như điên để chứng tỏ với ban huấn luyện việc chọn cô là hoàn toàn chính xác. Ngày 11-6, khi Thúy cùng các đồng đội giành HCV tại SEA Games 28, cô đã khóc như mưa vì những điều không may giờ đã không còn bám riết lấy cô nữa. Không chỉ Thúy khóc, cha mẹ cô xem trực tiếp Thúy và các đồng đội thi trên truyền hình không khỏi rớt nước mắt về đứa con gái từng suýt mất vé đến SEA Games. “Dân làng tôi hôm đó rất nhiều người xem tivi để cổ vũ cho tôi. Khi biết tôi giành HCV, ở xã Tích Giang không biết có bao nhiêu người đã đến nhà chúc mừng bố mẹ tôi. Được biết với HCV này, ngoài tiền thưởng của Nhà nước, tôi còn được các nhà tài trợ thưởng một tivi và một xe máy. Tôi đã hứa sẽ mang chiếc tivi này tặng mẹ và xe máy dành tặng bố để tỏ lòng biết ơn sự hi sinh của cha mẹ đã dành cho tôi” - Thúy chia sẻ.

Không chỉ Thúy chịu áp lực lớn, Nguyễn Thị Huyền còn gánh trên vai cả gia đình nhỏ khi cô giờ là lao động chính nuôi sống cả nhà. Mất bố từ nhỏ, mẹ già yếu chỉ có nghề làm nông, chị gái lại bị bệnh thần kinh nên Huyền là chỗ dựa cho cả mẹ và chị. Không chỉ quen với việc cấy gặt của nhà nông, vì không có người đàn ông trong gia đình nên Huyền bảo cô còn kiêm luôn cả việc sửa chữa máy móc, sửa điện khi hỏng hóc. Trước SEA Games 28 Huyền bị viêm dạ dày cấp phải nhập viện. Sát ngày lên đường sang Singapore, cô lại bị viêm họng, ho dai dẳng không dứt khiến ban huấn luyện lo lắng vô cùng. Không có cách nào, HLV Vũ Ngọc Lợi (HLV của Huyền) cho biết anh đã đánh liều cho Huyền truyền dịch dù đôi lúc phòng y tế không chỉ định.

HLV Vũ Ngọc Lợi nói: “Với chế độ dinh dưỡng ở VN, VĐV chỉ có ăn no chứ không thể đủ chất như nước ngoài được. Gần đến ngày đi SEA Games, vì sợ Huyền không đủ sức nên đôi lúc tôi đánh liều tự truyền dịch cho Huyền. Đến Singapore, dù Huyền ho suốt nhưng tôi không dám cho Huyền ngậm hay uống thuốc vì sợ dính doping. Thế nên có bao nhiêu sức Huyền bung ra hết khi thi đấu. Thành tích em mang về cùng đồng đội thật sự là món quà vô giá dành tặng đất nước và gia đình”.

Sắp xếp người hợp lý

Bốn VĐV đến từ ba địa phương khác nhau, mỗi VĐV lại do một HLV dẫn dắt và thậm chí VĐV Quách Thị Lan lại tập ở Mỹ nên không thể kết nối với ba VĐV còn lại. Phải đến khi sang Singapore, ban huấn luyện mới có đủ quân số để tập phối hợp cho cả nhóm. Và ban huấn luyện đội tuyển điền kinh đã có cách sắp xếp và bố trí chiến thuật khoa học, tính toán kỹ lưỡng để giành thành tích.

Ông Nguyễn Trọng Hổ - HLV trưởng đội tuyển điền kinh VN tại SEA Games 28 và hiện là vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT - chia sẻ: “Tiếp sức 4x400m không khó như 4x100m vì tốc độ không nhanh bằng, việc trao gậy vì thế thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên cái khó là chúng tôi phải chọn VĐV có tố chất phù hợp để sắp xếp thứ tự chạy. Oanh được giao nhiệm vụ chạy đầu tiên vì có tốc độ và xuất phát cực tốt. Khi Oanh đã dẫn đầu tạo được lợi thế, do có kinh nghiệm trận mạc, Thúy sẽ là người chạy thứ hai. Người chạy thứ ba là Lan, tuy cô hơi đuối hơn một chút nhưng bù lại có sức bền hơn các VĐV còn lại. Và cuối cùng người chạy thứ tư là người có khả năng nước rút tốt nhất (người có thành tích chạy 100m xuất sắc nhất trong nhóm). Khả năng nước rút tuyệt vời đã giúp Huyền được chọn chạy cuối và cô đã bỏ xa các đối thủ trước khi về đến đích”.

Theo ông Hổ, cả bốn VĐV tổ 4x400m đều có chiều cao, cân nặng tương đối tốt nên rất phù hợp với điền kinh. Các VĐV có chiều cao tốt thì có lợi thế sải chân dài, tuy nhiên khi chọn người vào tập điền kinh các HLV còn đặc biệt chú ý đến cấu trúc sợi cơ, tuần hoàn hô hấp của mỗi người. Với hai VĐV có cùng các chỉ số cân nặng, sức bền, sức bật, tuần hoàn... VĐV nào cao hơn người đó sẽ có lợi thế.

Đã 12 năm kể từ khi bộ tứ Tĩnh - Hương - Nụ - Hạnh giành HCV 4x400m SEA Games 2003 tại Hà Nội, các VĐV Oanh - Thúy - Lan - Huyền mới có thể tái lập thành tích giành HCV 4x400m cho điền kinh VN bằng cuộc lật đổ các VĐV Thái Lan cùng với kỷ lục SEA Games được phá sâu.

[box]Nuôi hi vọng đến Olympic 2016

Ông Dương Đức Thủy - trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT - cho biết 16 đội có thành tích xuất sắc nhất thế giới ở nội dung 4x400m sẽ có mặt tại Olympic Brazil 2016. Trong danh sách này có tám đội hạt giống gần như đã chắc suất là các đội từng giành HCV Olympic, HCV giải vô địch thế giới... Do đó, đội 4x400m của VN sẽ phải tranh tám vị trí còn lại cùng với rất nhiều đội tuyển hùng mạnh của các châu lục.

Trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) ngày 4-7, tổ tiếp sức 4x400m của VN đang đứng thứ 32 thế giới, đứng đầu danh sách này là đội điền kinh Mỹ, Jamaica, Nga. Tuy nhiên đây không phải là danh sách cuối cùng đến Olympic 2016 bởi từ nay đến tháng 6-2016 còn rất nhiều giải điền kinh trên khắp thế giới được diễn ra để các đội tuyển thi đấu giành chuẩn. Trong khi đó rất nhiều đội tuyển trong danh sách 32 đội đứng đầu này sẽ không thể tham dự Olympic dù thành tích cao, bởi mỗi quốc gia chỉ có một đội tuyển được quyền dự Olympic. Nói vậy bởi trong danh sách 31 đội xếp trên đội 4x400m VN, có 14 đội đến từ Mỹ và các trường đại học của Mỹ.

Ông Trần Đức Phấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết ngoài việc đầu tư cho các nội dung cá nhân của Quách Thị Lan (phấn đấu đạt chuẩn), Nguyễn Thị Huyền (đã đạt chuẩn cá nhân), Tổng cục TDTT vẫn đầu tư cho đội tiếp sức 4x400m với hi vọng đạt chuẩn đến Olympic 2016.[/box]

 

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên