10/05/2014 01:01 GMT+7

Bộ Tư pháp cần có quy định cụ thể

Luật gia NGUYỄN THANH XUÂN
Luật gia NGUYỄN THANH XUÂN

TT - Chuyện công dân có nhiều giấy khai sinh như anh Lương Đình S. (Tuổi Trẻ ngày 13-4) không phải là chuyện hiếm.

Khai sinh con tôi bị ghi “quá hạn”Sẽ không còn giấy khai sinh, sổ hộ khẩuKhổ vì có hai... giấy khai sinh

Việc người khác đứng ra đăng ký khai sinh giùm cha mẹ đứa trẻ rất phổ biến, dẫn tới nhiều rắc rối sau này, trong khi đó những quy định pháp lý vẫn còn bỏ ngỏ.

Ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có trường hợp ông bà ngoại, ông bà nội đi đăng ký khai sinh cho cháu lại lấy tên mình làm cha, mẹ. Những trường hợp chú, bác đứng tên thì còn nhiều hơn. Sở dĩ những vụ đăng ký khai sinh thay khá nhiều là vì trong thời gian trước đây thủ tục đăng ký khai sinh chưa được chặt chẽ, người đăng ký khai sinh chưa hiểu được những hệ quả pháp lý cũng như giá trị của giấy khai sinh.

Hiện tại chưa có quy định pháp lý cụ thể giải quyết trường hợp công dân có hai giấy khai sinh và hướng xử lý giấy khai sinh trong đó người khác đứng tên cha, mẹ ruột, do đó mỗi địa phương có cách xử lý khác nhau.

Nơi thì hướng dẫn người có nhu cầu đưa vụ việc ra tòa án, đề nghị xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; nơi yêu cầu cha, mẹ ruột làm thủ tục cha, mẹ nhận con sau đó cải chính; lại có nơi đề nghị phải có kết quả giám định ADN để xác định mối quan hệ cha, mẹ, con ruột; cũng có nơi xác minh sự việc xem giấy khai sinh nào đúng thực tế và đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy giấy khai sinh đăng ký sai quy định và công nhận giấy khai sinh đã đăng ký đúng quy định.

Theo tôi, việc giám định ADN là giải pháp tối ưu để xác định quan hệ ruột thịt, đồng thời xác định giá trị pháp lý, tính chân thật của giấy khai sinh.

Tuy nhiên hiện tại giá thành giám định ADN quá cao (lệ phí 3 triệu đồng/mẫu, 2 triệu đồng từ mẫu thứ ba trở đi) nên nhiều người không thể thực hiện.

Các giải pháp xử lý khác chỉ mang tính tạm thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng lại tiềm ẩn rủi ro tranh chấp. Chẳng hạn nếu xác định không đúng mối quan hệ cha, mẹ, con ruột sẽ xảy ra tranh chấp thừa kế sau này, và hậu quả là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bồi thường thiệt hại nếu xác định sai mối quan hệ nêu trên.

Thiết nghĩ Bộ Tư pháp, cơ quan có thẩm quyền, cần xem xét ban hành quy định cụ thể việc xác định quan hệ cha, mẹ, con để cơ quan hộ tịch thực hiện đúng quy định và đảm bảo an toàn pháp lý.

Luật gia NGUYỄN THANH XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên