Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đừng đổ lỗi hoàn toàn cho thủy điện
TTO - Sáng 18-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời 14 lượt chất vấn, tuy nhiên những câu trả lời của Bộ trưởng vẫn làm nhiều đại biểu chưa đồng tình, vì vậy có 5 đại biểu phải chất vấn đến lần thứ hai mới “thông” với những giải trình của bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các ĐB - Ảnh: Đình Nam |
Nội dung chất vấn xoay quanh chức năng quản lý của Bộ Công thương về bốn nhóm vấn đề chính: bảo hộ phát triển hàng sản phẩm nội địa, khuyến khích sử dụng hàng trong nước; công tác xúc tiến thương mại, điều hành xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm, nhất là lúa gạo; trách nhiệm quản lý của Bộ về sản xuất, nhập khẩu hàng gian, hàng giả hàng kém chất lượng và việc quản lý các dự án phát triển thủy điện.
Không có dự án thủy điện nào không nằm trong qui hoạch
Về vấn đề thủy điện, ĐB Võ Minh Thức (Phú Yên) nêu ra ba câu hỏi: “Vừa qua các dự án thủy điện chúng ta làm vội vã, chưa đánh giá được ảnh hưởng của nó. Tại sao các công ty lại quan tâm đến việc làm thủy điện như vậy, phải chăng vì lợi nhuận cao hay vì đây là nhóm công trình được ưu tiên đầu tư của nhà nước và chính phủ?
Bộ trưởng có cho kiểm tra và khuyến cáo các địa phương rà soát lại các công trình thủy điện, dừng phê duyệt các công trình mới hay không?
Về qui trình vận hành thủy điện, Bộ trưởng có giải pháp gì để đảm bảo tích nước và chống lũ, điều tiết lũ vì thực tế trận lũ vừa qua ở Phú Yên lượng mưa đo được chỉ 330mm, nhưng để đảm bảo thủy điện sông Ba Hạ không bị vỡ chúng ta đã xả mức cao nhất là 11.450m3/s, gây lụt TP Tuy Hòa và các vùng phụ cận. So với trận lụt năm 1993 thì lượng mưa đo được đến 1.300mm, gấp bốn lần năm nay mới ngập lụt, câu hỏi đặt ra là có ảnh hưởng không”.
ĐB Võ Minh Thức (Phú Yên) - Ảnh: Đình Nam |
Cuối cùng ông Thức kiến nghị, sớm đầu tư thêm các điểm quan trắc các vùng thượng lưu và vùng thượng nguồn, chứ thực chất vừa qua điểm quan trắc rất ít nên khi lũ xảy ra đã không có dự báo kịp thời dẫn đến lũ về đột ngột khiến thiệt hại nhiều, chết hàng trăm người rất thương tâm.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng khẳng định công trình thủy điện của chúng ta đều triển khai trên cơ sở qui hoạch đã được duyệt. Còn với các địa phương có nhà máy qui mô dưới 30 Kw thì do địa phương tự phê duyệt, hoặc lấy ý kiến thỏa thuận để Bộ Công thương duyệt. Như vậy thủy điện nào cũng có sự tham gia của địa phương, không có dự án nào không nằm trong qui hoạch.
Hiện cả nước có 800 dự án thủy điện, riêng miền trung có 300 dự án, một số chưa được triển khai. Việc làm thủy điện cũng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm vì hầu hết đều đặt ở vùng sâu vùng xa, chứ không phải dễ dàng gì. Việc lũ lụt đừng đổ lỗi hoàn toàn cho thủy điện. Việc này Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã trả lời rồi. Bộ trưởng nói việc phát triển thủy điện ở miền trung hầu hết được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nông dân chịu thiệt vì giá thu mua lúa thực tế thấp hơn giá sàn
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), đưa ra một thực tế: “Năm 2009, chính phủ công bố mức giá sàn thu mua lúa là 3.800đ/kg, nhưng trên thực tế có những địa phương, thương lái thu mua của nông dân với giá chỉ bằng 53% mứa giá sàn. Mức chênh lệch giá bán lúa giữa các địa phương trong cùng thời điểm cũng lớn, ví dụ tại Sóc Trăng nông dân chỉ bán được với giá trung bình khoảng 2.012 đ/kg nhưng tại Kiên Giang là 3.900 đồng. Vì sao có tình trạng này, khi định ra mức giá sàn Bộ có nghiên cứu giá thực tế ở các địa phương và lường trước thực trạng này?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rằng khi định ra mức giá sàn là có căn cứ vào tình hình thực tế từ các năm 2007 và 2008. Qua thông tin thu thập được thì chi phí sản xuất ở các địa phương dao động từ 2.012 đồng đến 3.019 đg/kg, vì vậy mới định mức giá sàn thu mua khoảng 3.800 đồng. Ở giá đó, nông dân có lãi khoảng 30%.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc thu mua lúa vẫn chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua trực tiếp mà phải qua thương lái nên vẫn xảy ra tình trạng ép giá. Do chúng ta định ra mức thu mua giá sàn cho lúa, nhưng hiện các DN xuất khẩu gạo nên vẫn có tình trạng thương lái, thương nghiệp thu mua lúa rồi xay ra gạo bán cho DN xuất khẩu.
DN chưa tham gia nhiều vào việc trực tiếp thu mua lúa nên phải qua trung gian. Tuy nhiên vẫn có một số địa phương, nông dân bán được lúa cao hơn mức giá sàn, điển hình như tại Kiên Giang có thời điểm nông dân bán được 3.900 đg/kg. Để giải quyết tình trạng này, tới đây Bộ sẽ đẩy mạnh vai trò của các tổng công ty xuất khẩu lương thực nhà nước, thúc đẩy các đơn vị này tham gia trực tiếp vào việc thu mua lúa của dân.
Chưa đồng tình với trả lời này, ĐB Nguyễn Thị Khá nói: “Chúng ta không phủ nhận vai trò của thương lái, nhưng nếu nói như Bộ trưởng thì chẳng lẽ giá cả phụ thuộc vào “lòng tốt” của thương lái hay sao? Nếu họ tốt họ mua giá cao, không thì mua giá thấp, vậy vai trò của nhà nước đâu?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: việc tham gia của thương lái cũng có mặt tích cực của nó chứ không hoàn toàn tiêu cực. Để giải quyết tình trạng này, phải đẩy mạnh vai trò của các công ty nhà nước trong việc thu mua, việc này phải làm từng bước và có căn cơ mới được. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo bằng mọi giá phải giúp nông dân sản xuất lúa thu lãi ổn định mức 30%, vì vậy Bộ Công thương đang xây dựng quỹ bình ổn giá lúa gạo. Quỹ này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các DN xuất khẩu thu mua lúa gạo khi có biến động.
ĐB Danh Út (Sóc Trăng), nêu thực trạng là tình hình xuất khẩu gạo năm sau luôn tăng hơn năm trước nhưng vì sao giá không tăng? Liệu có phải do nước ta có quá nhiều DN xuất khẩu gạo nên cạnh tranh nhau làm giảm giá để xuất khẩu, khiến giá cả biến động lớn? Ông Danh Út lấy ví dụ: “Thái Lan chỉ có mười DN xuất khẩu gạo cho nên giá cả của họ thu mua lúc nào cũng ổn định, cũng thống nhất”.
ĐB Danh Út (Sóc Trăng) - Ảnh: Đình Nam |
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: Hiện chúng ta có 250 DN xuất khẩu gạo nhưng thực chất chỉ có 11 DN xuất khẩu chính. Việc có nhiều DN xuất gạo cũng có mặt tích cực là đa dạng hóa các phương thức mua bán nhưng cũng có mặt tiêu cực là có DN không có nơi lưu trữ, không đủ điều kiện, tranh mua tranh bán. Với tinh thần này, sắp tới chúng tôi sẽ thắt chặt hơn hoạt động xuất khẩu gạo. Biện pháp là phải xem xuất khẩu lúa gạo là một ngành kinh doanh có điều kiện, DN nào tham gia vào hoạt động này phải đáp ứng các tiêu chí do nhà nước đặt ra, trong đó ưu tiên điều kiện thu mua lúa phải theo mức giá sàn do chinh phủ qui định, đảm bảo lợi ích của người nông dân.
Có hay không sự can thiệp của Bộ Công thương để “giúp” các DN hưởng lợi trong xuất khẩu gạo, làm điêu đứng nông dân? Về vấn đề này, ĐB Lê Thanh Liêm (Long An), chất vấn: Vừa qua Bộ quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo vì lúc đó giá gạo xuất khẩu thấp, nếu DN xuất khẩu thì lỗ nặng, viện lý do này các DN ngừng mua lúa của dân, lập tức giá lúa rớt thê thảm, nông dân làm ra hạt lúa không bán được. Sau đó, khi giá gạo thế giới tăng thì các DN này xuất khẩu và thu lãi lớn. Chỉ một động thái này của Bộ đã khiến nông dân thê thảm còn DN xuất khẩu thì được lợi.
Ông Vũ Huy Hoàng giải thích: Việc tạm dừng xuất khẩu gạo là do năm 2008 nước ta mất mùa, cùng lúc đó vụ đông xuân miền bắc rơi vào đợt rét đậm nên khả năng dự báo được mùa hay mất mùa rất khó. Chính phủ buộc tạm dừng ký mới các hợp đồng xuất gạo cho các nước, vì vậy để bảo đảm lương thực nếu xảy ra tình trạng mất mùa chúng ta mới dừng xuất khẩu gạo. Việc dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực chứ không vì lý do gì khác.
Đẩy mạnh kiểm soát hàng gian hàng giả, thúc đẩy bình ổn giá
Cũng trong phiên chất vấn này, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đặc biệt là thịt bẩn, thuốc trừ sâu, giá sữa, giá xăng dầu…
ĐB Lê Thanh Liêm (Long An), bức xúc: Năm nào vào vụ mùa, nông dân cũng lo sợ tình trạng mua nhầm thuốc trừ sâu, phân bón giả. Hiện tượng này xảy ra nhiều trong thời gian dài nhưng vì lý do gì đến bây giờ bộ mới soạn thảo nghị định về xử phạt.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm: Soạn thảo quy chế chậm như vậy trước hết là trách nhiệm của chúng tôi, tuy nhiên để soạn thảo phải căn cứ nhiều yếu tố như phải lập quy chuẩn về phân, thuốc và phải có sự phối hợp nhiều Bộ, nhiều ngành mới thống nhất đưa ra quy chế, hành vi chế tài cụ thể. Xin hứa thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp các bộ ngành hoàn thiện nhanh Nghị Định xử phạt lĩnh vực này.
Không đồng tình với cách trả lời này, ĐB Chu Hải Sơn (Hà Nội), truy: “Đề nghị Bộ trưởng nói rõ là bao giờ mới xong, cho thời gian cụ thể chứ không nói chung chung như vậy”. Bộ trưởng Hoàng quả quyết: “Quý 2-2010 chúng tôi sẽ hoàn thiện nghị định này”.
ĐB Danh Út (Kiên Giang), chất vấn rằng thịt bẩn nhập tràn lan không chỉ bán trong các chợ mà qua kiểm tra còn thấy bán trong siêu thị, trung tâm thương mại. Vậy trách nhiệm của Bộ Công thương về quản lý ra sao, làm sao chấm dứt tình trạng này?
Bộ trưởng trả lời: “Theo cam kết khi gia nhập WTO thì thịt không cần có giấy phép nhập khẩu mà chúng ta quản lý qua hải quan, qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này Bộ Công thương không cấp giấy phép, càng không cấp giấy nhập thịt bẩn. Tuy nhiên có thể thịt nhập lậu nhập qua biên giới vì chúng ta có đường biên giới dài. Vừa qua Bộ cũng đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra nhất là ở các cửa khẩu”.
Giá sữa và xăng dầu là hai mặt hàng được các đại biểu "ưu ái” chất vấn khá nhiều. ĐB Chu Hải Sơn hỏi: “Sữa là mặt hàng thiết yếu nhưng hiện nay người dân lại mua với giá cao. Bộ trưởng nhận xét gì về việc này?”. Trả lời chất vấn này, bộ trưởng nói rằng khi có thông tin về giá sữa cao, bộ đã giao cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thu thập thông tin và báo cáo lại thì nhận thấy giá bán sữa của chúng ta không phải là cao nhất.
Ông Sơn nói: “Tôi chỉ đặt vấn đề là giá sữa có cao hơn trong khu vực hay không chứ không hỏi có phải là cao nhất?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định giá sữa cũng không cao so với khu vực. Việc tăng giá sữa là có hiện tượng người bán lợi dụng thời điểm khan hiếm để làm giá, bộ sẽ có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện xử lý những trường hợp này".
Về giá xăng, các đại biểu cho rằng khi giá thế giới tăng thì lập tức các DN tăng giá còn khi giảm thì các DN lại giảm từ từ. Vậy trách nhiệm của Bộ Công thương như thế nào? Ông Vũ Huy Hoàng giải thích: giá xăng dầu trong thời gian vừa qua có nhiều biến động lớn, chính phủ có yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Tài chính nghiên cứu nghị định về tăng giá.
Trước đây Nghị định 55, có qui định chỉ có DN nhà nước được hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, nay Nghị định 84 cho phép các thành phần kinh tế khác được kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu nhằm tránh độc quyền, đầu cơ. Bên cạnh đó chính phủ cũng thành lập quỹ bình ổn giá, nếu có biến động lớn thì DN sẽ được hỗ trợ từ quỹ này. Nếu giá xăng dầu thế giới 7% thì DN được dùng quỹ bình ổn giá để hạn chế tăng giá. Khi nào tăng từ 12% trở lên, nhà nước sẽ quyết định tăng giá. Tối thiểu giữa lần tăng giá thứ nhất và thứ hai là mười ngày, tối đa giảm giá là cũng trong mười ngày.
Về việc phát triển sản phẩm nội địa và kuyến khích sử dụng hàng nội địa, các đại biểu cho rằng không thể nói suông. Các giải pháp hiện này chủ yếu nặng về tuyên truyền, giáo dục, với nhiều hội thảo, triển lãm mang tính hình thức. Điều chủ yếu là phải tập trung nâng cao sản phẩm trong nước cùng chủng loại, đầu tư làm giảm giá thành cạnh tranh sản phẩm nước ngoài cùng loại. Phải đẩy mạnh các giải pháp để cạnh tranh ngay tại “sân nhà” chứ không chỉ cạnh tranh với thị trường bên ngoài.
MINH LUẬN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận