Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời phiên chất vấn. Ảnh chụp lại từ màn hình |
Nông dân bỏ hành tây ngay trên ruộng - Ảnh: Mai Vinh |
Phiên trả lời chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã không nóng như dự kiến khi các câu trả lời của vị tổng tư lệnh ngành nông nghiệp bị đánh giá là còn quá chung chung, chưa đưa ra được giải pháp đột biến cho thực trạng ngành hiện nay.
Trong đó, với vấn đề nóng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thì Bộ trưởng Phát cho rằng tình hình tiêu thụ nông sản không kém sáng sủa như các đại biểu lo ngại.
Người dân vận chuyển dưa thải bị loại về trong nước - Ảnh: QUANG THẾ |
Tuy nhiên, lo lắng của người dân về năm mặt hàng đang xuống thấp, đầu ra kém như gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Ngoài ra, một số mặt hàng ùn ứ do khả năng thông quan không thông suốt, mất thị phần xuất khẩu vẫn là vấn đề cần bàn kỹ giải pháp.
Xe tải xếp kín khu vực cửa khẩu Tân Thanh để chờ được xuất hàng - Ảnh: QUANG THẾ
Cũng trong sáng nay, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia giải trình thêm về nội dung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Theo bộ trưởng Dũng trong thời gian qua, việc hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn không ngừng tăng lên. Tốc độ chi cho nông nghiệp, nông thôn cao hơn mặt bằng chung cả nước, đạt 20,1%/năm trong khi tăng chi cho ngân sách nhà nước 16,4%/năm.
Tỷ lệ chi cho nông nghiệp nông thôn trong tổng chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên 41,8%, gấp 3 lần so với 2008.
Các chính sách tài chính cho nông nghiệp và nông thôn được ban hành rất nhiều vừa hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp, chính sách thuế.
Bộ trưởng cho rằng trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc hỗ trợ đầu tư cho nông thôn như vừa qua là thỏa đáng.
Việt Nam có buông ngành chăn nuôi?
Tiếp tục trả lời phần chất vấn còn dang dở trong buổi sáng, trong đó có vấn đề mà đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đặt ra là liệu VN có buông ngành chăn nuôi, cũng như thị trường Việt Nam "sẽ chỉ tiêu thụ gạo Thái Lan"?, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định "không thể có việc buông ngành chăn nuôi vì đó là nguồn thu nhập quan trọng của người dân".
"Tôi hứa phải làm mọi cách để nâng cao khả năng cạnh tranh và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ sẽ làm vệc với các doanh nghiệp để làm rõ những khó khăn trong thời gian từ 2-6 tháng/lần trong thời gian tới", ông Phát cam kết.
Với vấn đề liệu gạo Thái có vào VN, ông Phát cũng cho hay trong thời gian tới bộ sẽ tập trung vào những giống gạo đáp ứng theo nhu cầu và thị hiếu của người Việt.
"Tôi hay nói với các đồng chí trong ngành là ở nhà các đồng chí ăn gạo mười mấy ngàn đồng/kg, vậy sao lại sản xuất ra gạo có 10.000 đồng/kg? Phải đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, sau đó mới hướng đến xuất khẩu và xuất khẩu phải là loại gạo có giá trị cao. Và tôi xin khẳng định hiện nay bộ đang chuyển động theo hướng này", ông Phát nhấn mạnh.
Phân bón giả vẫn là..."hết sức nhức nhối"
Về câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cung làm sao có nông sản sạch trong điều kiện sản xuất nhỏ, Bộ trưởng nói “Chúng tôi coi đây là trọng tâm toàn ngành, và làm hết sức quyết liệt. Năm 2014 và 5 tháng đầu năm Bộ ban hành 36 thông tư, 9 tiêu chuẩn, 1 chỉ thị… để tạo khung pháp lý thực hiện”.
Thực tế, theo bộ trưởng, nông sản nông dân tự sản xuất cho chính mình thì đảm bảo nhưng nông sản dùng để lưu hành trên thị trường thì chưa. Chẳng hạn đối với thịt, đã phát hiện 6,8% dư lượng chất cấm, thủy sản 1,24%, còn rau 5,24%.
“Nói toàn bộ rau hoa quả chúng ta không an toàn là không đúng. Bộ luôn giám sát tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và với cá nhân tôi, quan trọng nhất là sự an toàn và sự sống của người tiêu dùng VN” - bộ trưởng Phát nói.
Bộ trưởng cũng đưa ra một số biện pháp để người dân có thể sử dụng rau sạch như : phổ biến kỹ thuật trồng đúng cách cho người dân, phát triển chuỗi, liên kết các nhà sản xuất liên thành phố,... phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Liên quan đến hiện tượng phân bón, vật tư nông nghiệp giả, bộ trưởng Phát thừa nhận "là hết sức nhức nhối". Bộ trưởng thông tin từ năm 2014 cho đến nay, Bộ đã điều chỉnh theo hướng siết chặt hơn. Ước có khoảng 48.000 doanh nghệp sản xuất kinh doanh vật tư trong ngành này, và đánh giá xếp hạng theo mức A,B,C, "trong đó nhóm C có giải pháp kiểm tra thường xuyên".
Quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông-lâm-diêm-ngư dân, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ. "Phải đảm bảo có lợi cho ngành nông nghiệp lẫn người nông dân. Và bộ trưởng hứa thì phải làm", ông nhấn mạnh.
Đánh giá khá cao phần giải trình của bộ trưởng Cao Đức Phát, chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng phát triển nông dân, nông thôn. "Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong lịch sử lẫn hiện tại và tương lai. Nông nghiệp giữ ổn định cho nền kinh tế và người dân", chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hơn 60 lượt câu hỏi của 38 đại biểu đặt ra "đánh trúng vấn đề tồn tại phát triển nông nghiệp", đồng thời thể hiện "lo lắng nhất của Quốc hội là sức cạnh tranh của các loại sản phẩm , khả năng hội nhập quốc tế, thị trường trong nước và ngoài nước. Bà con cũng lo lắng giá thành, giá cả và đời sống của người dân".
Dù đánh giá khá cao các câu trả lời của bộ trưởng Phát, chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu "ngành nông nghiệp không chỉ có quyết tâm mà phải có biện pháp quyết liệt để thực hiện giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công".
Theo chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, để tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp,việc thực hiện không chỉ từ trồng trọt, chăn nuôi, chương trình đánh bắt xa bờ mà còn phải tính đến những sản phẩm lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi... để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc tái cơ cấu nông nghiệp cũng phải tính đến gắn với thương hiệu mạnh, thị trường tiêu thụ nông nghiệp, kèm theo các phân tích dự báo, lên kế hoạch, chỉ đạo tổ chức sản xuất.
"Tái cơ cấu cũng phải tính đến khâu giống, sản xuất, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Tái cơ cấu cũng phải giải quyết những vấn đề tiêu cực như thiên tai, hàng giả…Và bộ trưởng đã hứa hết năm nay tất cả các địa phương sẽ có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, cũng như rà soát lại để có những giải pháp cần thiết để phát huy cơ chế liên kết bốn nhà đã xây dựng hơn 10 năm nay, nhưng chưa hiệu quả", chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở.
Tiếp theo sau bộ trưởng Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người kế tiếp trả lời phấn chất vấn của các đại biểu quốc hội.
Mở màn phần đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ huy Hoàng cho biết kỳ họp Quốc hội khóa 8 bộ nhận được 21 chất vấn của 19 đại biểu. Các kiến nghị đã được bộ cơ bản tập trung giải quyết và thực hiện.
Trong kỳ chất vấn này, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời về những vấn đề quan trọng như phát triển thị trường trong nước trong bối cảnh nhu cầu hội nhập rất lớn. Vấn đề nghiên cứu, xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, trách nhiệm quản lý nhà nước trong các vấn đề liên quan đến điện năng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận