11/06/2015 09:05 GMT+7

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời, nhiều đại biểu vẫn hỏi lại

TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH
TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH

TTO -  Ít nhất 3 đại biểu đã hỏi lại Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vì cho rằng chưa nhận được câu trả lời - khi trước đó ông cho rằng mình đã trả lời hết các câu hỏi của đại biểu rồi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Ảnh chụp màn hình

​Sáng nay 11-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.. 

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tập trung trả lời vào các vấn đề về nông thôn mới, giải pháp đầu ra ổn định các loại nông nghiệp, liên kết “bốn nhà” trong việc phát triển bền vững loại cây công nghiệp và các sản phẩm có liên quan, khả năng hỗ trợ khai thác nguồn lợi thủy hải sản, nhất là bảo vệ phát triển ngư trường trong tình hình phức tạp hiện nay. Tổng cộng đã có 26 câu hỏi của 14 đại biểu quốc hội gởi đến chất vấn vị bộ trưởng.   

Khắc phục hạn hán nghiêm trọng ở Ninh Thuận?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay ngoài việc phải ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện trước mắt đang tạm thời có ba giải pháp.

Thứ nhất, xây dựng các hồ có lượng chứa nước lớn và điều tiết được trong nhiều năm. Hiện nay Ủy ban thường vụ quốc hội đã thông qua ngân sách 1.500 tỉ đồng cho dự án này, cũng như dành 300 tỉ đồng cho việc xây dựng đập.

Thứ 2, phải khôi phục trồng rừng. Vì  có thể có hồ nhưng hồ không có nước nếu không có rừng.

Thứ 3, phải điều chỉnh lại cây trồng và các giải pháp cây trồng. Ninh Thuận phải đi vào những cây cần ít nước, có kỹ thuật tiến bộ. Không nên chỉ trồng cây lương thực, mà cần tập trung trồng loại cây phục vụ cho chăn nuôi. 

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Cà Mau) về vấn đề liên kết "bốn nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) chưa phát huy được tác dụng, tình trạng "được mùa mất giá" ngày một lan rộng ở nhiều sản phẩm nông sản, ông Phát tỏ ra rất lúng túng, thậm chí "ngắc ngứ" nhiều lần cho phần trả lời của mình. 

Bộ trưởng Phát cho rằng nền nông nghiệp trong nước đang thực hiện theo  cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường và phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới. 

"Mà thị trường thế giới thì luôn có sự thay đổi. Chúng ta không thể kỳ vọng luôn có một thị trường ổn định về giá, với mức giá thu mua cao mãi được. Nên cần tìm cách thích ứng với thị trường", ông Phát phân trần.

Ông Phát khẳng định: "Hơn 20 năm qua nông nghiệp nước ta liên tục phát triển với cách tiếp cận nói trên. Và trước diễn biến mới, Việt Nam hội nhập sâu sắc hơn thị trường quốc tế, chúng ta vẫn theo cách tiếp cận này". Nhưng ông Phát cũng thừa nhận cần tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt là thị trường có những biến động bất lợi. Một mặt giúp doanh nghiệp tiêu thụ nông sản một cách thuận lợi, mặt khác giúp bà con nông dân duy trì mức giá không giảm quá sâu.

Xuất khẩu gạo thấp cấp, nhập gạo chất lượng cao, trách nhiệm thuộc về ai?

Đại biểu Lê Công Định (Long An) đặt vấn đề xuất khẩu hiện nay chủ yếu là xuất gạo thấp cấp, trung bình. Trong khi nhu cầu nhập khẩu lại muốn nhập loại gạo chất lượng cao. "Để xảy ra tình trạng này trong một thời gian rất dài, trách nhiệm này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì để người nông dân làm giàu được từ nghề trồng lúa?".

Ông Phát thông tin trong năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo jasmine trên tổng sản lượng sản xuất 6,5 triệu tấn. Năm tháng đầu năm 2015, cũng đã xuất được trên 500.000 tấn, nên "tương lai chúng ta sẽ nâng được sản lượng xuất khẩu các loại cao cấp, đang từng bước chiếm lĩnh thị trường". 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu vấn đề đang “nóng” hiện nay là tình trạng ngư dân ra khơi thiếu vốn, trước khi ra khơi thì nợ tiền dầu, nước đá, phải phụ thuộc vào thương lái, cuối cùng lại bị ép giá, bán rẻ, đầu ra không có. Trách nhiệm của bộ trưởng ở đâu trong vấn đề này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận “Chúng tôi cũng nhìn thấy vấn đề này”. Ông cho hay, nghị định 67 mà Thủ tướng Chính phủ ban hành đã có một phần chính sách hỗ trợ ngư dân. Trong đó ngư dân được vay vốn để ra khơi sản xuất, không phụ thuộc vốn tạm ứng khi ra khơi từ thương lái để tránh bị ép giá. Tới nay nhiều ngư dân được vay vốn, thống kê ban đầu 23 tỷ đồng và sẽ tiếp tục chủ trương này.

“Nhưng đây chỉ là một giải pháp vấn đề tổ chức lại sản xuất hình thành những hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua sản phẩm”, ông Phát lưu ý. 

Nêu ra thực trạng khó khăn của nông dân hiện nay là “trồng gì cũng sợ, nuôi con gì cũng ngại” vì không bán được hàng,  đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề với Bộ trưởng: “Nói gì cho bà con yên tâm sản xuất khi người nông dân trồng lúa rất tốt nhưng lại bán giá thấp, trồng khoai lang thì không nơi tiêu thụ, nuôi con cá, con tôm xuất khẩu được chưa hết mừng thì gặp phải chống bán phá giá?”

Chủ trương "liên kết bốn nhà" có hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) hỏi thẳng chủ trương "liên kết bốn nhà” đã đưa ra hơn 10 năm nay, nhưng hiệu quả không cao, thậm chí có ý kiến chuyên gia còn cho rằng chương trình này hoàn toàn bị phá sản và “bộ trưởng có thấy mình cần có trách nhiệm trong vấn đề này không”?

Ngần ngừ một chút, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói tình hình không kém sáng sủa như đại biểu nêu. “Trước kỳ họp quốc hội, tôi có liên hệ với giám đốc các Sở Nông nghiệp ở Đồng bắng sông Cửu Long, họ nói lúa hè thu năm nay được mùa, trái cây cũng được mùa, được giá. Ngay cả trái cam, trái chanh cũng được mùa, giá tốt. Riêng giá gạo, bình quân bà con thu hoạch được 6 tấn/ha, cao hơn năm ngoái là 5 tấn/ha. Tuy nhiên, giá bán có thấp hơn vì thị trường đang trong xu hướng giá thấp”, Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng thừa nhận "Những sản phẩm nông sản khác, mối liên kết cũng khá lỏng lẻo” và cần bình tĩnh xử lý. Ví dụ với giá dưa hấu thấp, một phần cũng do vấn đề thông quan gặp trục trặc, hay hành tím Sóc Trăng rớt giá là do 70% hành xuất sang Indonesia và từ cuối năm 2014 Indonesia có chủ trương không nhập hành nữa nên mới xảy ra tình trạng ứ đọng. 

Trả lời về vấn đề ai nên là "nhạc trưởng" trong vấn đề "liên kết bốn nhà", ông Phát cho rằng "đó chính là doanh nghiệp". 

Lý do liên kết chưa thành công, ông Phát lý giải vì doanh nghiệp tham gia nông nghiệp chưa nhiều, số doanh nghiệp có năng lực vốn, công nghệ cũng hạn chế. Thứ đến, trong bối cảnh nông thôn hiện nay, quy mô tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp rất khó khăn khi liên kết với hàng chục nghìn hộ nông dân.

Theo Bộ trường, để thúc đẩy "liên kết bốn nhà", cần phải có sự tham gia quy hoạch của địa phương, tuy nhiên đến nay chưa đến 10 tỉnh thành làm được điều này. Ngoài việc tuyên truyền vận động, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, liên kết với nông dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận chưa quyết liệt

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng giống và vấn đề tổ chức sản xuất là hai khâu yếu nhất trong chuỗi tổ chức sản xuất nông nghiệp. “Vấn đề này xảy ra này từ rất lâu và đến nay vẫn chưa được cải thiện. Bộ trưởng có thấy mình có trách nhiệm trong vấn đề này? Và trách nhiệm đó tới đâu”, bà Tâm nêu câu hỏi. 

Trả lời lại chất vấn của đại biểu đến từ TP.HCM, Bộ trưởng Phát cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian dài vừa qua, Bộ NN&PTNT luôn chú trọng giống các lại cây trồng vật nuôi để trình độ giống của VN ngang bằng với các nước, cũng như phát triển những giống đặc thù Việt Nam có thế mạnh như giống cao sau, cà phê, hồ tiêu, hạt điều…, với năng suất có những loại gấp 2-4 lần bình quân thế giới. 

Việc nhiều con/loại giống chưa chủ động được, "trách nhiệm của bộ trưởng ở đây là định hướng chỉ đạo chưa quyết liệt mạnh mẽ theo sự chuyển biến của thế giới" - ông Phát thừa nhận. 

Ông Phát cũng cho rằng, muốn vượt qua vấn đề này thì cần..."phải quyết tâm nhiều", chủ yếu  tổ chức sản xuất lại, kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp mạnh tham gia. 

Bộ trưởng Phát: nguyên nhân của mọi nguyên nhân hạn hán là El Nino

Không thừa nhận việc đốt phá rừng, hay thực trạng thủy điện xây dựng quá mức cho phép khiến hạn hán xảy ra trên diện rộng, đưa đến hậu quả vô cùng khốc liệt mà khu vực Tây Nguyên, miền Trung đang gánh chịu như đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu nhưng bộ trưởng Phát cũng thừa nhận “có hơn hơn 10.000 hecta không thể gieo cấy ở Tây Nguyên”.

Ông Phát tiếp tục nhấn mạnh nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do…“El Nino”. Theo ông Phát, cần lường tình huống còn xấu hơn, nhưng về lâu dài thì lại “cần đầu tư nhiều hơn hồ chứa nước”, cũng như “xây dựng hồ chứa và bảo vệ rừng phải đi đôi và phát triển với nhau” vì “hồ thủy điện cũng là hồ chứa nước”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng đặt câu hỏi về giải pháp đột phá thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và ông cho rằng chưa được bộ trưởng trả lời. Cũng theo đại biểu này, những câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chung chung quá và đề nghị vị trưởng ngành cần trả lời rõ các vấn đề trước Quốc hội.

Trồng mắc ca được, nhưng vấn đề là bán được không?

Liên quan đến thực trạng trồng ồ ạt cây mắc ca trong thời gian qua, ông Phát cho hay không phải chỉ có Việt Nam mà "nhiều quốc gia cũng đang ồ ạt trồng, do giá mắc ca trên thị trường thế giới  cao, khoảng 6 USD/kg cả vỏ". 

Tuy nhiên, hiện tốc độ nhu cầu của thế giới về sản phẩm này chỉ tăng 8%/năm, trong khi mức cung thì tăng 10%/năm, nên vấn đề chính ở đây "không phải là trồng được mà là bán có được không", ông Phát nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Phát, sau khi làm việc với các chuyên gia nước ngoài, "Việt Nam chỉ cần tập trung trồng từ 10.000-15.000 ha là đủ, trồng hàng trăm ngàn hecta để làm gì". 

Ông Phát cũng khuyến cáo chỉ nên trồng mắc ca ở nơi đã được trồng thử và chỉ trồng trong 10 giống mà bộ đã khảo nghiệm, "và phải trồng đúng kỹ thuật" - ông Phát nhấn mạnh. 

Vị Bộ trưởng cũng cho hay bộ đã có hướng dẫn cụ thể về chương trình trồng mắc ca, "theo tôi, đến năm 2020, Việt Nam chỉ cần trồng khoảng 10.000 ha, hoặc hơn một chút là được", ông Phát nói. 

Giải quyết vấn đề nông nghiệp là đảm bảo lợi ích của 70% đồng bào

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sự lựa chọn 4 chủ đề để chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong kỳ họp này là rất đúng với thực tế hiện nay.

Quốc hội tập trung vào công nghiệp, nông nghiệp là 2 vấn đề cơ bản của nền kinh tế; Khoa học, Giáo dục là 2 vấn đề quốc sách để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là những vấn đề chiến lược, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân không có mục đích gì khác là nhằm bảo đảm lợi ích của trên 70% đồng bào. Giải quyết được vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vấn đề công nghiệp cho nông thôn là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, qua đó thu nhập của người dân lợi hơn, đời sống nâng cao hơn.

Ông đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi thì đi thẳng vào vấn đề, ngắn, gọn, rõ.

Ông cũng đề nghị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời thẳng vào vấn đề, đưa ra được kiến giải, giải pháp thiết thực, hiệu quả, nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp, thời gian thực hiện, và có như vậy Quốc hội mới ban hành được nghị quyết về chất vấn bảo đảm chất lượng.

Hỗ trợ nông dân cái gì ?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng: làm gì để ổn định đầu ra cho nông nghiệp? 

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chung chung:  sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; duy trì, giúp đỡ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh để nông sản giảm giá quá sâu, thua lỗ.

Thực hiện các biện pháp giảm thiểu khó khăn như hỗ trợ nông dân vay vốn, tập trung phát triển khâu chế biến, bảo quản.

V.H.

 

TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên