Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đi khảo sát thực tế tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đi chợ đầu mối Bình Điền lúc 3h sáng ngày 17-10, trực tiếp trao đổi với tiểu thương, sau đó làm việc với các doanh nghiệp, quản lý siêu thị ở TP.HCM sau vụ thực phẩm giả VietGap vào siêu thị mà báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài vừa qua gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ.
Vấn đề thực phẩm giả VietGap vào siêu thị mà báo Tuổi Trẻ phản ánh không chỉ nằm trong phạm vi trách nhiệm của ngành nông nghiệp.
Vấn đề này liên quan nhiều ngành, nhiều cấp, có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, lực lượng thực thi, nhưng nổi lên vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu ngành.
Bộ trưởng vừa là chính khách, ra quyết sách, vừa là người quản lý ngành cấp cao ra các quyết định, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo hiệu quả thực thi của bộ máy thuộc ngành mình cùng với phối hợp liên ngành.
Bộ trưởng không phải là nhà quản lý trực tiếp như doanh nghiệp, nhưng để có quyết sách đúng, quản lý phù hợp, rất cần các "tư lệnh ngành" nắm bắt trung thực tình hình, không bị "độ trễ" và biến dạng thông tin của tầng tầng lớp lớp cấp quản lý.
Sau loạt bài của Tuổi Trẻ, ông Hoan đã tổ chức các cuộc họp với những chỉ đạo, và nay ông đi trực tiếp đến các chợ, siêu thị để có cơ sở thực tiễn ra quyết sách và quyết định quản lý sát hợp với thực tiễn.
Việc một "tư lệnh ngành" đi thực tế địa bàn không phải xưa nay hiếm. Nhiệm kỳ trước, các bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã từng "đi chợ" Đồng Xuân, Hà Nội để nắm bắt tình hình tiêu thụ nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến lớn.
Vì vậy để cuộc "đi chợ" của bộ trưởng lần này tạo ra những thay đổi mới, tôi nghĩ cần có thêm các bước cụ thể từ thực tế đến chính sách.
Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh, các siêu thị, nhà bán buôn, bán lẻ khi để xảy ra thực phẩm bẩn gây ngộ độc.
Tăng cường, chấn chỉnh, khắc phục hậu quả ngay sau khi có thiệt hại xảy ra là cần thiết, nhưng kiến tạo cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thực hiện nghiêm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra sai phạm còn quan trọng hơn nhiều. Không giải quyết vấn đề gốc rễ này thì việc tăng cường kiểm tra, xử phạt, xử lý các vụ thực phẩm bẩn cũng chỉ là "vuốt ở phần ngọn" mà thôi.
Thực tế đang đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải mạnh tay hơn nữa với các kiểu gây bẩn thực phẩm để trục lợi, làm tổn hại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Phải thiết lập một "hàng rào bảo vệ" thực phẩm sạch, an toàn từ đồng ruộng, đường đi của các loại nông sản đến thực phẩm trên bàn ăn người tiêu dùng.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã cung cấp các nền tảng công nghệ tốt hơn cho nhiều ứng dụng số liên quan thực phẩm. Cần sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các chợ, siêu thị.
Các chợ đầu mối, siêu thị là biểu hiện của thị trường nhưng cũng chỉ là phần ngọn, là cầu nối sản xuất với người tiêu dùng. Điều người dân cần là sự phát triển của các chuỗi giá trị nông sản vững mạnh. Nông dân, doanh nhân cần "cung hàng sỉ" ổn định lâu dài hơn là chính sách cấp "hàng lẻ" nhất thời.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là bộ đa ngành, lực lượng nông dân đông đảo, địa bàn nông thôn rộng lớn, nhiều lĩnh vực.
Dẫu biết những "đơn hàng" từ tam nông cần phải tiếp cận đa ngành, giải quyết liên ngành và sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhưng người nhận "đơn hàng trực tiếp" chắc chắn không ai khác hơn là bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vì vậy, không chỉ lần "đi chợ" này, thực tế đòi hỏi ông còn phải vất vả hơn với thực tế để có các quyết sách mạnh mẽ hơn nữa mới có thể chuyển biến được tình hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận