TTO - Seagames 26 đã gần kề, đây là thời gian các tuyển thủ ráo riết luyện tập với sự tập trung cao nhất. Có một sự kiện, nhỏ thôi, nhưng luôn khiến các VĐV chờ đợi - giống như chờ một món quà - đó là trang phục SEA Games năm nay.
Trong hành trang của mỗi cá nhân mang đến SEA Games, thứ luôn được nhắc nhở cẩn thận là đồng phục của đoàn: bộ thể thao và bộ vest mặc cho khai mạc. Nhưng kể từ sau SEA Games 1999, chuyện trang phục của đoàn Thể thao VN trong các kỳ đại hội trở thành vấn đề “khổ lắm, nói mãi”.
So với các quốc gia trong khu vực, màu sắc của trang phục vest trong lễ khai mạc của đoàn rất bắt mắt trên truyền hình. Bởi vậy có ai, trong đó có cả các quan chức, để ý đến chuyện các chủ nhân sẽ làm gì với “bộ cánh” sặc sỡ ấy sau đại hội? Nếu không phải trong những lễ tuyên dương thì tuyệt nhiên chẳng bao giờ người ta thấy bộ vest thắm màu trời xuất hiện trên đường phố.
Một điều nữa, tuy được người của nhà may đến tận nơi để đo, nhưng không hiểu sao chẳng mấy khi vừa. Chẳng nói đâu xa, Asiad 16 vừa qua, một nữ HLV Bắn súng “diện” chiếc quần “lửng” dự lễ xuất quân. Còn chị Hồng Hà (Karatedo) thì phản ứng rất nhanh, vừa lãnh đồ là mang ngay sang chị thợ may hàng xóm “nới tức tốc, kẻo có một tháng mà chị “lớn” nhanh quá! Áo lửng, quần chật không thể thở”…
Vì thế nên mới có chuyện có những cán bộ trong đoàn đi về rồi vẫn còn chờ sửa. VĐV thì “chặc lưỡi”: “Ôi dào, mình đâu phải quan chức, có rộng một tí quá vai, dài một chút quá mông thì đằng nào cũng chỉ mặc trong đoàn… Xấu chung, về nhà đâu có dám “diện” ra đường với ai”.
Nếu như đoàn các nước đồng phục chỉnh tề từ đôi tất (vớ) lên tới đầu, thì nhìn vào nhiều thành viên của ta tự nhận xét: "Đoàn Thể thao VN luộm thuộm nhất". Ngoài chiếc áo khoác, các thành viên Đoàn chẳng có gì là đồng phục. Nhưng ai cũng hiểu, chi phí cho một lần tham gia ấy quá tốn kém thì có đồng phục mặc như vậy đã là may lắm rồi.
Đó là bộ vest, còn nói về bộ đồ thể thao, trong các đoàn có lẽ chỉ mình “người nhà ta” là được phát duy nhất một bộ, tuy không đẹp, nhưng cũng còn may vì đó là tài trợ truyền thống từ công ty Động Lực. Trong tình hình đó, có người mượn được người ở nhà thì còn đỡ, nếu không thì phải chịu “ở bẩn” đến hết Đại hội. Chỉ khổ những người phải thi đấu ngoài trời, như các HLV xe đạp, sáng đi tập mắc mưa, quần áo toàn sình đất, về tới làng VĐV, ăn vội bữa trưa, giũ giũ quần áo rồi lại khoác vào chạy tiếp cho kịp buổi tập chiều.
Mai ư? Muốn sạch thì mặc đồ ướt! Cũng vì chuyện này, một lần một chuyên gia Karatedo Nhật Bản ngạc nhiên hỏi HLV Lê Công: “Sao chỉ có một bộ? Bạn tôi ở Thái Lan và Indonesia… đều có ít nhất hai bộ để thay đổi?”
Là VĐV ai cũng mang tâm lý tự hào khi khoác lên mình chiếc áo đặc trưng của Thể thao Việt Nam, đó là hình ảnh đất nước trên đấu trường quốc tế. Và rồi trở về, khi ra đường, mọi người nhìn vào: “Đấy, gần nhà mình cũng có một VĐV đội tuyển quốc gia!”… Bố mẹ hân hoan, làng xóm cũng tự hào. Những bộ quần áo lụng thụng chỉ mặc một lần vào dịp SEA Games hay các Đại hội là điều chúng tôi cảm thấy quá phí phạm. Sau hành trình Asiad 16, tủ áo của mỗi thành viên đoàn thể thao lại có thêm một kỉ niệm theo đúng nghĩa, đó là bộ vest màu đỏ!
Nghe nói năm nay bộ vest của đoàn Thể thao sẽ được một hãng thời trang nổi tiếng tài trợ may và thiết kế. Mong rằng, SEA Games 26 này, các tuyển thủ sẽ có một bộ đồ xứng đáng với tầm vóc một ngày hội lớn nhất trong khu vực, và khi khoác lên người, VĐV của chúng ta cảm nhận được trọn vẹn niềm tự hào là thành viên đội tuyển Việt Nam.
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận