Người Việt chưa có thói quen đi bộ như ở nhiều nước trên thế giới. Trong ảnh: Đi bộ tại Seoul, Hàn Quốc (trái) và thói quen dùng xe cá nhân tại TP.HCM, Việt Nam - Ảnh: T.T.D.
Làm gì để từ bỏ thói quen "một bước lên xe", dành không gian nhiều hơn cho giao thông công cộng?
Tuổi Trẻ đặt câu hỏi này đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân.
"Đi bộ 1km đón xe buýt là bình thường"
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, khoa kinh tế vận tải Trường đại học Giao thông vận tải, nhận định thói quen "một bước lên xe" của người Việt đã hình thành từ lâu do tính cơ động, tiện lợi của xe máy (không phải chờ đợi, điều khiển dễ dàng, thuận tiện đi lại từ đường lớn đến hẻm nhỏ).
* Dự kiến tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ vận hành trong năm nay, còn tại TP.HCM tuyến metro đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2020. Theo ông, làm sao để người dân bỏ dần thói quen "một bước lên xe máy" để tiếp cận phương tiện hiện đại có sức chuyên chở lớn này?
- Giải pháp vẫn là phát triển hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt đủ mạnh, phủ kín. Bởi hệ thống xe buýt ở các đô thị trên thế giới là phương tiện có sức chuyên chở lớn không chỉ kết nối các khu dân cư - thương mại, vui chơi... mà còn là phương tiện kết nối các loại hình giao thông giữa đường bộ - đường sắt - đường hàng không - metro...
Vì vậy cần tính toán, phát triển luồng tuyến xe buýt hợp lý, đặc biệt là kết nối xe buýt với metro.
Tất nhiên khoảng cách để người dân tiếp cận xe buýt, nhà ga metro phải hợp lý, làm sao tạo ra không gian cho người đi bộ nhiều hơn. Để tạo được không gian cho người đi bộ phải thực hiện mạnh giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
Không chỉ riêng ở TP.HCM mà Hà Nội... tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn khá phổ biến đến nỗi có những nơi không còn chỗ cho người đi bộ. Chỉ khi tạo ra không gian thoáng, an toàn để đi bộ chắc chắn sẽ kích thích nhu cầu đi bộ của người dân.
* Có ý kiến cho rằng TP.HCM dự tính đưa xe buýt chạy trong hẻm, điều này liệu có góp phần tạo ra thói quen mới "một bước lên buýt" như "một bước lên xe máy"?
- Không phủ nhận nỗ lực của ngành giao thông TP.HCM muốn tạo ra "loại hình" mới, giúp người dân tiếp cận phương tiện công cộng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên đặc thù TP.HCM cũng như Hà Nội có nhiều ngõ, hẻm rất nhỏ nên dù muốn cũng không thể nào tạo ra được môi trường "một bước lên buýt". Bên cạnh đó, mục tiêu đề án để người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500m theo tôi là khó khả thi và không cần thiết.
Theo tôi, khoảng cách hợp lý để người dân có thể tiếp cận phương tiện công cộng tối thiểu phải là 1km. Đây cũng là giải pháp tạo điều kiện để người dân đi bộ được nhiều hơn. Ở rất nhiều nước trên thế giới, việc đi bộ từ 1km trở lên để tiếp cận phương tiện công cộng là bình thường.
Người Việt Nam khi ra nước ngoài sinh sống, làm việc hay đi công tác cũng vậy thôi. Bản thân tôi khi đến sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) phải đi bộ vài kilômet để tiếp cận được nhà ga thấy bình thường.
Cần làm sao để người dân được hiểu rằng việc đi bộ nhiều hơn, ít tham gia phương tiện cá nhân hơn không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà quan trọng hơn còn giảm chi phí đầu tư của xã hội, giảm ách tắc giao thông, từ đó tạo ra môi trường sống tốt hơn và chính người dân được hưởng lợi.
Xe buýt lưu thông giữa dòng xe máy đông đúc tại vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Đông
Hạn chế bãi giữ xe
* Đã có nhiều chủ trương khuyến khích người dân đi bộ nhưng dường như vẫn chưa đủ để từ bỏ thói quen "một bước lên xe máy", theo ông, cần có thêm biện pháp?
- Để từ bỏ thói quen "một bước lên xe" đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, ngoài việc phát triển giao thông công cộng đồng bộ, tạo ra môi trường đi bộ nhiều hơn, cần thay đổi quan điểm phát triển hạ tầng chạy theo nhu cầu, thay vào đó triển khai các biện pháp hành chính và kinh tế để kiểm soát các phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy nhằm tác động đến hành vi đi lại của người dân ở đô thị.
Cụ thể, cần mạnh dạn mở rộng hạn chế xe máy đi vào một số tuyến đường, khu vực vào một số giờ nhất định; không khuyến khích cấp phép các bãi giữ xe máy, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đậu, dừng xe dưới lòng lề đường sai quy định.
Về giải pháp kinh tế, tiến hành đồng thời nhiều giải pháp như tăng thu phí dừng, đậu xe; tăng phí giữ xe; thậm chí thu phí vào giờ cao điểm ở một số khu vực...
Hàng loạt giải pháp trên sẽ khiến việc sử dụng xe máy không còn tiện lợi nữa vì chi phí cao vừa bị hạn chế, trong khi môi trường để đi bộ tốt hơn lên, giao thông công cộng tốt hơn lên chắc chắn người dân lúc này sẽ có sự lựa chọn thích hợp cho mình.
Người dân Singapore đi bộ ở khu Raffles Place - Ảnh: LÊ NAM
KTS Nguyễn Ngọc Dũng (TP.HCM):
Không quyết liệt, có lúc hết đường để đi
Có những thứ chúng ta có thể hài hòa được, nhưng có những thứ chúng ta phải chọn một, nhất quyết không thể chọn "nước đôi". Không thể hài hòa giữa xe cơ giới cá nhân và phương tiện công cộng, mà phải chọn lựa một loại hình.
Nếu cứ dằng dai, một lúc nào đó, TP.HCM hay Hà Nội sẽ không còn đường để đi.
Tuy nhiên, cần có lộ trình rõ ràng để người dân thấy rõ sự cần thiết của việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, từ đó bỏ dần thói quen sử dụng xe cơ giới cá nhân.
Cụ thể, cần luật hóa tiến trình chuyển đổi từ xe cá nhân qua xe công cộng. Khi thực hiện được 50% lộ trình phủ kín hệ thống giao thông công cộng cho các vùng kinh tế trọng điểm, sẽ bắt đầu hạn chế và đi đến cấm xe hai bánh chạy trên đường quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh và đường vành đai.
Thống kê tai nạn trên các tuyến đường này cực kỳ khiếp đảm, thảm khốc, cấm xe máy chạy trên những tuyến đường này, ngay tức khắc bộ mặt đường quốc lộ sẽ thay đổi, vấn nạn kẹt xe, tai nạn giao thông sẽ giảm.
Tiếp đó, từng bước đưa xe buýt công cộng vào từng khu vực, nối mạng toàn thành phố và các tỉnh trong các vùng kinh tế trọng điểm. Khi đó, chúng ta sẽ hạn chế xe cơ giới cá nhân tại từng khu vực cụ thể bằng nhiều cách.
Trong đó, có thể thu phí giữ xe cơ giới cá nhân giá cao theo giờ. Hoặc đấu giá quyền sử dụng xe cơ giới cá nhân như nhiều nước sử dụng… Đến thời điểm thích hợp không cần cấm người dân cũng sẽ lựa chọn đi xe công cộng cho đỡ tốn kém.
Bác sĩ Trần Đông A:
Người lớn chăm, người trẻ lười
Y học chứng cứ đã chứng minh được rằng có một vùng hạ đồi ở trên não bộ nếu không vận động cả thể lực lẫn trí tuệ, nó sẽ teo dần đi bất kể là ở tuổi nào, ngược lại vùng đó sẽ phát triển hoặc không thay đổi thể tích nếu như con người mỗi tuần vận động tối thiểu 150 phút.
Việc đi bộ không mất gì cả, mọi người ai cũng có thể thực hiện được. Hiện nay nhiều người lớn tuổi đang thực hiện việc luyện tập rất đều đặn tại các công viên, bờ kênh, trong khi nhiều người trẻ tuổi lại thường rất lười. Mà điều đó đưa đến nguy cơ cao những bệnh về đái tháo đường, huyết áp, xương khớp...
Ông Tô Xuân Thái (Q.Tân Phú, TP.HCM):
"Gieo" từ thế hệ này sang thế hệ khác
Hãy ra phố Tây (TP.HCM) xem người dân các nước đi du lịch mang vác cồng kềnh nhưng vẫn cứ phăng phăng cuốc bộ, còn chúng ta đi một đoạn đã thở hổn hển nên cứ lên xe rồ ga chạy vừa nhanh, vừa khỏe. Vậy ý thức "một bước lên xe" bắt nguồn từ đâu?
Tôi cho rằng nó bắt nguồn từ chính gia đình chúng ta và được "gieo" từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xe cộ trở thành vật bất ly thân khi rời khỏi nhà, nhà nào không có, coi chừng bị chê lạc hậu.
Và dần dần, con trẻ hình thành lối suy nghĩ "ra cổng có xe", đi đâu cứ "lên xe, bố đèo" cũng là chuyện bình thường thôi.
Thay vì tìm hướng tích cực để giải quyết bài toán giao thông vừa an toàn vừa có lợi cho sức khỏe, lại đang có chính sách mở tuyến xe chạy vào tận hẻm. Chính sách này không khéo tạo ra thói quen xấu: ra ngõ lên xe.
Lẽ ra, ngành giao thông nên ngồi lại bàn bạc tìm hiểu nguyên nhân vì sao xe buýt ngày càng ít người đi? Có phải do hạ tầng cơ sở giao thông quá chật chội, xe buýt trễ giờ và thái độ phục vụ đang có vấn đề...
Ông Trần Quang Lâm (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP):
Xe buýt vào hẻm để giảm đi bộ, bỏ xe máy
Hiện nay trên địa bàn TP, số lượng đường dưới 7m chiếm khoảng 60%. Ở những tuyến đường này xe buýt cỡ lớn chưa được phủ kín, người dân ở các hẻm nhỏ muốn ra các trạm xe buýt mất khoảng cách khá xa nên thường chọn phương tiện cá nhân là xe máy để di chuyển...
Vì vậy mục tiêu của xe buýt mini nhằm trung chuyển gom khách ở những tuyến hẻm nhỏ, đường nhỏ ra đường lớn để dễ tiếp cận xe buýt cỡ lớn.
Ý tưởng này nhằm rút ngắn bớt khoảng cách để người dân tiếp cận phương tiện công cộng, từ đó bỏ dần thói quen sử dụng xe máy chứ không hướng tới việc "xe buýt tới trước cửa từng nhà". Với đặc thù nhiều hẻm nhỏ, muốn làm chuyện đó cũng không được.
Chúng tôi cũng xác định chỉ làm thí điểm ở 1 - 2 quận gần trung tâm TP. Mỗi quận như vậy chỉ thực hiện ở 1 - 2 khu vực. Sau đó mới tiến hành tổng kết, đánh giá, xem xét đề xuất có triển khai nhân rộng hay không.
Phát triển loại hình này thu hút thêm vài phần trăm hành khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên, trẻ em tiếp cận thêm phương tiện công cộng là thành công lắm rồi...
Học như người Singapore: đi B-M-W
Hồi mới sang Singapore biết giá ôtô đắt gấp 1,5 - 2 lần ôtô ở Việt Nam đã khiếp mà lại nghe ông bạn bảo phần lớn dân Singapore đều đi B-M-W, tôi cứ tưởng là hiệu một hãng ôtô của Đức, hóa ra nó là cách nói vui viết tắt của chữ B: bus (xe buýt), M: metro (xe điện ngầm), W: walk (đi bộ).
Chúng tôi chưa quen đi bộ nhiều khi ở Việt Nam vì đi đâu cũng nhảy lên xe máy. Thói quen đó sang đây phải thay đổi vì dùng phương tiện công cộng di chuyển rất rẻ và tiện lợi.
Số liệu của Singapore cho biết đường bộ chiếm 12% tổng diện tích đất ở đảo quốc này nên chính phủ hạn chế tối đa các loại phương tiện cá nhân. Nhiều năm liền tổng lượng ôtô (buýt, tải, taxi, xe cá nhân…) chưa bao giờ vượt qua 1 triệu chiếc. Để dung hòa lợi ích và tạo điều kiện cho người dân di chuyển, Chính phủ Singapore đã tăng cường tối đa cho hệ thống giao thông công cộng.
Hệ thống này được tính toán, kết nối để người dân có thể dễ dàng sử dụng cho các nhu cầu di chuyển từ nhà ở đến trường học, nơi làm việc, chợ, siêu thị… Ở nhiều khu chung cư do chính phủ xây dựng, luôn có một đến vài trạm xe buýt cùng nhiều tuyến xe buýt chạy qua.
Nhà chờ xe buýt và hệ thống kết nối từ nhà người dân tiện đến mức hầu như mưa không chạm đến đầu nhờ các đường nối có mái che. Nếu phải đi bộ thì hai bên đường luôn có khoảng không và đường lót ximăng rộng chừng 2m. Các khu cao ốc văn phòng, siêu thị, trung tâm thương mại buộc phải tính toán đến khả năng kết nối ở đường đi dưới tầng hầm, cầu vượt… để đến các trạm xe buýt, trạm tàu điện ngầm.
Phần lớn đường ở Singapore một chiều nên di chuyển bằng xe buýt có vẻ mất nhiều thời gian hơn nên đa số người dân Singapore chọn việc di chuyển từ nhà bằng xe buýt đến trạm tàu điện ngầm rồi đi đến chỗ làm.
Chính vì vậy thời gian và quãng đường đi bộ mỗi ngày ít nhất phải vài kilômet. Thống kê của Cơ quan quản lý xe buýt Singapore cho biết năm 2016 có hơn 3,9 triệu lượt khách dùng xe buýt mỗi ngày và nhu cầu đang ngày càng tăng, khoảng 35% trong 5 năm.
Trung bình vào giờ cao điểm mất khoảng 6-8 phút là có một tuyến xe buýt đến trạm. Các phần mềm, ứng dụng miễn phí tính toán thời gian xe đến trạm, sơ đồ, chặng đường, kết nối với xe điện ngầm, lộ trình… xe buýt cũng hỗ trợ người dân sử dụng để di chuyển.
LÊ NAM (từ Singapore)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận