Nhưng cho rác vào thùng hay vào nơi quy định chỉ là một trong rất nhiều việc mà mỗi chúng ta cần phải làm nhằm giữ cho bản thân và những người xung quanh một cuộc sống vệ sinh. Tránh bi kịch đáng ngạc nhiên trong thế kỷ 21 là dân thành thị lại mắc bệnh tả vì môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng như vừa qua ở VN.
Phóng to |
Phơi bao nilông để tái chế tại ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM- Ảnh: T.T.D. |
Đã đến lúc chúng ta không nên suy nghĩ rằng “rác bị vứt đi” nữa, vì thực tế rác chỉ bị bỏ vào một chỗ cho khuất mắt mình thôi. Rác vẫn tồn tại ở đâu đó trên trái đất. Nó vẫn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển hay các khu vực không có hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân. Vì vậy, một trong những giải pháp ban đầu là chúng ta thải ít rác ra môi trường hơn.
Ngoài ra, sau nhiều dịp chứng kiến lối sống vì môi trường cộng đồng từ những việc làm rất nhỏ của người dân các nước, tôi nghĩ việc chúng ta có thể làm ngay được là phân loại rác trong mỗi hộ gia đình.
Có lẽ chúng ta chưa thể làm như các nước Tây Âu hay Nhật Bản là phân sáu loại rác khác nhau đựng vào sáu thùng khác nhau. Trong đó, loại rác từ những vỏ hộp thực phẩm được rửa sạch, lau khô, xếp gọn gàng và sử dụng lại phần lớn. Hay vỏ chai cho vào riêng, sách báo giấy tờ cho vào chỗ riêng...
Đòi hỏi này có thể chưa phù hợp với một quốc gia mà tìm thùng rác ở nơi công cộng không dễ như ở VN. Nhưng ở từng căn hộ, mỗi cá nhân, mỗi bà nội trợ có thể bắt đầu bằng việc có hai thùng đựng rác trong nhà. Một thùng rác - tạm gọi là thùng rác bẩn - để các thứ không thể dùng lại được như thực phẩm thừa, đồ dơ bẩn bỏ đi. Một thùng khác - gọi là thùng rác sạch - để bao nilông, vỏ hộp, vỏ chai... là những thứ có thể dùng lại hay người lượm rác có thể bán lại.
Phân loại rác như vậy, những người lượm rác sẽ không phải tốn nước, tốn công để giặt giũ, phơi phóng bao nilông nữa. Các đồ dùng lại được cũng sạch sẽ chứ không bị lẫn với các thứ dơ bẩn khác. Biết bao đồ đạc chúng ta bỏ đi nhưng sẽ rất cần cho người khác. Vậy tại sao lại phải vứt đồ còn dùng được lẫn vào bao nilông đựng rác bẩn để hỏng cả những đồ còn dùng được kia?
Ngoài ra, bao nilông là thứ gây hại biết bao nhiêu cho môi trường vì không thể tự phân hủy được trong thời gian tới 500 năm. Càng dùng ít bao nilông, chúng ta càng cứu môi trường sống của mình khỏi bị “tắc nghẹn” bao nilông.
Nhiều người vẫn cứ vin vào lý do đất nước còn nghèo, dân còn mải kiếm sống để biện minh cho lối sinh hoạt cộng đồng bừa bãi, dơ bẩn, không thèm quan tâm tới môi trường chung ra sao mà chỉ lo nhà mình sạch, còn rác vứt ra ngoài khu vực nhà mình. Thêm một thùng rác sạch trong gia đình và mỗi người đều có ý thức phân loại rác, chúng ta thật sự đã góp tay bảo vệ môi trường sống của bản thân mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận