Phóng to |
Đường vào bản Tây Hồ gập ghềnh, mờ bụi - Ảnh: Viễn Sự |
Nhưng con tàu ấy đã không về ga mà chở họ đến một tình cảnh oái oăm khi bản Tây Hồ nay không chợ, không trường học, không trạm y tế, không đất canh tác và mất tên trên bản đồ hành chính...
Từ TP Sơn La, chúng tôi ngược lên thượng nguồn sông Mã hơn 100km để về Tây Hồ. Con đường từ trung tâm huyện vào đến bản vẫn dày lau lách và ổ gà, ổ voi. Ngoài những mái nhà tre nứa lúp xúp, cả bản không có trường học, trạm y tế, không trụ sở bản. Cái nghèo vây bủa đến nỗi không thể tìm ra một quầy tạp hóa.
Dưới vách nhà trét đất đầu bản, ông Nguyễn Văn Toàn - 81 tuổi, một trong những người già thuộc thế hệ đầu lên đây khai khẩn - đón chúng tôi bằng giọng cười buồn: “Chỉ có rừng rú là thưa đi, còn tất cả vẫn như hồi đầu”.
Tàu không về ga
Gọi là bản nhưng cũng như ông Toàn, 37 hộ dân với gần 150 người dân Tây Hồ đều cùng quê quán Hưng Yên. Đầu những năm 1960, họ rời quê nhà theo “tiếng hát con tàu” như lời thơ của Chế Lan Viên - lên vùng thượng nguồn sông Mã vỡ hoang. Nhưng đã nửa thế kỷ, con tàu ấy vẫn chưa đưa họ về sân ga từng mơ tưởng.
Trên quãng đường gập ghềnh vào bản, ông Toàn nói vậy là đã dễ đi hơn rồi, lúc trước khi có người đau ốm, dân bản Tây Hồ chỉ có một cách là bơm ruột ôtô thành phao rồi thả theo sông Mã về huyện cấp cứu vì không xe nào có thể chạy được. Gửi lại vùng đất Sông Mã cả thời trai trẻ nhưng cho đến khi tay run, mắt mờ, ông Toàn vẫn còn lụi cụi sống trong nhà vách đất với 2.000m2 đất ven sông Mã nhưng phải chia nhỏ thành nhiều mảnh để con cháu ba thế hệ cùng sinh sống.
Cạnh nhà ông Toàn là nhà bà Bùi Vân, thuộc thế hệ thứ hai những người dân Hưng Yên lên Tây Hồ. Cha mẹ bà Vân đã mất, tài sản để lại cho bốn anh em bà chỉ là những căn nhà vách đất và không đủ đất canh tác. Chỉ về phía đỉnh đồi tre gai cao tít nơi có hai mái nhà vách đất thấp lè tè, bà Vân nói đó là nhà của hai đứa con gái, đang phải mượn đất dự án trồng rừng của Lâm trường Chiềng Khoong để trỉa bắp. Cái nghèo vì thế đã đến đời con bà Vân vẫn bế tắc.
Câu chuyện của gia đình ông Toàn, bà Vân cũng là chuyện chung của những thế hệ gia đình người miền xuôi lên Tây Hồ vỡ đất. Trưởng bản Phạm Văn Ve bảo rằng cả bản có 37 hộ nhưng chỉ có ba cái nhà xây. Còn đất canh tác, giữa vùng đồi bạt ngàn ven sông Mã nhưng gần 150 nhân khẩu ở Tây Hồ chỉ được sở hữu 6,8ha đất, vừa đủ để dựng nhà.
Cái nghèo vây bủa nên đi từ đầu bản đến cuối bản chỉ toàn nghe được chuyện buồn. Chuyện hay nghe nhất là đường khó đi quá nên mùa nhãn năm rồi sai quả nhưng chỉ bán được 1.000 đồng/kg, còn lại cứ để cho chim ăn. Có chuyện buồn được nghe lẫn từ một tin vui khi tận năm ngoái, bản Tây Hồ lần đầu có học trò đậu đại học sau nửa thế kỷ... Còn trưởng bản Phạm Văn Ve kể cả bản có đến 28 hộ nghèo. Nhưng “chín hộ còn lại cũng ở mức cận nghèo” - ông Ve cười buồn.
Bỏ rơi Tây Hồ?
Ngày về Tây Hồ, chúng tôi đã chứng kiến một điều lạ: đường điện trung thế vắt ngang qua bản từ lâu nhưng người dân Tây Hồ không có điện để dùng. Đến dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi hộ phải vay mượn hơn 4 triệu đồng để kéo ngược điện đã hạ thế với giá rất đắt từ một bản tái định cư cách đó 3km. Chuyện oái oăm ấy chỉ là một trong rất nhiều nỗi cơ cực mà suốt 40 năm qua người dân Tây Hồ phải gánh chịu.
Ông Đinh Công Mai, có gần 20 năm làm trưởng bản ở Tây Hồ, kể thời gian đầu khi lên khai khẩn, dù thiếu thốn đủ bề nhưng cuộc sống người dân dần ổn định vì đất đai bạt ngàn. Nhiều người nhanh chóng trỉa được nhiều lúa, bắp sau khi khai hoang. Đến năm 1973, khi Lâm trường Cánh Kiến Đỏ được thành lập thì tất cả đất đai khai hoang được chuyển sang trồng cánh kiến đỏ (một loại cây nuôi côn trùng để tiết nhựa làm thảo dược) thuộc quyền quản lý của lâm trường. Nhưng chỉ sau mười năm, thị trường Liên Xô không còn mặn mà với cánh kiến đỏ khiến lâm trường giải thể. Và đó là lúc con tàu chở những người dân Tây Hồ đi tìm vùng đất mới bắt đầu chệch hướng.
Lâm trường Cánh Kiến Đỏ giải thể nhưng người dân Tây Hồ không thể nhận lại đất đã khai hoang. Họ được tiếp tục “thu nạp” vào Lâm trường Chiềng Khoong cùng tất cả đất đai để trồng rừng. Còn diện tích đất canh tác lương thực lẫn cư trú của cả bản chỉ bó hẹp trong 6,8ha đất ven sông Mã.
Oái oăm là khi việc trồng rừng của lâm trường không hiệu quả, dân bản Tây Hồ vẫn không thể ra khỏi lâm trường. Không những đất canh tác mà đến cả hộ khẩu, chính quyền bản đều do lâm trường quản lý. Tất cả khúc mắc, gian nan của đời sống từ đó mang ra UBND từ xã đến huyện đều bị lắc đầu vì không có thẩm quyền giải quyết.
Dân tự bầu trưởng bản
Ông Bạc Cầm Khay, phó chủ tịch UBND xã Nà Nghịu, nói những nỗi cơ cực của bản Tây Hồ ông biết cả nhưng đành chịu. Vì từ trường học, trạm y tế, đường sá... xã đều không được cấp kinh phí để đầu tư cho dân bản Tây Hồ.
“Đến trưởng bản cũng do dân tự bầu, tự góp mỗi năm 50.000 đồng để trả lương, chứ xã cũng không được quản lý và có quyền trả lương” - ông Khay trần tình.
Còn việc gần 150 người dân bản này chỉ có 6,8ha đất để vừa ở vừa canh tác, ông Nguyễn Đình Ngưu - phó chủ tịch UBND huyện Sông Mã - thừa nhận số đất đó quá ít để người dân sản xuất.
“Nhưng huyện làm sao có quyền can thiệp với một vùng đất dù nằm trong địa giới nhưng không thuộc quyền quản lý của mình. Trước mắt bà con cứ phải mượn đất dự án trồng rừng 327 của Lâm trường Chiềng Khoong để canh tác. Vì chuyện cắt đất giao cho lâm trường đã thuộc về “vấn đề lịch sử” từ mấy chục năm trước, chúng tôi không làm gì hơn được” - ông Ngưu nói.
Mong con tàu không bị lãng quên Mong ước ấy là của ông Đặng Hữu Duyên - nguyên chánh văn phòng UBND huyện Sông Mã, người từng là đội trưởng đội may mặc cùng đi với những người đầu tiên lên Tây Hồ khai hoang vỡ đất vào năm 1962. Ông Duyên kể Tây Hồ là một trong những nơi xa xôi nhất mà đoàn người từ miền xuôi theo “tiếng hát con tàu” lên xây dựng miền núi. Bởi thế, những người đến nơi xa nhất này phải là những người hăng hái, quyết tâm nhất, được chọn sau một quá trình tuyển lựa. Để đến được bản Tây Hồ, từ Hưng Yên đoàn người khai hoang đã phải đi mất mười ngày, gồm bảy ngày đi xe theo nhiều chặng từ Hà Nội đến thị xã Sơn La, rồi lội bộ băng rừng, băng núi thêm ba ngày nữa mới tới Tây Hồ. Ông Duyên nói ngày ấy tất cả anh em từ miền xuôi cùng chia đều “miếng bánh” gian khổ. Và phần lớn nỗ lực đã được đền đáp, đúng như những câu thơ của Tiếng hát con tàu: “Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất/ Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân...”. Khi vùng đất Sông Mã nay trở nên đông đúc, đa số những gia đình người Hưng Yên lên khai khẩn đều đã có cuộc sống khấm khá. Bởi thế, nỗi cơ cực của riêng người dân ở Tây Hồ càng làm những người từng đồng cam cộng khổ với họ như ông Duyên đau đáu. “Mỗi tốp người chúng tôi ra đi từ miền xuôi như một con tàu. Và thật tiếc nếu có những con tàu bị lãng quên, không thể về ga...” - ông Duyên trầm tư. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận