18/07/2014 04:07 GMT+7

Bỏ phố thị về giúp quê hương

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Dù không phải VĐV điền kinh xuất sắc nhưng chàng trai 26 tuổi Ngô Văn Tuấn được nhiều người nể trọng, bởi những hi sinh trong việc “khai phá” phong trào thể thao người khuyết tật cho quê hương nghèo khó Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Tuấn bắt đầu câu chuyện đời mình từ cơn sốt bại liệt năm lên 3 tuổi, khiến anh lớn lên cùng ám ảnh tật nguyền bởi đôi chân teo tóp. Nhưng ở đời ông trời không lấy đi của ai mọi thứ. Như để bù đắp, ông trời ban cho Tuấn một nghị lực phi thường. Ngày qua ngày, anh chòi đẩy trên đôi nạng gỗ vượt con đường đất đỏ trơn trượt ra đường lớn, rồi ngoắc nhờ xe của bất cứ người bạn nào ngang qua để đến trường cách nhà hơn 15km. Vậy mà Tuấn vẫn bám trụ nghiệp sách đèn trong khi biết bao bạn bè lành lặn nhưng dần rơi rụng.

Học hết phổ thông, Tuấn một mình vào TP.HCM tìm cơ hội đổi đời trong sự lo lắng của gia đình. Do cảnh nhà túng thiếu (cha mẹ làm rẫy để nuôi năm con) nên dù thương Tuấn, họ cũng chỉ giúp được ít chi phí. Ban đầu, Tuấn học nghề điện tử tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM.

Để có tiền ăn học, Tuấn xoay đủ nghề: đánh máy thuê (tiền công 1.500 đồng/trang), dán quảng cáo... và sau đó là sửa chữa điện tử. Nhiều đêm, anh thức trắng cặm cụi với bàn phím để kiếm thêm khi vào mùa đóng học phí. Cũng trong thời gian này, theo lời rủ của những người bạn đồng cảnh ngộ, Tuấn tìm đến thể thao và trở thành VĐV môn đẩy tạ, ném lao và ném đĩa. Cứ 4g sáng mỗi ngày là anh đón xe buýt hơn 10km đến sân tập thể lực trước khi đi học, làm thêm... rồi chiều lại ra sân tập độ dẻo.

Không sống được bằng nghề sửa chữa điện tử, Tuấn ôn thi ngành dược sĩ trung cấp. Sau hai năm “bĩ cực”, ngày “thới lai” cũng đến, Tuấn ra trường với công việc bán thuốc có thu nhập ổn định. Ngoài ra, sau khi đoạt gần chục huy chương toàn quốc, anh còn được hưởng chế độ đãi ngộ tốt của TP.HCM - đơn vị có chế độ dành cho VĐV khuyết tật cao bậc nhất cả nước. Đùng một cái, Tuấn từ bỏ tương lai rộng mở để về Krông Nô!

Tuấn tâm sự: “Huyện Krông Nô còn nghèo, lạc hậu và có không ít người khuyết tật đang chịu nhiều thiệt thòi. Tôi muốn làm chút gì đó cho quê hương”. Để ổn định cuộc sống, Tuấn vay tiền mở tiệm bán thuốc. Nhờ mát tay, tiệm của Tuấn ngày càng đông khách và không ngừng mở rộng.

Song song đó, Tuấn bắt tay giúp đỡ những người khuyết tật tỉnh Đắk Nông. Anh bỏ tiền túi lặn lội hàng chục kilômet tìm đến cơ sở người khuyết tật thuyết phục họ đến với thể thao.

Mặt khác, anh cũng “vắt cạn con tim” viết thư ngỏ chân thành gửi đến các cấp lãnh đạo tỉnh, địa phương và các doanh nghiệp... để xin hỗ trợ cho sự ra đời của đội thể thao người khuyết tật Đắk Nông vào năm 2012. Không có HLV, Tuấn đem tất cả những gì mình học được tại TP.HCM truyền lại cho đồng đội. Không ngờ ngay lần đầu tiên tham dự giải toàn quốc, chỉ với sáu VĐV, Đắk Nông đã đoạt 1 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ, xếp hạng 13 trong tổng số 39 đoàn tham dự.

Ngoài ra, Tuấn chủ động kêu gọi hỗ trợ từ mọi nguồn lực xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của mạnh thường quân để tổ chức các ngày hội cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật tỉnh Đắk Nông. Đồng thời anh huy động “nội lực” của hội để làm tranh gạo, tăm tre, vòng hoa... bán gây quỹ bồi dưỡng tập luyện, thi đấu và giúp vốn cho người khuyết tật làm ăn... Tại Hội thi thể thao người khuyết tật 2014 ở TP Cần Thơ, các VĐV được lãnh đạo tỉnh Đắk Nông hỗ trợ tám suất tham dự hội thi và tự đóng góp thêm được ba suất từ quỹ của mình.

Từ nỗ lực gầy dựng của Tuấn, đến nay đội thể thao người khuyết tật Đắk Nông trở thành nơi sinh hoạt của hơn 50 thành viên và trong số đó nhiều người đã được hỗ trợ việc làm. Vượt qua số phận để hướng đến tương lai ấm no, hạnh phúc và còn giúp được nhiều người đồng cảnh ngộ tại quê hương, tấm lòng của Ngô Văn Tuấn thật đáng trân trọng.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên