11/04/2012 08:07 GMT+7

Bộ NN&PTNT cho nhập chất cấm?!

L.ANH - TH.HOÀNG thực hiện
L.ANH - TH.HOÀNG thực hiện

TT - Sau khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an thu giữ 1,4 tấn Gold Protein Peptide (SSI) có chứa chất tạo nạc bị cấm, Tuổi Trẻ đã truy nguồn gốc, phát hiện Bộ NN & PTNT cho phép nhập.

xqGdlEVa.jpgPhóng to

Cơ quan thú y Đồng Nai lấy mẫu kiểm nghiệm chất tạo nạc - Ảnh: NGÔ THIÊN PHÚC

Khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ về hiện tượng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo, gây ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng lên tiếng khẳng định “đấy là tội ác”. Cục Chăn nuôi cũng “lên án” mạnh mẽ hành vi này, đồng thời đổ cho ngành y tế đã cho phép nhập những chất cấm nhưng không quản lý... Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn khác.

Theo tài liệu Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 cung cấp, ngày 21-2 Công ty TNHH Hồng Triển (lô 9E, Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã nhập khẩu ba mặt hàng là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có sản phẩm Gold Protein Peptide (SSI) với số lượng 3 tấn.

Trong tờ khai của Công ty Hồng Triển, doanh nghiệp này ghi rõ nguyên liệu này được nhập căn cứ theo danh mục “Thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào VN”, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Bùi Bá Bổng ký ban hành ngày 2-10-2006.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chất SSI trong danh mục nêu trên có số thứ tự 465, nằm ở mục “nguyên liệu”, mã số hồ sơ là 2309.09.20, với các công dụng như “tăng quá trình tổng hợp protein, kích thích sinh trưởng”.

ly6E2jQo.jpgPhóng to
Danh mục thức ăn chăn nuôi do Bộ NN&PTNT ban hành có chất SSI

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 cho biết do sản phẩm này nằm trong danh mục được phép nhập khẩu của Bộ NN&PTNN, nên doanh nghiệp này chỉ làm thủ tục hải quan cửa khẩu mà không phải xin giấy phép. Sản phẩm này khi qua cảng cũng không phải kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 cho biết hiện Bộ NN&PTNT đã có thông tư 66 và thông tư 81 quy định về việc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng. Nhưng những thông tư này đến ngày 30-6-2012 mới bắt đầu có hiệu lực nên các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu SSI không cần xin giấy phép và kiểm tra chất lượng là đúng theo quy định của Nhà nước.

Một lãnh đạo Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 cho rằng đã “rất ngạc nhiên” khi nghe thông tin sản phẩm này chứa chất cấm, trong khi danh mục mà Bộ NN&PTNT công bố vẫn cho phép nhập. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định do được phép nhập nên từ nhiều năm nay, không riêng gì Hồng Triển mà nhiều công ty khác cũng tham gia nhập.

Có kiểm tra, nhưng không xuể

Chiều 10-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết:

- Từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng 18 loại kháng sinh, hóa chất trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trong đó có salbutamol và clenbuterol. Năm 2009 danh sách này được bổ sung melamine.

* Vì sao trong danh mục sản phẩm và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ban hành năm 2006, bộ lại cho phép nhập SSI có chứa salbutamol và clenbuterol, những chất bị cấm từ năm 2002?

- Khi doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu sản phẩm, Bộ NN&PTNT đã xem xét kỹ hồ sơ, mô tả sản phẩm, các sản phẩm nghi ngờ đều được lấy mẫu kiểm tra. Khi đó SSI không chứa chất tạo nạc salbutamol và clenbuterol, thành phần công bố đều được phép sử dụng. Nhưng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, có thể chất tạo nạc đã được đưa thêm vào, đó mới là sai phạm. Theo quy định hiện hành, nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép nhập thì được nhập khẩu tự do, không phải kiểm tra trước khi thông quan.

* Tại sao ngành chăn nuôi không kiểm tra mà để lọt lưới các loại chất cấm này?

- Mình vẫn làm nhưng không xuể, nên có nguy cơ hàng hóa tồn dư chất cấm vào VN. Trước đây, hàng lọt lưới chỉ qua đường tiểu ngạch, nhưng hiện có cả công ty chính thức nhập khẩu và đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện như trường hợp SSI. Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là hàng hóa có điều kiện theo quyết định 50 của Thủ tướng và quyết định 66 của Bộ NN&PTNT. Từ ngày 1-7, khi hai văn bản này có hiệu lực thi hành, tất cả thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sẽ phải kiểm tra chất lượng, không như hiện nay cứ có trong danh mục là được nhập khẩu, có nguy cơ lọt lưới.

__________

Ngày 10-4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã phối hợp với cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH ÔNI (316/3 hương lộ 80, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) sản xuất và kinh doanh thức ăn “tăng tốc, tạo nạc” cho heo (ảnh).

ZYo9tIQ4.jpgPhóng to

Đoàn kiểm tra ghi nhận tại công ty có hơn 1 tấn thành phẩm mà thông tin trên bao bì giới thiệu có tác dụng kích thích tăng trọng, tạo nạc.

* Ngày 10-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phó Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành, thông báo ngoài Đồng Nai đã có thêm Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương phát hiện có thức ăn chăn nuôi chứa chất tạo nạc nhóm beta-agonist.

Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm yêu cầu các tỉnh thành phối hợp liên ngành y tế - nông nghiệp - công thương tổ chức giám sát nguy cơ sử dụng hóa chất tạo nạc trong suốt quá trình chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thức ăn gia súc. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, truy nguyên nguồn gốc, phát hiện sớm các vi phạm trong kinh doanh, sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi.

Cùng ngày, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đã có cuộc làm việc với Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT về việc phối hợp giám sát, phát hiện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.

* Ngày 10-4, ông Nguyễn Thanh Cẩn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy ngẫu nhiên 24 mẫu thức ăn, thuốc thú y... để phân tích tìm chất cấm. Kết quả, bảy mẫu trong số này bị phát hiện có chất cấm salbutamol, chiếm tỉ lệ hơn 34%.

* Ngày 10-4, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất xử phạt 11 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn vì đã sử dụng chất cấm nhóm beta - agonist trong chăn nuôi. Hiện các hồ sơ của 11 cơ sở chăn nuôi vi phạm đã được chuyển về UBND hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất chờ xử lý theo quy định.

L.ANH - TH.HOÀNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên