13/09/2012 07:56 GMT+7

Bỏ ngỏ việc kiểm tra doping

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Việc không kiểm tra doping (trong đó có nhóm chất gây nghiện) là nguyên nhân dẫn tới việc không ít cầu thủ bị bắt vì tàng trữ, sử dụng chất gây nghiện.

TT - Việc không kiểm tra doping (trong đó có nhóm chất gây nghiện) là nguyên nhân dẫn tới việc không ít cầu thủ bị bắt vì tàng trữ, sử dụng chất gây nghiện.

Ngoài ra, không ít VĐV của các môn thể thao khác vẫn vô tư sử dụng doping mà không lo bị phát hiện. Thực tế này diễn ra nhiều năm qua nhưng ngành thể thao chưa có bất cứ quy định nào ràng buộc các CLB, liên đoàn thể thao... trong việc kiểm soát VĐV.

Chờ thông tư để thực hiện

Đại hội TDTT toàn quốc lần 6 là đại hội thể thao trong nước đầu tiên thí điểm kiểm tra doping. Tại vòng chung kết đại hội diễn ra ở Đà Nẵng tháng 10-2010, trong 30 mẫu/3.000 VĐV tham dự, VĐV cử tạ Ngô Thị Hạnh (Hà Tĩnh, hạng cân 75kg) đã bị phát hiện dùng doping sau khi đoạt HCV.

Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết Tổng cục TDTT đang giao Viện Khoa học TDTT soạn thảo thông tư kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện, sức khỏe và doping của VĐV. Sau khi thông tư này ra đời, việc kiểm tra doping sẽ được coi là một việc bắt buộc trong quy trình đào tạo, thi đấu của VĐV. Theo đó, Trung tâm doping và y học thể thao được giao sẽ là nơi lấy và kiểm tra mẫu. Hiện nay muốn kiểm tra một mẫu doping phải gửi ra nước ngoài với chi phí trung bình 150-200 USD/mẫu.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên viện trưởng Viện Khoa học TDTT, người được giao chấp bút thông tư này - cho biết việc bỏ ngỏ công tác kiểm tra doping, chất gây nghiện đã để xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc cho thể thao VN, gây nguy hiểm cho xã hội.

GS Chí cho biết thêm: “Tôi biết chắc không ít VĐV VN sử dụng doping trong thi đấu nhưng vì không bị kiểm tra nên họ vô tư sử dụng mà không lo bị phát hiện. Năm 2003, khi SEA Games 2003 được tổ chức tại VN, Chính phủ đã cho nhập thiết bị kiểm tra chất gây nghiện để phục vụ đại hội. Thiết bị này khi nhập về được bàn giao cho Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tuy nhiên thiết bị này chỉ có thể kiểm tra được một trong sáu nhóm doping là chất gây nghiện. Các chất trong danh mục doping khác hiện nay không có thiết bị kiểm tra là chất đồng hóa steroid, chất chặn beta, chất lợi tiểu, hormone và chất tương tự, nhóm chất kích thích.

VPF “quên” kiểm tra chất gây nghiện ở mùa giải 2012

Hiện nay, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) là liên đoàn duy nhất thí điểm việc kiểm tra chất gây nghiện cho các cầu thủ đang chơi tại V-League và Giải hạng nhất. Nhưng việc kiểm tra này, theo ông Nguyễn Trọng Hỷ - chủ tịch VFF, chỉ thực hiện trên quy mô nhỏ và rất hạn chế. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Phú - phó ban y học VFF, thành viên Hiệp hội Phòng chống doping châu Á - cho biết mùa giải 2012, ban y học VFF không được ban tổ chức giải yêu cầu kiểm tra chất gây nghiện đối với các cầu thủ tại V-League và Giải hạng nhất.

Bác sĩ Phú nói: “Những mùa giải trước đây ban y học vẫn kiểm tra ngẫu nhiên ở các CLB tham dự giải để tìm ra cầu thủ sử dụng chất gây nghiện. Mỗi năm trung bình có hơn 20 mẫu được xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Tuy nhiên mùa giải 2012 chúng tôi không nhận được lời đề nghị của ban tổ chức giải nên không tiến hành lấy mẫu như các mùa giải trước”.

Theo ông Nguyễn Trọng Hỷ, có thể do mới thành lập nên năm 2012 Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) quá nhiều việc, quên mất việc kiểm tra chất gây nghiện cho cầu thủ. Vì vậy, VFF sẽ kiểm tra, đôn đốc để VPF thực hiện quyết liệt việc này trong những mùa giải tới. “VFF sẽ có bản án rất nặng đối với những cầu thủ tham gia sử dụng, tàng trữ ma túy, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bóng đá VN. Dù sự cố gây tai nạn giao thông của Huy Hoàng chưa có kết luận cuối cùng nhưng VFF đã gửi công văn yêu cầu đội SLNA báo cáo ngay tình hình của Huy Hoàng cho VFF trước ngày 13-9 để xử lý. Dù sử dụng rượu hay ma túy, Huy Hoàng chắc chắn sẽ phải nhận một bản án rất nặng từ VFF. Không chỉ căn cứ trên báo cáo của CLB SLNA, VFF cũng sẽ liên hệ với Công an Thanh Hóa để tìm hiểu chi tiết sự việc”.

GS Dương Nghiệp Chí khẳng định đối với các VĐV thể thao, việc kiểm tra doping không chỉ được tiến hành ngẫu nhiên trong quá trình tham gia thi đấu mà cả quá trình tập luyện, nghỉ ngơi. Do vậy việc các cầu thủ dùng ma túy hay bia, rượu trong thời gian đang được nghỉ ngơi để tham gia các hoạt động xã hội là việc rất đáng lên án. “Khi thông tư về việc kiểm tra, đánh giá công tác đào tạo, sức khỏe, doping của VĐV ra đời, kinh phí việc kiểm tra doping của các giải đấu sẽ do Nhà nước đảm trách. Tuy nhiên với một số liên đoàn mạnh về kinh phí như VFF, việc kiểm tra doping phải được VFF, các CLB chủ động thực hiện” - GS Chí nói.

K.XUÂN

K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên