26/01/2006 15:45 GMT+7

Bộ mặt cây xanh TP.HCM: Sẽ chuyển biến trong 5 năm tới

PHƯƠNG THANH thực hiện
PHƯƠNG THANH thực hiện

TTO - Xung quanh vấn đề định hướng qui hoạch cây xanh TP và tình trạng gãy đổ cây gây tai nạn, PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thiện Hà - giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM.

BhikomJN.jpgPhóng to
Ông Trần Thiện Hà - giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM. Ảnh: P.T
TTO - Xung quanh vấn đề định hướng qui hoạch cây xanh TP và tình trạng gãy đổ cây gây tai nạn, PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thiện Hà - giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM.

* Có ý kiến cho rằng TP.HCM chưa có những con đường trồng cây xanh ấn tượng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nói TP.HCM không có những con đường trồng cây xanh ấn tượng cũng chưa đúng, vì hiện nay hệ thống cây xanh TP.HCM có nhiều cây cổ thụ nhất trong cả nước, góp phần tạo nên nét “hoành tráng” cho đường phố. Hệ thống cổ thụ của ta phần lớn là sao, dầu - loại cây đặc trưng của miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra còn có một số loại mới như: lim, bò cạp nước, bằng lăng... cũng tạo nét riêng cho TP.

Trước đây, khi điều kiện chưa cho phép thì có cây gì trồng cây đó, nên nhiều con đường tại TP.HCM cây trồng không thuần nhất, chưa tạo được ấn tượng với người dân. Vài năm trở lại đây, việc trồng các loại cây đặc chủng bắt đầu được quan tâm. Một số đường được thuần chủng như Trương Định trồng cây lim, Bà Huyện Thanh Quan trồng cây me... khá đẹp mắt.

* Vì sao cây xanh tại các đường cửa ngõ TP còn "loạc choạc"? Có phải chúng ta chưa đầu tư nhiều cho khu vực ngoại ô?

- Việc trồng cây xanh tại những con đường này do các công ty khác quản lý chứ không thuộc thẩm quyền của Công ty CVCX, như Trường Sơn trước đây do Q.Tân Bình đầu tư, Kinh Dương Vương và Điện Biên Phủ là của Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, quốc lộ 13 của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 đầu tư theo phương thức BOT, còn đường Trường Chinh đang hoàn chỉnh quá trình nâng cấp nhưng cũng thuộc quản lý của một chủ đầu tư khác.

Xu hướng những năm gần đây của TP là nâng chỉ tiêu cây xanh bằng cách phát triển hệ thống cây xanh tại 6 quận mới và năm huyện ngoại thành, bởi khu vực này đang trong quá trình chỉnh trang đô thị nên dồi dào về quĩ đất. Vì vậy, nhìn chung cây xanh ngoại thành TP đã bắt đầu được đầu tư, chăm chút.

* TP đã có qui hoạch tổng thể về cây xanh, nhưng lại chưa có qui hoạch cây xanh đặc chủng cho từng con đường. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến TP.HCM thiếu những đường cây đẹp và ấn tượng?

- Phải thừa nhận đây là một thiếu sót. Tuy nhiên, đưa ra qui hoạch cụ thể cho từng tuyến đường trong điều kiện hiện nay là rất khó. Vì chúng ta chỉ có thể cải tạo dần hệ thống cây được kế thừa từ thời Pháp thuộc, chứ không thể đốn toàn bộ cây một lúc để trồng theo qui hoạch. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, kinh tế mà còn đụng đến dân sinh.

Hơn nữa, điều kiện vườn ươm không cho phép chủ động một lượng cây sẵn có cho toàn tuyến. TP mới có 40 ha vườn ươm trong khi yêu cầu là vài trăm ha.

* Vậy theo ông, đến khi nào TP mới có qui hoạch con đường cây xanh và nên qui hoạch theo hướng nào?

- Theo tôi, nên phát triển cây xanh đô thị theo hướng đa dạng hóa chủng loại. Hiện Công ty CVCX có chuẩn bị một số loại cây mới như: long não, giáng hương, bằng lăng, bò cạp nước… sẽ đưa ra trồng tại đường phố trong vài ba năm tới. Chúng tôi cũng thử nghiệm trồng cây ăn trái tại một số tuyến (như Cộng Hòa trồng cây xoài…) Đồng thời, cần bảo tồn và phát triển hệ thống sao, dầu vốn là đặc trưng của TP.HCM. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành thuần chủng cây xanh tại từng tuyến, từng đoạn đường.

Tôi tin rằng khoảng năm năm nữa bộ mặt cây xanh TP sẽ có sự chuyển biến về số lượng cũng như chất lượng và sẽ có nhiều con đường thuần chủng đẹp mắt.

* Người dân rất lo sợ về tình trạng cây xanh, nhất là những loại cây lớn như sao, dầu bị gãy đổ gây tai nạn. Nên chăng hạn chế trồng những loại cây lớn trên đường phố, thưa ông?

- Cây xanh cũng như con người chỉ phát triển tốt ở một độ tuổi nhất định. Vì vậy, cây trồng đến lúc nào đó thì cần cho “về hưu”, tránh tình trạng cây quá già, gãy đổ gây tai nạn. Hiện nay, chúng tôi cũng rất quyết liệt trong việc tỉa cành, mé nhánh, cắt ngọn hạ thấp chiều cao để hạn chế tối đa gãy đổ cây.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho sao, dầu, vì những cây ngã đổ nhiều nhất lại là những cây do người dân trồng như: bã đậu, bàng, trứng cá… là những cây không phù hợp với đường phố do nhánh dòn, dễ gãy.

* Vậy nếu người dân muốn trồng cây thì nên chọn chủng loại nào, tại sao Công ty không định hướng cho dân?

- Mới đây, chúng tôi có đề xuất danh mục 5.000 loại cây cấm trồng ở TP.HCM, trong đó có một số loại như: bàng, keo lá tràm, gáo, lòng mức, mã tiền, anh túc… và đang chờ một văn bản pháp qui để từ đó phối hợp với dư luận báo chí nhằm định hướng người dân nên trồng cây gì, chăm sóc bảo vệ ra sao…

* Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên