![]() |
Nixon (trái) và Kissinger chỉ tin vào những phán xét của mình |
Vai trò của bộ đôi Nixon - Kissinger trong cuộc chiến VN lớn như thế nào? Tiến sĩ khoa chính trị Tanguy Struye de Swielande đã nêu các phân tích của ông trong luận án mang tựa đề "Chính sách của Mỹ ở VN từ 1946 đến 1973. Sự kiện, quyết định và chiến lược".
"Cánh tay phải Kissinger"
Nixon áp dụng cơ chế quyết định các chính sách của mình rất giống kiểu của người tiền nhiệm Eisenhower mà trong đó cơ quan chính yếu sẽ là Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) với quyền lực chi phối các bộ khác.
Người đầu tiên mà Nixon bổ nhiệm ngay khi lên nắm quyền chính là Henry Kissinger vào ghế lãnh đạo NSC và cho Kissinger quyền bổ nhiệm người. William P. Rogers, người từng cộng tác với Nixon dưới thời Eisenhower, được cử làm ngoại trưởng. Đấy là một quyết định đầy tính toán của Nixon vì Rogers không am hiểu chút nào về đối ngoại nên Nixon sẽ dễ bề thao túng lĩnh vực này. Nhưng vì Rogers sớm thể hiện sự chống đối nên đã bị thay thế bằng Kissinger sau đó.
Dưới trào Nixon, NSC gần như là cơ quan quyền lực cao nhất với sự tham gia của nhiều tướng lĩnh nên Nixon cũng chẳng cần tham khảo đến ý kiến của bên quốc phòng khi phải đưa ra những quyết định đầy cam go trong thời kỳ chiến tranh lạnh này. Kiểu này còn tiện lợi ở chỗ Kissinger chỉ việc thông qua NSC để vô hiệu hóa các bộ khác. Vì thế B. Mazlish từng bình luận (trong cuốn sách Kissinger, chân dung tâm lý và ngoại giao): "Kissinger đã thao túng NSC đến mức biến nó thành một thứ công cụ thực thi những điều mà ông ta muốn, và hiển nhiên là cả những điều của Nixon". Vì lẽ đó, Kissinger và Nixon chỉ tin vào những phán xét của mình và phớt lờ mọi lời cảnh tỉnh khác. Có những quyết định mà chỉ hai hoặc một trong hai người này đưa ra chứ chẳng cần tham khảo một cách nghiêm túc các cố vấn khác.
Cả hai hầu như cũng chẳng tin tưởng ai ngoài mình. Tháng 7-1970, Kissinger từng tuyên bố với tờ Washington Post: "Người ngoài cuộc cứ nghĩ rằng quyết định của tổng thống là phải được tuân thủ đúng mực. Sai lầm. Tôi đã phải mất nhiều thời gian để theo dõi xem nó có được thực hiện theo đúng ý định của tổng thống hay không".
Ngoài ra Kissinger còn tham gia cả vào việc thực thi các quyết định để đảm bảo rằng chúng được thực thi theo đúng khuyến dụ. Có lẽ trong lĩnh vực ngoại giao, chưa có ai gom về cho mình một loạt các chức trách như Kissinger: quyết định chính sách, giám sát giới thừa hành, giao dịch với báo chí, thương thảo mật…
Kế hoạch "VN hóa chiến tranh"
Tính thực dụng của Nixon, sự am hiểu lịch sử, kinh nghiệm, những chuyến công du và tính thực tế của Nixon đã ảnh hưởng lên quyết định về chính sách ngoại giao của ông. Do không thích sự đối đầu, ông ta hình thành chính sách của mình với một số lượng hạn chế các cố vấn. Đối với Nixon, một tổng thống được bầu lên là để lãnh đạo và ra lệnh. Và thậm chí đạt được quyết định theo kiểu đồng thuận là dấu hiệu của sự yếu đuối!
Chính vì vậy, trái với thời của chính quyền tiền nhiệm Kennedy và Johnson, tinh thần đồng đội và tính hỗ trợ trong nhóm các cố vấn của tổng thống Nixon không hề có: họ chỉ đóng vai trò thực thi mệnh lệnh của cấp trên. Chính Kissinger từng giải thích (trong hồi ký Ở Nhà Trắng): “Đó là một sự mâu thuẫn của một tổng thống mạnh mẽ trong các quyết định và mơ hồ trong chỉ huy”.
Dưới thời đại Nixon, quan hệ quốc tế không còn được phân tích theo góc nhìn ý thức hệ nữa ma đã được nhìn theo góc độ địa - chính trị và địa - chiến lược. Theo góc nhìn đó thì miền Nam VN không còn giá trị gì nữa đối với nước Mỹ. Chính vì vậy trong tính toán của Nixon thì không còn chuyện giành chiến thắng hay bảo vệ miền Nam VN nữa mà là kết thúc cuộc chiến một cách ít gây ảnh hưởng cho uy tín của Mỹ nhất.
Tháng 1-1969, Kissinger đã ra lệnh cho các quan chức ở Washington và Sài Gòn cho ý kiến về tình hình tương lai của VN thông qua bản câu hỏi gồm 28 câu chính và 50 câu phụ. Bản báo cáo sau đó (mang tên N.S.S.S.M-1) đã phản ánh hai thái cực trong nhìn nhận: một bên nghĩ rằng các thương thảo hòa bình sẽ được tiếp tục; và bên còn lại cho rằng tình hình sẽ cứ tiếp tục bằng những cuộc giao tranh. Đến khi cố vấn Laird viết báo cáo sau chuyến thị sát miền Nam VN vào tháng 3-1969 thì Nixon mới quyết định thực thi kế họach của Laird đề xuất có tên gọi "VN hóa chiến tranh". Cùng lúc với việc cung cấp tiền tài và vũ khí cho quân đội miền Nam, người Mỹ cũng bắt đầu rút chân bằng việc giảm lực lượng quân binh xuống còn gần phân nửa vào đầu tháng 5-1970.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận