25/10/2009 02:29 GMT+7

Bỏ cả cuộc đời trong nồi mắm kho

ĐINH QUANG DUY
ĐINH QUANG DUY

TT - Ba tôi sinh năm Canh Tý. Người ta nói tuổi này sẽ có cuộc sống an nhàn nhưng sao cuộc đời ba chỉ toàn lận đận.

Chuyện đời tự kể

Bỏ cả cuộc đời trong nồi mắm kho

TT - Ba tôi sinh năm Canh Tý. Người ta nói tuổi này sẽ có cuộc sống an nhàn nhưng sao cuộc đời ba chỉ toàn lận đận.

Lúc nhỏ ba sống với ông bà nội vốn là phú nông ở miệt Châu Thành (Long An), nhưng khi ba thi xong tú tài thì gia đình sa sút, ruộng vườn bị người ta chia chác hết. Ba phải lưu lạc lên tận Long Thành ở với người dì, vừa đi làm rẫy vừa học trung cấp đo đạc bản đồ. Học xong, ông trở về làm công chức ở một cơ quan của tỉnh nhà. Má tôi kể lúc ba má cưới nhau, tài sản lớn nhất hai người có là chiếc xe đạp đòn dông và mấy cái quần xà lỏn.

Đến bây giờ xa nhà lên thành phố học ba năm, ăn cơm bụi sinh viên miết nhiều lúc tôi thấy thèm tô mắm kho của ba nấu quá đi thôi. Ở nhà ít khi ba làm thức ăn mà chỉ nấu độc món mắm kho thôi. Mắm kho ba nấu có cái ngọt của đậu bắp, cái dìu dịu của cà tím xen lẫn với một chút đắng của khổ qua, chút cay của ớt sừng trâu...

Hình như trong nồi mắm đang bốc khói thơm lừng, ông bỏ cả cuộc đời mình vô đó. Đó là vị mặn của giọt nước mắt nuốt vội trong lòng khi nhìn người anh từng nuôi mình ăn học lịm dần trên giường bệnh vì không có tiền mua thuốc. Là những đắng cay của cuộc đời công chức “trên đe dưới búa”.

Trong cái thế giới tưởng chừng như êm ả, bạn bè hay đối thủ chỉ trong tích tắc... Một cái giơ tay, vài lời nói gay gắt có thể biến người đồng nghiệp mà mình quý mến trở nên xa lạ. Nhiều khi nhìn mấy người dân quê chầu chực ở cổng cơ quan, nhớ ra người bạn có nhiệm vụ giải quyết công việc cho bà con đang ngồi nhậu ở quán Sông Quê hay Chân Quê gì đó, ba lại thấy nhói ran, rã rời...

Ừ, thì đời làm thằng đàn ông nhiều khi cũng phải mượn thứ nước đó để quên, để vui, để buồn... nhưng làm ơn đừng nhậu luôn nỗi lo của những người dân đã lặn lội mấy chục cây số lên đây kiếm mình như vậy, “Thất đức lắm con ơi!”.

Nhớ năm ấy dành dụm được chút tiền, ba má quyết định xây nhà cho ông bà nội vì căn nhà tranh vách lá của ông bà đã xập xệ lắm rồi. Hỡi ôi! Nhà nội vừa xây xong, chưa kịp vui thì xảy ra chuyện. Ông dượng Sáu không hiểu sao phát bệnh điên, từ quê lên nhà nội dưỡng bệnh nổi cơn giết cô Sáu tôi rồi rượt chém ông nội thương tích đầy mình. Bà nội chứng kiến tất cả mà chỉ biết nằm khóc vì bà bị bán thân bất toại lâu rồi. Một tay ba đưa ông nội đi bệnh viện, tay kia lo chôn cất em mình. Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.

Nhiều người nhìn vô cảnh nhà tôi lúc ấy đều lắc đầu thở dài, có lẽ từ việc họ thấy bà nội tôi bị liệt nửa người nằm một chỗ trên giường; thấy ba đứa con của cô Sáu tôi không ai nuôi dạy; thấy ông nội tôi nằm bệnh viện và thấy cả nhà bốn người chúng tôi chen chúc trong căn phòng tập thể 20m2. Má sinh thêm em trai, vì nghỉ làm nhiều quá nên bị cơ quan giảm biên chế, từ đây ba phải gánh vác để nuôi cả nhà. Thương ba vất vả, má xin vô xí nghiệp hạt điều. Làm được vài ngày hai bàn tay má sưng tấy. Ba bắt má nghỉ, một tay ba gánh vác tất cả...

Nhiều lần tôi hỏi ba sao mình có tới hai cô út lận. Ba nhìn tôi như ứa nước mắt, không trả lời. Lớn lên tôi mới biết mình có hai bà nội. Nghe má kể hồi đó ông nội đi trốn lính, xuống tới miệt Bến Tre thì quen bà nội hai rồi lấy nhau, sinh con, rồi dắt nhau về nhà làm bà nội tôi đau buồn đến nỗi ngã xuống nằm bất động cho tới lúc chết. Ba tôi cũng từ đó mang một nỗi hận trong lòng không thể nói ra.

Mỗi lần chở tôi về thăm bà nội, tôi thấy ba ngồi hàng giờ trước giường bà, hai má con giờ chỉ nói chuyện được với nhau bằng mắt. Dù tết năm nào ông cũng đánh xe về tận xứ biển ấy để thăm cô út hai, nhưng tôi để ý hình như chưa lần nào ba cắm nén nhang trên bàn thờ bà nội hai...

Hồi tôi còn nhỏ, có bữa ba đi nhậu xỉn về đuổi hai má con tôi ra khỏi nhà khóa cửa lại. Tôi khóc lớn rồi la làng “cướp, cướp”, hàng xóm đổ tới. Ba mở cửa với gương mặt đỏ gay (không biết vì rượu hay vì xấu hổ). Từ đó ba bỏ rượu, đám tiệc gì cũng xin bình nước trà thay rượu để cụng ly cho khỏi thất lễ với các chú các bác trong bàn.

ĐINH QUANG DUY

ĐINH QUANG DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên