Bán cổ phần của startup - cho ai, bao nhiêu và khi nào? - Nguồn: Behance.net |
Tiếp theo "Hiểu về các hình thức huy động vốn cho startup", bài viết này với phần tham khảo từ trang FundersAndFounders sẽ chú trọng vào hình thức huy động vốn bán cổ phần (equity). Các nhà đầu tư sẽ đầu tư tiền để sở hữu một phần công ty startup, nói nôm na là “một phần của chiếc bánh.”
Giả định một startup nhận được 15.000 USD từ người thân và bạn bè, khoảng 200.000 USD từ một nhà đầu tư thiên thần (angel investor) và 2.000.000 USD từ một quỹ đầu tư mạo hiểm. Hình sau của nhà thiết kế Anna Vital cho thấy các bước phát triển và vòng gọi vốn cổ phần của start-up.
Các bước phát triển và huy động vốn cổ phần của startup - Nguồn: Fundersandfounders.com |
1. Giai đoạn ý tưởng (Idea Stage)
Đây là giai đoạn sơ khai của một startup. Sau nhiều ngày suy nghĩ, bạn có một ý tưởng rất tâm đắc và cho rằng đây là ý tưởng sẽ đưa bạn tới thành công trên con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên vào thời điểm này, startup của bạn chỉ có duy nhất một thành viên là bạn nên bạn vẫn chưa thể nghĩ tới khái niệm “cổ phần.”
2. Giai đoạn tìm kiếm đồng sáng lập (Co-Founder Stage)
Bạn bắt tay vào thực hiện ý tưởng và cố gắng biến nó thành một nguyên mẫu (prototype), nhưng bạn thấy việc này tốn khá nhiều thời gian và cần sự giúp đỡ từ một người khác.
Bạn tìm được một người rất thông minh và tràn đầy nhiệt huyết. Sau vài ngày làm việc chung, bạn cảm thấy họ đem rất nhiều giá trị vào ý tưởng của bạn và cảm thấy tự tin khi có một cộng sự đáng tin tưởng. Bạn mời họ trở thành đồng sáng lập (co-founder), nhưng chưa thể trả họ bằng tiền lương (và nếu bạn trả tiền mặt, họ sẽ trở thành nhân viên – employee – của bạn, không phải đồng sáng lập). Do đó, bạn đề nghị sẽ chuyển cổ phần cho người đồng sáng lập (co-founder).
Nhưng bao nhiêu cổ phần là hợp lý? 20% là quá ít, trong khi 40% lại là quá nhiều? Bạn là người đưa ra ý tưởng ban đầu và biến giấc mơ khởi nghiệp thành sự thật. Tuy nhiên sau một thời gian, bạn nhận ra là nhà đồng sáng lập cũng đầu tư nhiều thời gian và công sức vào dự án này như bạn. Vì họ làm một nửa khối lượng công việc, họ xứng đáng được đối xử ngang hàng và nhận 50% cổ phần công ty.
Một sự hợp tác thực sự được dựa trên sự tôn trọng, và tôn trọng được dựa trên sự công bằng. Bất cứ điều gì ít hơn sự công bằng sẽ không bao giờ bền vững |
Vì bạn muốn startup của bạn thành công, bạn quyết định sẽ nhượng lại 50% cổ phần công ty cho người đồng sáng lập.
3. Vòng bạn bè và người thân (Friends and Family Round)
Sau một khoảng thời gian, bạn nhận ra rằng startup cần một số vốn mà bạn và người đồng sáng lập không thể cung cấp, nên bạn tìm cách huy động vốn từ những nguồn khác. Ở giai đoạn này, các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital/VC) sẽ không tin tưởng bạn, vì startup của bạn vẫn chưa sản xuất được một sản phẩm có thể hoạt động (working product), và họ sẽ không đồng ý rót vốn cho startup của bạn.
Trường hợp may mắn, một ông chú giàu có của người đồng sáng lập ngỏ ý muốn hỗ trợ, nên bạn quyết định sẽ cho ông ấy 5% cổ phần công ty để đổi lấy 15.000 USD tiền mặt. Bây giờ, bạn có thể trả tiền nhà và các phí sinh hoạt khác cho tới khi bạn sản xuất được một nguyên mẫu.
4. Đăng ký công ty (Registering the Company)
Để bán 5% cổ phần startup cho ông chú của người đồng sáng lập trong ví dụ trên, bạn cần tiến hành đăng ký công ty. Bạn phát hành cổ phiếu, bán 5% cho người chú kia và để riêng 20% cổ phần cho các nhân viên tương lai, đây được gọi là “option pool” (dự phòng).
Bạn không bắt buộc phải để dành lượng cổ phần này, nhưng option pool là quyết định tốt vì:
a) Các nhà đầu tư vào startup trong tương lai sẽ muốn có nó
b) Số cổ phần này sẽ được bảo đảm an toàn từ các quyết định thiếu sáng suốt của bạn hoặc nhà đồng sáng lập.
5. Vòng nhà đầu tư thiên thần (Angel Round)
Số tiền của người chú giàu có chỉ là tạm thời, và bạn cần tìm kiếm các nguồn vốn nhiều hơn cũng như ổn định hơn để tiếp tục phát triển startup.
Bạn có các lựa chọn phổ biến sau:
a) Vườn ươm khởi nghiệp (incubator) và vườn tăng trưởng khởi nghiệp (accelerator)
Các incubator, accelerator & seed investor nổi tiếng tại Việt Nam - Nguồn: ivy.topica.asia |
Các dịch vụ này thường hỗ trợ startup với hình thức tiền mặt, chỗ làm việc và lực lượng cố vấn (mentor). Hỗ trợ vốn thường khá hạn chế, vào khoảng 25.000 USD cho 5-10% cổ phần công ty.
b) Nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor)
Đây là các cá nhân được công nhận có khả năng đầu tư mạo hiểm (accredited investor), sở hữu ít nhất 1.000.000 USD (một triệu đôla Mỹ) trong tài khoản hoặc kiếm được ít nhất 200.000 USD mỗi năm.
Bạn đã định giá công ty trước khi mời gọi đầu tư (pre-money valuation) là 1.000.000 USD. Một nhà đầu tư thiên thần quyết định đầu tư cho startup 200.000 USD. Như vậy định giá sau đầu tư là $1.000.000 + $200.000 = $1.200.000. Theo đó, nhà đầu tư thiên thần sẽ nhận được $200.000/$1.200.000=1/6= 16.7% cổ phần của công ty.
Vào giai đoạn sớm khi startup chưa thể tự tồn tại bằng sản phẩm của chính mình, loại vốn này thường được biết với tên gọi seed funding.
Cổ phần của bạn, người đồng sáng lập và chú của họ đều bị giảm đi 1/6. Tuy vậy, trên thực tế, điều này có lợi vì giá trị công ty sẽ tăng dần sau mỗi lần nhận vốn đầu tư. Một miếng nhỏ của cái bánh lớn lớn hơn là một miếng lớn của cái bánh nhỏ.
Lưu ý: Điều bất lợi là bạn đang đánh đổi quyền sở hữu và ra quyết định của công ty do bạn làm chủ, nên hãy cẩn thận và chỉ huy động vốn khi thật sự cần thiết, và chỉ nhận tiền của các nhà đầu tư mà bạn tin tưởng.
6. Vòng quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Round)
Ở giai đoạn bạn đã sản xuất được thành phẩm và bắt đầu thu hút sự chú ý của người dùng đại chúng. Bước tiếp theo là huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital firms). Các vòng nhỏ hơn thường được gọi theo thứ tự bảng chữ cái như Series A, B, C.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường gặp ở Việt Nam - Nguồn: ivy.topica.asia |
a) Vòng gọi vốn Series A
Series A là vòng gọi vốn đánh dấu việc startup chính thức bước vào thị trường. Vốn từ Series A thường được dùng để nhân rộng mạng lưới phân phối, tạo dựng một hệ thống khách hàng cơ bản (userbase) hoặc tạo một mô hình kinh doanh (business model) ổn định.
Số vốn huy động được ở vòng này thường nằm trong khoảng dưới 1.000.000 USD
b) Vòng gọi vốn Series B
Vốn huy động được từ Series B chủ yếu được dùng cho việc nhân rộng & phát triển (scaling) startup, từ hệ thống khách hàng tới mô hình kinh doanh. Số vốn vay được có thể lên đến hàng chục triệu USD vì các nhà đầu tư cảm thấy an toàn hơn khi rót vốn vào một startup đã “sống sót” qua vòng Series A.
Gọi vốn thành công sẽ giúp startup tăng tốc phát triển tốt hơn - Ảnh minh họa: Shutterstock |
c) Vòng gọi vốn Series C, D, …
Từ Series C trở đi, startup đã thực sự vững mạnh và có chỗ đứng trong thị trường. Vốn gọi được từ các vòng này sẽ được dùng để tăng tốc độ đầu tư, thâm nhập thị trường quốc tế hay mua lại các công ty khác (make acquisitions). Số vốn huy động được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
7. Vòng phát hành cổ phiếu ra công chúng (Going Public)
Đây là giai đoạn cuối cùng (nếu bạn không bán công ty của mình cho một công ty khác) là tiến hành "lên sàn" Initial Public Offering (IPO), nghĩa là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Khi được cho phép giao dịch trên thị trường chứng khoán, ai cũng có thể mua cổ phiếu và sở hữu cổ phần của công ty bạn. Vì bất kì người nào có tiền mặt đều có thể đầu tư, đây là một cách kiếm tiền rất nhanh chóng và hiệu quả.
Nếu bạn tới được vòng IPO nghĩa là bạn đã thực sự thành công với ý tưởng của mình - Nguồn: CEOWORLD magazine |
Ngoài ra, những nhà đầu tư từ các giai đoạn trước (bao gồm cả bạn), đang nắm giữ cổ phiếu hạn chế - nghĩa là bạn không thể đem số cổ phiếu này đi bán lấy tiền. Nguyên nhân là vì trước IPO, công ty của bạn chưa được chính phủ xác nhận & kiểm duyệt (ở Việt Nam, việc này được đảm nhiệm bởi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước – SSC). Khi phát hành cổ phiếu đại chúng, các cổ đông hiện thời của công ty có thể chuyển số cổ phiếu hạn chế này thành cổ phiếu thường (unrestricted stock) hoặc tiền mặt.
Sau một thời gian “nằm gai” thì IPO là ngày “nếm mật” của các nhà đầu tư đã mạo hiểm rót vốn vào startup của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận