Thứ 5, ngày 4 tháng 3 năm 2021
Bít miệng cống 'cho đỡ hôi': Được phần mình, hại nhiều người
TTO - Để ngăn mùi hôi từ những cống thoát nước gần nhà, nhiều người dân đã dùng đủ cách khác nhau bịt miệng cống: che bạt, lắp ván, túi bao, đổ rác trực tiếp, thậm chí đổ luôn ximăng, bêtông vào.

Một miệng cống trên đường Phan Đình Phùng (Q. Phú Nhuận) bị che kín - Ảnh: CHÂU TUẤN
Những "giải pháp" tự phát này không những gây mất mỹ quan mà trái lại còn góp phần gây ngập đường mỗi khi trời mưa.
Chỉ cần đi dọc một số tuyến đường tại TP.HCM như Lê Quang Định, Vạn Kiếp, Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận), Lê Văn Sỹ, Hoàng Sa (Q.3), Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình)... dễ dàng bắt gặp nhiều miệng cống thoát nước bị người dân dùng bạt, vải che phủ, thậm chí bị bịt kín bằng ximăng, bêtông. Không chỉ dọc các tuyến đường lớn, nhiều miệng cống trong hẻm cũng chịu chung số phận.
Một số người dân thừa nhận việc bịt miệng cống nhưng giải thích là để ngăn mùi hôi từ lòng cống bốc lên. Bà P.T.T. (60 tuổi, Q.3) cho biết: "Nhà tôi buôn bán quán ăn, mùi hôi từ miệng cống liên tục bốc lên thì làm sao khách dám tới. Vì vậy phải dùng ván bịt lại. Chừng nào mưa ngập thì tính sau".
Cạnh nhà bà T., nhiều hộ dân kinh doanh vật liệu xây dựng, bán quán ăn... còn đổ trực tiếp chất thải xuống miệng cống gây ô nhiễm, bốc mùi, đồng thời là một trong những nguyên nhân gây tắc nghẽn đường cống, góp phần gây ngập nước.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, tình trạng người dân bịt miệng cống thoát nước xảy ra nhiều ở các tuyến đường có nhiều hộ kinh doanh, nhất là kinh doanh ăn uống và các tuyến đường có vỉa hè hẹp.
Nhiều miệng cống thoát nước bị bít khiến mỗi khi trời mưa nước không thể thoát xuống cống, góp phần khiến tình trạng ngập ở các tuyến đường càng nặng nề thêm.

Miệng cống thoát nước trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) bị người dân bịt kín bằng bao bì, rác thải - Ảnh: THU HIẾN
Một cán bộ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết việc bố trí các miệng cống thoát nước đã được cơ quan chuyên môn tính toán phù hợp với từng khu vực. Vì vậy, bất kỳ miệng cống nào bị lấp khi trời mưa cũng làm giảm khả năng thoát nước, khiến nước chảy tràn gây ngập tại chỗ và các khu vực xung quanh.
Ông Bùi Văn Trường - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước mưa Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM - nhìn nhận mùi hôi từ các miệng hố ga thoát nước bốc lên là có. Để giải quyết vấn đề mùi hôi, công ty đã có giải pháp bằng cách thay thế kiểu miệng cống truyền thống bằng các hố ga ngăn mùi.
Công ty đã thí điểm lắp đặt 300 hố ga ngăn mùi tại các tuyến đường Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp), Trương Định (Q.3), Vĩnh Khánh (Q.4) và ghi nhận hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, theo ông Trường, việc thay thế các nắp cống cũ cần có thời gian. Dự kiến đến cuối năm nay công ty sẽ triển khai lắp đặt hố ga ngăn mùi tại 6 tuyến đường thường xuyên bị ngập, khu vực đông dân cư.
Nhiều trường hợp bị xử phạt
Ông Nguyễn Văn Quang - chủ tịch UBND phường 2, Q.Bình Thạnh - cho biết phường thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra xử lý các trường hợp xả rác, bít miệng cống thoát nước. Trung bình mỗi năm có khoảng 20 trường hợp bị phường xử phạt hành chính, chủ yếu tập trung ở những khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống và tại khu vực giáp ranh chợ.
Theo ông Quang, UBND phường cũng kiên trì vận động người dân chấp hành việc bỏ rác sinh hoạt đúng nơi quy định nhằm tránh tình trạng vứt rác ra đường dẫn đến ngập, nghẹt cống thoát nước, gây thêm mùi hôi.
-
TTO - Trong sáng và trưa nay 4-3, hai chuyến bay của Vietnam Airlines khởi hành từ Hà Nội đi Myanmar để chở 390 công dân Việt Nam về nước.
-
TTO - 'Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt, và chúng tôi đã sống sót' - phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win đã nói như vậy khi đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Christine Schraner Burgener cảnh báo về trừng phạt và cô lập.
-
TTO - Người từ 19 thôn, khu dân cư thuộc 8 xã, thị trấn có dịch tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương đến TP.HCM trong vòng 14 ngày tính từ ngày rời địa phương phải cách ly tập trung và xét nghiệm COVID-19.
-
TTO - Liên Hiệp Quốc cho biết có 38 người thiệt mạng tại Myanmar chỉ trong ngày 3-3 khi quân đội nước này dùng bạo lực đối phó với các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự, và đây là "ngày đẫm máu nhất" kể từ hôm 1-2.
-
TTO - Chương trình phổ thông nay sẽ có thêm hai ngoại ngữ là tiếng Hàn và tiếng Đức. Các trường có thể tự chọn hai ngoại ngữ này để dạy, học sinh được tự chọn chứ không bị bắt buộc lựa chọn như thông tin lan truyền gần đây.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận