06/09/2018 10:02 GMT+7

Bình Thuận 'kêu trời' về quy hoạch khai thác titan

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Bình Thuận đã nhiều lần "kêu cứu" bằng việc đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ quặng titan với diện tích gần 2.000ha.

Bình Thuận kêu trời về quy hoạch khai thác titan - Ảnh 1.

Một dự án khai thác quặng titan tại khu vực huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, khiến địa hình biến dạng, uy hiếp đến khu dân cư và hạ tầng - Ảnh: NAM TRẦN

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020 (xét đến năm 2030) của Chính phủ thì Bình Thuận có gần 600 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng - tài nguyên của cả nước.

Trong đó diện tích đã đưa vào kỳ quy hoạch thăm dò, khai thác quặng titan đến năm 2020 ở tỉnh này gần 20.000ha và được chia thành 26 khu vực với trữ lượng - tài nguyên khoảng 133 triệu tấn. Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận liên tục "kêu cứu" và đề xuất gỡ vướng mắc trong quy hoạch này.

Ông Hồ Lâm, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Bình Thuận, cho biết địa phương đã tạm dừng hoạt động toàn bộ các mỏ khai thác titan do có nhiều sai phạm và chưa đủ điều kiện khai thác.

Đối với việc tách tuyển quặng titan, tại Bình Thuận có 9 đơn vị hoạt động với công suất thiết kế 621.000 tấn/năm.

Đến nay đã có 2 đơn vị dừng hoạt động, các đơn vị còn lại chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì bảo quản máy móc, thiết bị và nguyên liệu khai thác không nhiều. Thị trường tiêu thụ titan chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, còn tiêu thụ nội địa chiếm thị phần nhỏ.

Phần lớn những quy hoạch khai thác titan đều nằm ven biển và chồng lấn với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xung đột với lợi ích cộng đồng, phá vỡ cảnh quan trong quá trình khai thác ở Bình Thuận.

Trong khi đó, ven biển tỉnh này có nhiều danh thắng, điểm du lịch nổi tiếng đã hình thành và phát triển trước khi Chính phủ phê duyệt thành khu dự trữ khoáng sản.

Vì vậy, để khai thác các tiềm năng, sử dụng hiệu quả đất đai, phát huy lợi thế trục đường ven biển, đưa nơi đây trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia... tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần "kêu cứu" bằng việc đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ quặng titan với diện tích gần 2.000ha.

Đối với một số khu vực khác vẫn nằm trong quy hoạch dự trữ quặng titan sau rà soát, Bình Thuận đề xuất điều chỉnh kéo dài thời gian thăm dò, khai thác, chế biến từ 50-70 năm.

Trong thời gian này cho phép tỉnh được chấp thuận đầu tư các dự án xây dựng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, điện gió, điện mặt trời... để tránh lãng phí đất đai, đem lại việc làm cho người dân.

Nên cấm đào tài nguyên lên bán Nên cấm đào tài nguyên lên bán

TTO - Cấm xuất khẩu khoáng sản thô là đề xuất của Bộ Tài chính trong văn bản vừa gửi cho Bộ Công thương. Trường hợp loại khoáng sản nào được xuất khẩu thì phải có giấy phép.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên