Ngày 14-12, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, kết nối kinh tế, văn hóa và là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mekong và ASEAN.
"Tôi cảm nhận rất rõ ràng Bình Phước có một tiềm năng rất lớn trong 63 tỉnh thành. Ở Đông Nam Bộ, Bình Phước là sức trẻ mới, một không gian phát triển mới. Có thể ví như một nàng tiên vô cùng xinh đẹp nhưng đang ngủ quên. Và hôm nay, bản quy hoạch này đã đánh thức nàng tiên ấy", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ví von.
Sau hơn 25 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo, khó khăn, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Phước năm 2024 tăng gấp 92 lần so với năm 1997.
Tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 25 năm qua luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng/năm…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phó thủ tướng biểu dương những thành tựu nổi bật mà tỉnh Bình Phước đã đạt được trong suốt chặng đường qua.
Cũng theo phó thủ tướng, Quy hoạch tỉnh Bình Phước sẽ tạo ra không gian mới, nguồn lực, động lực mới để hiện thực hóa khát vọng của Đảng bộ và nhân dân. Đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.
Trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên, có không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng.
Với lợi thế của địa phương đi sau, trong quá trình thực hiện quy hoạch Bình Phước phải đồng bộ hơn, nhanh hơn, xanh hơn và bền vững hơn.
Phó thủ tướng lưu ý Bình Phước cần tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng vốn là điểm nghẽn lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để chủ động đón làn sóng lan tỏa phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là tập trung hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Có chiến lược thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư có công nghệ giá trị gia tăng cao, có lợi thế; phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp xanh, tuần hoàn.
Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện phân vùng đầu tư theo tiểu vùng sinh thái để vừa tận dụng lợi thế sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, đô thị của vùng TP.HCM, Bình Dương vừa thực hiện tốt chức năng sinh thái của vùng, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước.
Phát triển hệ thống đô thị, tạo động lực lan tỏa cho phát triển kinh tế, liên kết đô thị vùng. Chú trọng mô hình phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD) đang được định hình. Thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn xanh, thông minh hài hòa với nông thôn bền vững giàu bản sắc văn hóa…
Bình Phước tập trung đột phá kết cấu hạ tầng, nhân lực và cải cách hành chính
Bà Trần Tuệ Hiền, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nhận định Quy hoạch tỉnh được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách, triển khai bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển.
Phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa các lợi thế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Đồng thời là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, là dấu mốc giúp tỉnh chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho biết sẽ tập trung vào 3 đột phá: phát triển về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, bà Hạnh cam kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất, phù hợp với pháp luật của Việt Nam để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến hợp tác, đầu tư tại Bình Phước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận